Chuyện "Nhập Nhân mở đạo" ở chùa Vĩnh Nghiêm

KIỀU ANH| 05/02/2016 06:31

Rất nhiều người đã ngỡ ngàng về một loài hoa lạ ở chùa Vĩnh Nghiêm có tên là Nhập Nhân.

Chuyện

Chân ta bước khẽ trên nền gạch, lòng ta chẳng chộn rộn hay muộn phiền để thanh thản mà về chốn tổ. Vĩnh Nghiêm Tự là đây. Thoảng nghe mùi hoa Đại, hoa Nhập Nhân nở theo nhựa sống có trong 700 mùa Xuân có lẻ.

Đọc E-paper

1. Mùa Xuân đầu tiên của cổ tự Vĩnh Nghiêm chắc có từ khoảng 1.000 năm trước. Tương truyền chùa được dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo vững chãi.

Đất nơi chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc có nhiều yếu tố hội tụ giữa núi và sông. Nơi đây là hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Chùa được xây trên quả đồi thấp, nhìn ra ngã ba sông là Đầu Giang - Kiếp Bạc, Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non, trong đó có núi Cô Tiên kiến tạo thế "trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong". Bút tích này còn ghi trên một tấm bia lớn sáu mặt dựng từ năm 1606 ở trong khuôn viên chùa.

Chùa hiện có 7 khối kiến trúc chính: Cổng tam quan; Tòa tiền đường; Thiêu hương, Thượng điện; Nhà tổ đệ nhất; Gác chuông; Nhà tổ đệ nhị; Hai dãy hành lang đông tây; Khu vườn tháp. Khi viếng cảnh, du khách đôi lần khom cúi bước vào cửa chùa được thiết kế theo kích thước vừa đủ. Không quá cao và rộng. Đến Vĩnh Nghiêm, người biết khom mình để bước vào chốn tổ là vậy.

2. Chốn tổ Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ di sản đặc biệt quý giá. Đó là bộ Mộc bản kinh Phật do các vị sư tổ Trúc Lâm cho sao khắc để phục vụ việc truyền giảng, lưu hành giáo lý, tư tưởng Phật giáo từ những năm đầu thế kỷ XIV. Mộc bản kinh Phật đã bao phen bị đốt cháy. Nhưng dưới triều vua Lê Cảnh Hưng đến đầu thế kỷ XX, mộc bản kinh Phật mới được khắc với số lượng lớn và được bảo quản đến ngày nay.

Sách xưa còn nguyên giá trị. Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ XV (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Bàn tay tài hoa của người thợ mộc chưa hề phai dấu trên mộc bản, trên cả hệ thống cửa khóa cài then được đóng - mở theo thứ tự như một mật mã trong chùa.

Chữ trên mộc bản là chữ Nôm. Linh hồn của mộc bản là trí tuệ của ba vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng khác. Kỹ thuật in mộc bản được kết tinh nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam có từ nghìn đời.

Sách ở chùa được bảo nguyên giá trị, roi sọi cho hậu thế những kinh luật nhà Phật, là tư tưởng hành đạo và nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, là cách chữa bệnh, là lịch sử của chùa. Đã bàng bạc thời gian. Đã vật đổi sao dời. Ai đọc hết được mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm mới thấy được cổ tự sang trọng và vô giá đến mức nào.

3. Đất thiêng tụ khí ngôi chùa. Mướt xanh những hàng cây cổ thụ trong chùa Vĩnh Nghiêm đủ để tiếng chim hót lảnh lót. Sum vầy và vui tai. Mùa Xuân ở chùa Vĩnh Nghiêm như một hơi thở thanh tịnh, nhẹ nhàng.

Khách vào viếng chùa nói khẽ, đi nhẹ. Ấm trà nóng luôn được pha sẵn trên bàn đón tiếp khách sau một vòng viếng cảnh chùa. Cách sắp xếp chỗ ngồi của khách cũng không tùy tiện để phạm giới nhà Phật.

Cây hoa Nhập Nhân dưới mái chùa Vĩnh Nghiêm

Rất nhiều người đã ngỡ ngàng về một loài hoa lạ ở chùa Vĩnh Nghiêm. Hoa của gốc cây đã gần 700 năm tuổi, cao tầm 5 đến 6 mét. Ngắm cây mới tìm thấy hoa. Khiêm nhường trong vòm lá là những đóa hoa trắng muốt như hoa nhài. Nhưng cớ sao chỉ nhìn thôi, hoa kia vẫn vô hương khi ngửi? Hãy đưa bàn tay của mình lên, sờ nhẹ vào hoa. Hương dìu dịu thuần khiết tỏa ra. Có điều gì đó rất thiêng liêng nơi chốn Phật!

Hoa sẽ không hương nếu như thiếu hơi ấm bàn tay con người! Cổ nhân gọi loài hoa này là Nhập Nhân có lẽ vì thế!

Một nụ Nhập Nhân, nếu được nhà chùa tặng cho du khách, mang về Hà Nội chẳng hạn, còn mãi dịu hương mấy tuần liền. Một nụ hoa của chốn tổ Vĩnh Nghiêm, gọi tên đủ để suy ngẫm về con đường tu hành lạc đạo mở ra cho muôn người.

- Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang nên còn gọi là chùa Đức La với lễ hội La nổi tiếng được tổ chức từ thời Lý đến thời Trần.

- Chùa được gọi là chốn tổ, thờ ba vị Tổ thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm gồm: Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang.

- Kho mộc bản với 3.050 bản văn khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Hằng năm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 Âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước tới dự.

>Đi qua vùng đất thiêng của người Chăm

>Khúc Thủy - làng cổ bên dòng Nhuệ Giang

>Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện "Nhập Nhân mở đạo" ở chùa Vĩnh Nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO