Mấy hôm nay, dòng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng như cuộn sóng vì dư luận xôn xao trước thông tin nhiều công trình chuẩn bị mọc lên trên mặt sông ở ngay trung tâm thành phố.
Đọc E-paper
Và dư luận bắt đầu lên tiếng đòi trả lại sự thông thoáng cho tầm nhìn của con sông, đảm bảo cảnh quan kiến trúc thành phố. Chuyện này cũng không có gì mới, bởi dư luận tại đây tiếp tục đòi lại các bãi biển trước những khu nghỉ mát sang trọng, đòi con đường bộ dẫn lên đỉnh núi Bà Nà do Tập đoàn Sun Group quản lý và sử dụng.
Những thành phố hiện đại cũng rất cần những cư dân đô thị với văn hóa ứng xử của đô thị. Cư dân ở miền Trung không có thói quen mặc áo tắm, bikini xuống biển, thử hình dung dòng người ăn mặc không phù hợp đó tràn qua các bãi tắm du lịch trước các resort 4 - 5 sao sẽ ảnh hưởng thế nào đến mỹ quan trước cặp mắt khách du lịch.
Người dân cũng có nhiều lý lẽ, nhưng thường "núp bóng" vì mục tiêu dân sinh. Thậm chí, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng phàn nàn ngư dân phải đi từ phường này sang phường khác để lấy thuyền đi hành nghề. Nhà ở gần biển nhưng phải đi từ 2 - 4km để tắm biển vì các bãi tắm công cộng ở xa.
Nhưng đó lại là lý do không chấp nhận được với cư dân đô thị. Không thể duy trì lối suy nghĩ muốn từ nhà bước ra là nhảy ùm xuống biển tắm, hoặc xuống dong thuyền ra khơi. Không thể chấp nhận bất cứ chỗ nào cũng có thể thành bãi tắm hoặc bãi úp thuyền thúng và để ngư cụ.
Lối sinh hoạt đó không phù hợp với thành phố ngày càng hiện đại, với xu hướng con người được tận hưởng thiên nhiên và văn hóa ứng xử chất lượng cao. Thành phố quy hoạch bãi tắm riêng là để đảm bảo vệ sinh bãi cát, bố trí đội bảo vệ cứu hộ, đầu tư cảnh quan đẹp và dịch vụ phù hợp.
Chỉ nhớ chuyện trước đây, khi người ta có thể vào ra tự do bất cứ bãi biển nào, đã xảy ra các vụ án cưỡng dâm, trấn lột, tình trạng mất vệ sinh môi trường. Gần 10 năm qua, những chuyện như thế đã không còn tồn tại.
Cần phải ghi nhận xu thế sử dụng tài nguyên môi trường đúng đã tạo ra chất lượng sống cao cho người dân, tạo cơ sở hạ tầng tốt để thu hút đầu tư phát triển. Vấn đề là các thành phố cần có quỹ bãi biển để phục vụ dân sinh trong quá trình phát triển.
Trở lại câu chuyện thời sự tuần qua về những bình trà đá miễn phí người dân đặt trên vỉa hè để giúp giải khát cho người khó khăn qua lại. Và người Sài Gòn tự hào xem đó là hình ảnh văn hóa rất đặc trưng và đặc biệt của thành phố.
Tình thương yêu đồng loại lan tỏa ra các đô thị khác, nơi nào cũng có những bình trà đá miễn phí. Vì sự tràn lan đó, đôi khi xung quanh bình trà đá xảy ra một số vụ việc, vậy là dư luận ồn ào tranh cãi về tình thương, về văn hóa và phép tắc cần có khi sống ở đô thị.
Trật tự đô thị có nhiều điều khoản quy định: Cấm buôn bán trên vỉa hè, gây cản trở lưu thông trên lòng lề đường,... nhưng không có khoản nào quy định về quy mô và chỗ đứng của tình thương, của sự chia sẻ. Ai động đến, dưới bất cứ hình thức nào đều bị dư luận lên án như kẻ mất tính người.
Trong quá trình xây dựng đô thị, dường như văn hóa ứng xử của đô thị chỉ là những chương trình cụ thể, thiếu hoàn toàn việc hình thành tư duy của người đô thị. Thử nhớ lại, chúng ta từng phàn nàn khi sống ở phố, từ việc thoát nước đến đổ rác đều phải trả tiền.
Từ chợ hoa quen thuộc ở trung tâm thành phố dịp Tết Nguyên đán vốn là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, nay bị đẩy hết về ngoại ô. Mỗi khi phải thay đổi, chúng ta lại cằn nhằn, khó chịu, nhưng lâu dần, khi đã quen rồi, lại thấy dễ chịu khi bắt buộc phải sống trong sự ngăn nắp, trật tự, an toàn.
Bởi vậy, cùng với việc người dân bắt đầu có ý thức về quyền bảo vệ tài nguyên môi trường, cũng cần biết thêm về quyền nâng cao nhận thức khi sống ở đô thị, để biết cách đòi hỏi quyền sống tốt.