Hiện có những dự báo đủ làm cho mọi người lo ngại, chẳng hạn như chỉ trong 30 năm nữa, số cá trong đại dương sẽ ít hơn số rác thải nhựa trên biển.
Gần đây, tổ chức Heinrich Boll Foundation của Đức đã công bố một Atlas (tập bản đồ) đại dương với danh sách 20 nước quản lý yếu kém chất thải nhựa trên thế giới, bao gồm: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Ai Cập, Nam Phi, Nigeria, Ma-Rốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Myanmar và Bangladesh. Số nước này chịu trách nhiệm về 83% khối lượng chất thải nhựa toàn cầu đã không được quản lý tốt.
Đại dương bao phủ đến 70% bề mặt trái đất, cung ứng nhiều loại thực phẩm cho con người, điều chỉnh khí hậu và tạo ra phần lớn oxygen cho chúng ta hít thở. Mặt khác, đại dương còn góp phần phát triển kinh tế toàn cầu thông qua hoạt động du lịch, đánh bắt cá, vận chuyển bằng đường biển và thương mại.
Song gần đây, theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), do những hành vi không phù hợp của con người, các đại dương đang đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Cứ mỗi năm, có khoảng 8 triệu tấn plastic được đổ ra biển, vì vậy đến năm 2050, plastic nhiều hơn cá trong nước biển là điều đã được hầu hết các nhà khoa học dự báo.
Trước tình hình trên, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới không thể "bó tay chịu chết". Năm 2016, “Mạng lưới quản lý chất thải biển châu Phi” (AMVN) được thành lập bao gồm 38 nước là đảo quốc hoặc quốc gia ven biển, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và đề ra những biện pháp giải quyết rác thải biển, phù hợp với các nguyên tắc hoạt động của UNEP và là mục tiêu thứ 14 trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Gần đây hơn, có 250 tổ chức, bao gồm các nhà sản xuất bao bì và nhà bán lẻ, đã ký một bản cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng sử dụng plastic trong các hoạt động của họ. Bản cam kết này là nỗ lực kết hợp giữa tổ chức Ellen MacArthur và UNEP.
Các quốc gia đơn lẻ cũng không phó thác trách nhiệm nặng nề này cho các tổ chức quốc tế. Nhiều tỉnh ở Canada quyết định đưa ra một chiến lược quản lý sử dụng plastic phù hợp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do plastic gây ra.
Thành quả ở Kenya còn đáng khích lệ hơn nữa: một năm sau khi cả nước cấm sử dụng túi nhựa, các trận lụt không còn hoành hành, do các đường cống không còn bị plastic bịt kín như trước nữa.
Những thành quả đáng khích lệ đó của Kenya là bài học đáng để cho cả thế giới rút kinh nghiệm, bởi vì plastic trên biển là một vấn đề gai góc có tính toàn cầu, sự kết hợp rộng rãi và có hiệu quả giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế là điều kiện tất yếu cho mọi kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trên hành tinh này.
(Theo DoanhnhanPlus)