Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tại "Diễn đàn kinh tế xanh 2022" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22/4/2022.
"Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong Covid-19 cũng có phần nhờ họ lựa chọn phát triển bền vững. Cùng với đó, những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA có nhiều yêu cầu về phát triển bền vững cụ thể và rõ ràng hơn các FTA trước. Điều đó đòi hỏi DN phải chú ý đến việc phát triển xanh", ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh của USAID phát biểu thêm.
TS. Thành cũng đồng quan điểm cho rằng: "Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận ngoài đòi hỏi về tư tưởng phát triển vì con người thì Covid-19 đang đẩy tư tưởng về phát triển xanh lên một tầng nấc mới. Thêm vào đó áp lực về tiêu dùng xanh, các mô hình kinh tế mới như chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, cam kết hội nhập tạo ra cách chơi mới rất thị trường. Tóm lại, đằng sau các yếu tố áp lực đó thì động lực cốt lõi để thúc đẩy kinh tế xanh chính là yếu tố thị trường.Các DN hiểu và vận hành được theo quan điểm này sẽ thu về được giá trị rất lớn trong trung và dài hạn".
Thời gian qua, một số DN lớn đã có những cam kết về tăng trưởng bền vững và nhìn thấy cơ hội từ chính thị trường này. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết: "Từ năm 1995, khách hàng du lịch của chúng tôi đã yêu cầu sản phẩm phải bền vững, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương. Khách hàng yêu cầu như vậy thì phải làm". Thiên Minh Group chọn hướng khai thác du lịch hạn chế dùng phương tiện động cơ đốt trong và khuyến khích đi bộ, xe đạp và sắp tới có thể dùng xe điện... Hệ thống khách sạn đầu tư mới tuân theo tiêu chuẩn EDGE của IFC. Các khách sạn cũ thì giảm dần phát thải 5-7% mỗi năm.
Tiết lộ công ty chuẩn bị ra dòng pin xe máy điện chi phí thấp hơn và đi được quãng đường xa hơn có thể ảnh hưởng đến cục diện thị trường xe máy, ông Lê Hoàng Long - Phó tổng giám đốc Kinh doanh Xe máy điện VinFast tính toán, xe máy điện dùng dòng pin mới có thể đi 100km mà chỉ mất 1,5kWh điện, tương đương khoảng 5.000-6.000 đồng. Cộng với chính sách thuê pin thì một shipper di chuyển 150km mỗi ngày, mỗi tháng tốn hơn 2 triệu đồng tiền xăng nhưng chuyển sang xe điện chỉ tốn khoảng 600.000 đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận việc chuyển sang sản xuất xanh, tăng trưởng xanh chỉ mới tập trung ở một số DN lớn, chưa có tác động lan tỏa rộng khắp bởi chi phí lớn, thiếu chính sách hỗ trợ. Theo ông Kiên, ước tính nếu áp dụng sản xuất xanh thì chi phí sẽ tăng thêm khoảng 20-40%.
Gần như các doanh nghiệp khai thác dịch vụ lưu trú đêm trên du thuyền đều phải áp dụng công nghệ trong xử lý nước thải để đảm bảo môi trường |
Loay hoay sản xuất xanh
Theo ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chiến lược phát triển kinh tế xanh đã có hiệu lực từ năm 2012. Tuy nhiên, từ đó tới nay thì sự lan tỏa xu hướng vẫn chưa rõ ràng.
TS. Thành cũng cho rằng, điều đáng buồn là chuyển biến xanh của chúng ta chưa được như kỳ vọng. Hơn 10 năm trước với 12 mục tiêu phát triển kinh tế xanh thì chỉ thực hiện được 3. Điều này cho thấy từ nhận thức chuyển biến thành hành động, vai trò của DN cần xem xét lại. Nhận thức cần phải tăng trưởng về thu nhập rồi mới chuyển nền kinh tế từ "nâu sang xanh" vẫn còn và trở thành một trở ngại lớn.
Ví dụ như cách sản xuất quản trị vẫn theo hướng truyền thống và tuyến tính rất nhiều. Cụ thể, những ngành tưởng chừng là "xanh" như trong lĩnh vực nông nghiệp lượng phát thải rất lớn hay dệt may tạo nhiều việc làm nhưng phế phẩm của ngành có lượng phát thải cao... Thách thức chính cần giải tỏa vẫn xoay quanh các thành tố là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, đầu tư xanh, cơ chế chính sách xanh.
Cần vốn và chính sách
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi mô hình sang sản xuất xanh tốn kém khá nhiều về chi phí vì phải đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc nếu sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu - hóa chất không độc hại thì chi phí cũng rất cao do khó mở rộng nguồn nguyên liệu.
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, cho rằng, để đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ nguồn lực và từ vốn đến chính sách nhà nước. Dù đã có rất nhiều DN đầu tàu đi tiên phong trong lĩnh vực này nhưng họ cũng cần sự hỗ trợ nhất định, bởi ngoài việc đáp ứng thị trường Việt Nam thì chúng ta cũng có vị thế lớn ở quốc tế để phát triển. Các DN Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ, hầu hết không nằm trong cơ chế hưởng thụ đầu tư hay bảo vệ từ chính sách. Đây cũng là khoảng trống chúng ta cần quan tâm để hoàn thiện hơn về cơ chế thúc đẩy phát triển xanh. Hiện nay, chính sách đầu tư chúng ta mới đưa ra được khung và định hướng còn đi vào chi tiết vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, thời điểm này cần có một chương trình thiết thực như chuyển đổi năng lượng để tạo động lực đầu tiên cho kinh tế xanh.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng góp ý kiến: "Hiện nay, chúng ta đang dùng vốn tự nhiên rất lớn từ nguồn nước, nguồn đất và các nguồn lực này ít được tính vào chi phí sản phẩm. Vậy mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh mới cần xác định được việc bảo vệ giá trị của tài nguyên như nguồn đất, nguồn nước hay những phụ phẩm nông nghiệp làm sao cũng phải tạo ra được giá trị. Những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn như hữu cơ thì thị trường đã sẵn sàng đón nhận với sự chênh lệch giá hay chưa?".
Nếu chúng ta biết lồng ghép được các mô hình kinh tế vào chính sách phát triển của quốc gia thì sẽ hỗ trợ tốt cho DN có thể kinh doanh được các giá trị được tạo ra từ kinh tế tuần hoàn. Điều đáng tiếc là chiến lược phát triển kinh tế xanh được ký vào cuối năm ngoái vẫn hiểu kinh tế tuần hoàn theo một nghĩa hẹp như hàng hóa thân thiện mà không mở rộng được theo góc nhìn chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa toàn cầu.
Cho rằng Chính phủ phải khơi thông được nguồn vốn thông qua các chính sách hỗ trợ thúc đẩy, ông Hà Đặng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh: "Hãy tạo cơ hội tốt nhất cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn. Tại sao DN không chuyển đổi sang sản xuất xanh vì không vay được dòng vốn dài hơi".
Ông Kiên cũng kiến nghị, để các DN mạnh dạn đầu tư về chuyển đổi sang sản xuất xanh, cần xây dựng tiêu chuẩn khung để từ đó có cơ sở thực hiện và xử phạt các trường hợp vi phạm.
"Tất cả các ngành đều tăng 20-40% chi phí khi chuyển đổi sang sản xuất xanh, trong khi thực tế đang rất khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thì DN không thể chuyển đổi được. Hiện tại chúng ta kêu gọi nhiều hơn là tạo ra một chính sách. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ để có chính sách phù hợp hơn".
Để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, bà Lương Phương Mai - Giám đốc Khối khách hàng DN lớn khu vực phía Nam và bất động sản HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng có nhiều chương trình để hỗ trợ DN có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn trong chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh. "Sản phẩm không chỉ dành cho tín dụng xanh mà còn tín dụng liên kết bền vững. Tức là DN có tầm nhìn và có lộ trình chuyển dịch xanh thì ngân hàng sẽ neo theo khách hàng để có chính sách lãi suất giảm theo thỏa thuận ngay từ đầu", bà Mai nói.