Tiếng rao đêm...

TRẦN THANH PHƯƠNG| 06/07/2009 03:15

Cơn mưa đêm dai dẳng, mọi người dường như đã chìm trong giấc ngủ. Nhưng trên đường phố, hoặc trong các con hẻm vẫn thấp thoáng người trùm áo mưa lầm lũi đạp xe dưới ánh đèn vàng mờ nhạt.

Tiếng rao đêm...

Cơn mưa đêm dai dẳng, mọi người dường như đã chìm trong giấc ngủ. Nhưng trên đường phố, hoặc trong các con hẻm vẫn thấp thoáng người trùm áo mưa lầm lũi đạp xe dưới ánh đèn vàng mờ nhạt. Những âm thanh rao bán với các cung điệu khác nhau: “Ai bánh chưng, bánh gai, bánh giò không!..”; “Ai bắp luộc, hột vịt lộn đây!...”. Lại có người cắp bên nách cái rổ lỉnh kỉnh đậu phỗng luộc, cóc, ổi, trứng cút, bánh phồng tôm... lui tới các quán nhậu đầy rẫy các vỉa hè.

Đêm của những người bán dạo hiểu là đêm trước hay là sáng sớm hôm sau cũng được. Lại có những tiếng gõ “xịt... tắc...” vào hai thanh tre (nay có người dùng cái thanh nhôm đập nước đá), vừa trong vừa đục, nhiều người ở nông thôn ra không hiểu đó là xe mì gõ mời khách ăn mì. Rồi âm thanh xục xà... xục xạc... phát ra từ một xâu đồng tiền cũ, len vào các khu lao động mời gọi đấm bóp, giác hơi. Những âm thanh ấy cứ lặp đi lặp lại từ đêm này qua đêm khác và gần như vào những giờ nhất định.

Đó là cuộc mưu sinh của người bán hàng rong về đêm trên các nẻo đường của thành phố đông đúc này. Chẳng thà nhọc nhằn nơi quê hương bản quán, nhưng đêm về với mái tranh nghèo mà ấm áp, nhưng lại vì ở nhà kiếm đồng tiền rất khó, nên những người vợ, người mẹ, người em, người chồng phải lang bạt giữa thành phố rực rỡ ánh đèn bên những nhà hàng khách sạn, quán ba sang trọng để kiếm mấy chục ngàn gửi về quê cho con ăn học. Tiếng rao đêm nghe rưng rưng, cảm thương về những cảnh đời vất vả. Và cảm động xiết bao, có những người mẹ bán quà đêm ấy lại nuôi được những đứa con học hết đại học, cao học!

Để giữ sức, người bán hàng cũng biết tận dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật như việc ghi âm tiếng rao rồi cho phát ra bằng loa pin hoặc ắc qui, làm cho tiếng rao vang xa hơn, nhưng cũng có khi rọt rẹt vì pin yếu, nghe vừa thương vừa buồn cười.

Cái nghề “làm dâu trăm họ” trên đường này hầu hết là người nhập cư. Xe mì gõ phần lớn là dân Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các chàng đấm bóp, giác hơi là người Thái Bình. Bán bánh chưng, bánh gai là người các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Họ thuê trọ theo nhóm và thuê ở các khu lao động quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận hoặc tận Gò Vấp, Bình Tân. Một lần bắt chuyện với người bán bánh chưng, bánh giò quê Nam Định, anh thật thà nói: “Nếu chịu khó đi thì cũng tạm đủ sống cho bản thân. Nhưng em phải giành dụm gửi về quê cho các cháu ăn học. Đêm là ngày, đi riết rồi quen. Sợ nhất gặp mưa kéo dài, sáng phải ra chợ bán tiếp.

Thương nhất là các cháu 14-15 tuổi đi bán đêm, thỉnh thoảng gặp bọn côn đồ, nghiện hút phải “cống” cho chúng ít tiền thì mới yên thân làm ăn.

Nghe tiếng rao đêm của những người lao động nhập cư kiếm sống giữa thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” này, nhiều lúc lòng tôi se thắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếng rao đêm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO