Nằm trên độ cao 1.500 mét, được bác sĩ người Pháp Yersin tìm ra vào năm 1893, Đà Lạt dần trở thành một nơi du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ đối với du khách trong nước. Giữa cảnh phồn hoa phố hội, ở Đà Lạt ngày nay có người kiếm sống bằng những nghề "hổng giống ai". Và cũng vì "hổng giống ai" nên những nghề ấy trở nên khác biệt.
Đọc E-paper
"Thành phố buồn" có một chuyện tình đẫm lệ và chính tình yêu và cái chết của đôi trai gái ấy đã để lại một địa danh gọi là "Đồi thông hai mộ” nằm cạnh hồ Than Thở (đường Hồ Xuân Hương, phường 9).
Mấy năm nay, từ sáng đến chiều, có 2 phụ nữ sống bằng nghề kể lại câu chuyện tình của đôi trai gái dưới 2 nấm mồ và đọc thơ cho khách thập phương nghe.
Họ kể rằng: Chàng tên Vũ Minh Tâm, nàng tên Lê Thị Thảo. Chàng quê Gò Công, sinh ra trong một gia đình đại điền chủ, nàng là một nữ sinh Đà Lạt "Năm ấy khi tuổi vừa đôi chín", họ gặp nhau, tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết và thề non hẹn biển. Nhưng rồi gia đình chàng không chấp nhận cưới nàng vì không "môn đăng hộ đối" và bắt lấy người con gái mà chàng không hề yêu. Chàng bỏ nhà ra đi để tìm quên. Và rồi nàng nhận được tin chàng chết. Đau khổ tột cùng "nàng buồn phai úa tàn hương sắc", tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai (sau thiên tình sử này được gọi là hồ Than Thở) - nơi 2 người từng hò hẹn, tự vẫn ngày 15 tháng 3 năm 1956. Thuận theo nguyện vọng, gia đình đã chôn cất nàng ở khu đồi thông ấy. Nhưng chàng chết là tin thất thiệt. Chàng về thăm nàng thì hay tin nàng quyết chết theo chàng, chàng đến bên mộ nàng vật vã khóc than, rồi chết theo để giữ trọn lời thề ước. Trước khi chết, chàng để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên mộ nàng để "Chút tình này xin trả lại cho nhau".
Hai "hướng dẫn viên" không chuyên đó là chị Trương Thị Hiền và Nguyễn Thị Trang, đều đã đứng tuổi. Hằng ngày họ đạp xe đạp ra đây chăm nom, thắp nhang cho 2 mộ phần và thay nhau kể về lai lịch vì sao có tên là "Đồi thông hai mộ". Kể xong thì họ mời du khách mua trà atiso, nhang đèn, ai từ chối cũng vui vẻ.
>>Môi trường và dân sinh nhìn từ Sơn Trà
Nghiêng chiếc nón che nắng, chị Hiền cho biết, quê chị ở Thanh Hóa, vào Đà Lạt lập nghiệp hơn 20 năm nay. Vì cảm đôi trai gái mà chị học thuộc lòng chuyện tình của họ, luyện giọng đọc những vần thơ mà chị không biết tác giả là ai viết về mối tình ấy để phục vụ du khách. Nhờ tiền lãi từ những gói trà atiso bán được mà chị cùng chồng nuôi dạy 2 con, một đứa đang học đại học ở TP.HCM, đứa khác học trung học tại Đà Lạt.
Chị Hiền tỏ bày: "Hôm nào khách mua trà nhiều thì kiếm được trăm nghìn đồng, lắm lúc ít khách, không bán được gói trà nào cũng không sao, ngày này bù cho ngày khác".
Chị Trang cũng kể chuyện và đọc thơ "lên bổng, xuống trầm" rất hấp dẫn, làm không biết bao du khách rơi lệ nhớ tới cuộc tình của Tâm và Thảo. Cha mẹ chị người Nam Định, di cư vào Đà Lạt theo diện kinh tế mới rồi sinh ra chị tại nơi này. Gia đình chị có 2 con đang tuổi ăn học. Nhờ kể chuyện, đọc thơ kiêm bán hàng "di động" như chị Hiền mà chị Trang cũng có số tiền nho nhỏ mỗi ngày.
Mỗi khi ế khách, hai chị lại lau dọn, thắp hương cho hai ngôi mộ.
Và như vậy họ đã góp phần quảng bá về du lịch cho Đà Lạt.
Gặp hai người phụ nữ giữa Đồi thông hai mộ làm chúng tôi nhớ đến anh Dzũ Kha, quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đã dựng lều, kể chuyện, đọc thơ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh cho du khách thập phương tại nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử trên đồi Ghềnh (phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn). Dzũ Kha làm việc ấy bằng trái tim và tâm thiện. Nếu ai muốn mua quà lưu niệm là những bài thơ của Hàn Mặc Tử được viết bằng bút lửa trên gỗ thông thì anh sẵn sàng.
Bà Phạm Thị Lên mời chào khách mua túi xách |
Rời ngoại thành, chúng tôi vào khu Hòa Bình - nơi có chợ đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Ở đây có nhiều phụ nữ lớn tuổi chuyên bán túi xách làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường, giá mỗi túi 10 nghìn đồng, để lữ khách đựng đặc sản, nhiều nhất là trái bơ, dâu tây, bông atiso mang về.
Lọt thỏm giữa dòng người đông đúc khi đêm đã về khuya, hơi lạnh tăng dần, bà Phạm Thị Lên, 67 tuổi, quê Quảng Ngãi, vẫn nài nỉ khách bộ hành mua túi. "Cuối tuần hay lễ Tết thì khách mua nhiều chứ ngày thường ít lắm. Mỗi cái túi tui lời được vài nghìn đồng. Ngày trước người bán túi xách ít, bây giờ thì quá đông nên phải khản cổ mời mọc mới bán được", bà Lên tâm sự.
Tuổi cao, mắt mờ, khi quá mệt, bà lại rời nơi "làm ăn" để về nhà trọ. Nhiều hôm nhiệt độ xuống thấp, bà Lên lại nhức mỏi xương khớp nhưng vẫn cố gắng bán hàng.
Đà Lạt mùa hoa dã quỳ (ảnh internet) |
Đặc sản của chợ đêm Đà Lạt là sữa đậu nành nóng, củ lang, bắp nướng bởi thực khách chỉ muốn thưởng thức đồ ăn nhẹ trước khi về khách sạn.
Cạnh bờ hồ Xuân Hương, đôi quang gánh của chị Nguyễn Thị Bé (48 tuổi, quê Ninh Thuận) vẫn thấp thoáng dưới những hàng thông trong đêm. Chị Bé kể, gia đình có 5 người con, chị dẫn thằng út 7 tuổi lên Đà Lạt kiếm sống. 2 mẹ con tá túc trong một căn nhà trọ ở đường Bùi Thị Xuân, cứ chiều về lại cùng đôi quang gánh ra chợ đêm, bán hết hàng mới về, có khi tận sáng.
"Ở quê nghèo, đông con, lên đây sống nhờ du khách cũng kiếm được tiền. Vợ chồng tui tự hào là các con đều ăn học đàng hoàng", chị Bé nói bằng giọng nghèn nghẹn trong khi vẫn luôn tay nướng khoai lang, nướng bắp trên bếp than hồng cho kịp khách chờ. Cậu nhỏ giúp mẹ lấy ghế giấu dưới gốc cây thông cho khách ngồi vì sợ đội trật tự đô thị thu gom. Để giữ môi trường du lịch, chính quyền cấm bán hàng rong ở trung tâm thành phố, nên những người hành nghề như chị Bé phải "thoắt ẩn, thoắt hiện", thậm chí phải... núp sau các bệ xi măng bên bờ hồ Xuân Hương.
Ẩn trong thành phố du lịch Đà Lạt luôn có những mảnh đời khó nhọc như vậy. Họ đổ mồ hôi trong những chiều se lạnh hay đêm giá rét để mưu sinh và vô tình góp cho xứ sở thông reo những nét rất riêng...