Chia sẻ tại tọa đàm “Kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán” vừa được tổ chức, ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) nhận định lĩnh vực kế toán, kiểm toán sau gần ba thập niên phát triển đã đạt thành tựu nhất định, đóng góp hiệu quả vào thành công chung của nền kinh tế đất nước. Trong chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng 2 dự thảo Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập với mục đích xây dựng các chính sách mới phải bảo đảm phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như phù hợp với yêu cầu quản lý ngành kế toán kiểm toán.
Bên cạnh đó, việc triển khai "Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030" cũng đặt ra yêu cầu quản lý nhà nước hiệu quả với hoạt động kế toán, kiểm toán, cũng như phát triển nghiệp vụ, nhân lực kế toán, kiểm toán, hoạt động của các hội nghề nghiệp.
Ông Trần Phú Sơn - Phó tổng giám đốc dịch vụ kiểm toán Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho rằng, với các hiệp định kinh tế song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia thì sức ép về việc mở cửa hội nhập là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, việc quản lý, giám sát và kiến tạo phải hòa nhập với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Trong một thế giới mà tất cả nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại thì việc giám sát, quản lý và kiến tạo của các cơ quan quản lý với nền kinh tế là cực kỳ quan trọng. Sự kiên định và rõ ràng của các chính sách quản lý sẽ giúp nền kinh tế cũng như doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cũng theo các chuyên gia, một hệ thống giám sát kiểm toán mạnh sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán, làm tăng sự tin cậy vào báo cáo tài chính cũng như thị trường vốn, thúc đẩy sự tin cậy trong đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Có được hệ thống giám sát mạnh, đủ khả năng quản lý và giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán là vấn đề rất quan trọng |
Thế nhưng, làm thế nào để có hệ thống giám sát mạnh, đủ khả năng quản lý và giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán là câu hỏi quan trọng cần lời giải đáp. Theo ông Carl Peter George Renner - Giám đốc Điều hành Diễn đàn Quốc tế các cơ quan kiểm toán độc lập (IFIAR) trước hết, phải quản lý và giám sát được hoạt động của kiểm toán độc lập. Nhà nước phải duy trì tính độc lập của cơ quan giám sát và các cán bộ tham gia trong hoạt động giám sát các công ty kiểm toán cũng như các kiểm toán viên.
Hiện, Việt Nam đã làm được điều này nhưng phải cải thiện, trong đó, cần có cơ chế phù hợp để thu hút những người nhiều kinh nghiệm hành nghề. Những người có kỹ năng, kiến thức chuyên môn tốt làm việc chuyên trách cho cơ quan giám sát mới bảo đảm tính độc lập cho các cơ quan này. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng về quyền hạn của các cơ quan giám sát.
Một điều quan trọng không kém là các đơn vị trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải lập được báo cáo tài chính có chất lượng. Muốn vậy, ngoài vai trò của cơ quan quản lý trong việc ban hành chuẩn mực, giám sát thực hiện thì vai trò của kiểm toán viên độc lập trong việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính cũng rất quan trọng. Song song đó, phải nâng cao trách nhiệm của chính doanh nghiệp với báo cáo tài chính. Trách nhiệm cuối cùng đối với việc lập báo cáo tài chính trung thực và hợp lý thuộc về ban điều hành của doanh nghiệp.
"Ủy ban kiểm toán thuộc hội đồng quản trị của doanh nghiệp phải có trách nhiệm giám sát ban điều hành trong quá trình lập báo cáo tài chính cũng như đề xuất lựa chọn công ty kiểm toán và giám sát tính độc lập của kiểm toán viên khi kiểm toán báo cáo tài chính cho doanh nghiệp", ông Renner nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Thủ tướng ban hành ngày 23/5/2022 (633/QĐ-TTg)đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán - kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, bảo đảm ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng lẫn chất lượng, được quốc tế thừa nhận. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán - kiểm toán song song với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán. |