ESG: Không chỉ là xu hướng mà chính là cơ hội

Quân Đặng| 13/12/2022 02:00

Quản trị công ty không đơn thuần là tuân thủ quy định của pháp luật. Vượt lên trên sự tuân thủ, đây được coi là một trong 3 thành tố quan trọng của phát triển bền vững, là thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp".

ESG: Không chỉ là xu hướng mà chính là cơ hội

Đây là chia sẻ của bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 5 (AF5) do VIOD và Báo Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM.

Phát triển bền vững gắn với "Môi trường - Xã hội - Quản trị" (ESG)

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã nhận diện những thách thức về đổi mới sáng tạo, hướng tới doanh nghiệp thông minh và phát triển bền vững, làm rõ trách nhiệm của HĐQT trong việc thực thi sứ mệnh của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Phát triển bền vững gắn với 3 yếu tố "Môi trường - Xã hội - Quản trị" (ESG) và đây là xu thế tất yếu, trọng tâm trong chiến lược phát triển của các quốc gia, của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, và của cả cộng đồng doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, ESG đang được đề cập một cách đầy đủ, rõ ràng và liên tục trên mọi phương diện. Trong đó, yếu tố "Quản trị công ty" đặc biệt được coi trọng khi thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt lấy lại đà phục hồi và phát triển bền vững sau 2 năm của đại dịch. 

Bà Hà Thu Thanh khẳng định vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp (chủ công ty) cần được định hình rõ hơn nữa chứ không đơn thuần ở vấn đề trách nhiệm xã hội. Trong một thế giới nhiều biến động liên tục như hiện nay, sự thích ứng, thay đổi của các nhà lãnh đạo trong tư duy và hành động được coi là then chốt cho nền tảng quản trị công ty minh bạch, hiệu quả và bền vững, vượt lên trên sự tuân thủ. Quản trị công ty được xem là giá trị và thước đo của năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, với một hệ thống tích hợp gồm quản trị biến đổi khí hậu, quản trị rủi ro, quản trị hiệu quả.  

Theo đó, quản trị rủi ro chống biến đổi khí hậu gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề xã hội. ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà đây chính là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai. Chia sẻ về các chỉ số báo cáo về ESG, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, cho rằng quản trị là một vấn đề lớn mà nhiều công ty Việt Nam gặp khó khăn và một trong những nguyên nhân là thiếu tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp.  

Để quản trị tốt, cần nhiều yếu tố như cách đưa ra quyết định, cách đo lường rủi ro, làm thế nào xây dựng kế hoạch. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng, từ biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Việc phổ biến và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ESG cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua thảo luận, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức.  

-6482-1670820458.jpg

"Quản trị công ty không đơn thuần là việc tuân thủ các quy định của pháp luật" - bà Hà Thu Thanh khẳng định.

Doanh nghiệp Việt cần tập trung quản trị như thế nào?

Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), phần lớn doanh nghiệp hiện chủ yếu chỉ tuân thủ quy định với thành viên HĐQT theo tính chất "để cho có" hoặc "để cho đầy đủ về mặt hình thức". Đây chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp quản trị công ty đạt chất lượng cao với doanh nghiệp khác. 

Bà Bình khẳng định, quản trị công ty tốt là một trong những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định đầu tư. Đặc biệt, khi các chỉ tiêu và yếu tố đánh giá phi tài chính ngày càng đóng vai trò lớn trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Cũng tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, áp lực từ cổ đông, từ người tiêu dùng, xã hội ngày càng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của thành viên HĐQT. Nếu thành viên HĐQT không nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp thì cổ đông hoàn toàn có thể đề nghị thay thế, hạn chế cảnh thành viên HĐQT ngồi không mà vẫn nhận thù lao.  

Ông Hiếu cho biết bản thân thường xuyên nhận câu hỏi luật pháp có cho phép không nếu thành viên HĐQT ở nước ngoài và thường xuyên ủy quyền cho người khác? Theo ông, để quản trị hiệu quả doanh nghiệp thì trước khi thắc mắc liệu pháp luật có cho phép hay không thì trước hết cần xác định có nên thay thế thành viên HĐQT đó không?

Ông Phan Lê Thành Long - Tổng giám đốc VIOD tái khẳng định thông điệp quản trị doanh nghiệp hiện không còn chỉ là "tuân thủ" nữa mà phải vượt lên sự tuân thủ và cần phải thực hiện đo lường. Trước hết, cần hiểu vì sao khái niệm ACGS (Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN) là sáng kiến quan trọng với thị trường vốn ASEAN? Ông cho rằng sau 10 năm tham gia, ACGS đã hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam tiếp cận và hiểu hơn về việc quản trị công ty, định hình được vị trí của mình.

Theo ông Long, với một thị trường vốn đã tiệm cận ngưỡng thị trường mới nổi như Việt Nam, cần có cách tiếp cận rõ ràng hơn về quản trị công ty. Theo đó, doanh nghiệp đã bước đầu qua giai đoạn nhận thức cũng như cần tiến vào giai đoạn hành động. Ông ACGS có giá trị quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế và vai trò trong năng lực quản trị của các doanh nghiệp niêm yết. Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng trong việc đưa thị trường vốn của Việt Nam tiến lên thị trường mới nổi trong tương lai gần.

Diễn đàn cũng công bố và vinh danh các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đạt giải thưởng của kỳ đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Asean ACGS 2021. Doanh nghiệp được vào danh sách "Tài sản đầu tư giá trị của ASEAN" là Vinamilk -  kỳ thứ hai liên tiếp Vinamilk đạt danh hiệu này. Top 3 doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có điểm quản trị công ty tốt nhất trong kỳ đánh giá ACGS 2021 bao gồm Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP FPT và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ESG: Không chỉ là xu hướng mà chính là cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO