Chính sách thu hút người lao động về thành phố sau Tết

Nhóm tác giả (*)| 28/12/2021 05:00

Hai nhóm chính sách thu hút người lao động quay trở lại làm việc sau Tết là khuyến khích kinh tế, tác động vào động lực kinh tế của cá nhân và dùng công cụ kinh tế hành vi tác động vào tâm lý của người lao động.

Chính sách thu hút người lao động về thành phố sau Tết

Tạo việc làm trực tiếp từ dự án công

Các dự án này thường tạm thời và có tính chất phi thị trường. Lao động tham gia các chương trình này thường là những người thất nghiệp dài hạn hoặc những người trong nhóm lao động phi chính thức bị mất việc do đại dịch Covid-19. 

Chương trình tạo việc làm trực tiếp hay tạo việc làm công có ba lợi ích: tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt nhóm yếu thế; đóng vai trò bảo trợ xã hội, tạo thu nhập tức thời; tạo lợi ích công/công trình hạ tầng cơ sở. Khi thị trường lao động phục hồi, chương trình tạo việc làm trực tiếp sẽ thu hẹp.

Thu hút người lao động quay trở lại làm việc

Công cụ kinh tế hành vi đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước OECD. Đối tượng chính sách chủ yếu trong nhóm này là lao động nhập cư đã quay trở về quê và lựa chọn làm việc trong khu vực kinh tế chính thức. Theo đó, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các gói phúc lợi thu hút người lao động quay trở lại làm việc gồm ba thành phần chính: giới thiệu việc làm + hỗ  trợ nhà trọ + vaccine Covid-19.

Người lao động nhập cư, phi chính thức thường ít theo dõi các kênh truyền thông chính thức. Đề xuất tuyên truyền thông tin môi trường làm việc qua mạng xã hội và người nổi tiếng, đưa ra các chính sách và thông tin liên quan một cách nhất quán, rõ ràng.

Có thể tổ chức nhóm chuyên trách chi tiết hóa sử dụng công cụ hành vi. Trong quá trình thực hiện, nhóm chuyên trách đánh giá hiệu quả của chính sách, đánh giá phản hồi thực tế và điều chỉnh chính sách khi cần thiết. Nhóm chuyên trách có thể bao gồm cán bộ quản lý lao động, nhà nghiên cứu chuyên về kinh tế hành vi, kinh tế lao động.

Nhóm chính sách phía cầu lao động (chính sách ngắn hạn)

Trong số các chính sách cải thiện tính thanh khoản của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước xem xét chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, như hoãn nộp thuế doanh nghiệp, gia hạn khấu trừ thuế GTGT, khấu trừ bổ sung thuế, gia hạn thời hạn giải quyết nghĩa vụ thuế. Có thể xem xét hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, thanh toán khoản vay (giảm lãi suất cho vay, tái cấu trúc nợ), hoãn/giảm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hỗ trợ điện nước và tiền thuê. 

Chính sách hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là số lượng doanh nghiệp chiếm đa số và sử dụng nhiều lao động.

Nhóm chính sách phát triển thị trường lao động (chính sách dài hạn)

Đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ kết nối việc làm cho khu vực công. Ví dụ thành công điển hình là trang kết nối việc làm trực tuyến của Chính phủ Úc https://jobactive.gov.au/. Nền tảng công nghệ kết nối việc làm khu vực công giúp thúc đẩy chính sách tạo việc làm trực tiếp ở mục 2.1 trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nền tảng kết nối việc làm cực kỳ hiệu quả trong bối cảnh Covid-19 khi lao động ở quê nhà và đang cân nhắc tìm việc làm ở thành phố. Nền tảng công nghệ giúp người lao động có thể tìm việc từ xa, khi đã xác định công việc chắc chắn, họ có thể lập kế hoạch di chuyển và sinh sống dễ dàng hơn.

Nền tảng này dựa trên mô hình kinh tế nền tảng, sử dụng công nghệ số giúp kết nối nhu cầu chia sẻ nguồn nhân lực nhàn rỗi và nhu cầu sử dụng nguồn lực đó một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và chi phí thấp.

Các nền tảng kết nối việc làm cũng giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin chính xác hơn về cung cầu lao động tại từng địa phương. 

* Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách thu hút người lao động về thành phố sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO