Tuần trước, giới thể thao Mỹ - đặc biệt là các cầu thủ môn bóng bầu dục (bóng đá kiểu Mỹ) - là tâm điểm trong một sự kiện thể thao hiếm hoi liên quan trực tiếp tới chính trị trong nhiều năm qua.
Đọc E-paper
Họ quỳ xuống, nối tay nhau trong thời điểm quốc ca Mỹ bật lên trước trận. Đây là hành động phản đối Tổng thống Donald Trump sau khi người đứng đầu Nhà Trắng lên án hành động "không tôn trọng quốc kỳ” của Colin Kaepernick - người từng chơi cho đội San Francisco 49ers.
Báo chí Mỹ lập tức tập trung sự chú ý vào vụ việc, tạo cảm giác như ông Trump đã chọc vào "ổ kiến lửa", bởi trước hết bóng bầu dục ở Mỹ phổ biến tới mức nó được ví như "tôn giáo" như cách người ta gọi bóng đá (soccer) ở châu Âu là "túc cầu giáo" vậy. Tờ USA Today sau đó đi sâu thêm vào việc phân tích tại sao đối với bóng bầu dục và thể thao Mỹ nói chung, quốc ca lại quan trọng đến thế.
Trong hàng chục năm qua, người Mỹ đã luôn đứng khi có quốc ca, và ngồi xuống khi các trận bóng bắt đầu. Từ những sân vận động ở các thành phố lớn cho tới các mặt cỏ tỉnh lẻ, hình ảnh những ngôi sao và những đường sọc trên lá cờ Mỹ luôn mang ý nghĩa mào đầu cho khúc nhạc nổi lên trước các trận bóng.
Marc Ferris, tác giả của cuốn sách về bài hát Star-Spangled Banner - quốc ca Mỹ có tên "Star-Spangled Banner: The Unlikely Story of Americass National Anthem" cho rằng, quốc ca là chính trị. Nhưng ông nói với USA Today: "Thể thao là chiến trường không có máu, là một loại chiến tranh không có người chết".
Bài quốc ca Mỹ viết dựa trên cảm xúc từ thời nội chiến Mỹ và được mở trong một sự kiện bóng chày vô cùng đặc biệt đã diễn ra năm 1862 ngay giữa cuộc chiến. Từ đó, khúc hát trở nên quen thuộc tại các sự kiện thể thao, và đặc biệt là năm 1918 tại World Series (bóng chày) của thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1931, Quốc hội Mỹ biến bài hát này - do luật sư và là người yêu thơ văn Francis Scott Key viết - chính thức trở thành quốc ca.
Những vết thương người Mỹ còn lại từ nội chiến đã song hành cùng bài quốc ca như thế. Và có vẻ điều đó khiến câu chuyện quốc ca tại một sự kiện thể thao không còn đơn thuần là thể thao nữa. Nhất là khi ngày nay, người Mỹ đang ngập trong những tin tức bất ổn, và mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan.
"Chúng ta là đất nước của những người ái quốc và chúng ta không khác với phần còn lại của thế giới về điểm này. Khi chúng ta lớn lên và trong thịnh vượng, mọi người đều muốn thể hiện lòng yêu nước", Ferris nói thêm.