Kiểng - môn chơi đệ tứ

NGUYỄN ĐÌNH| 11/11/2012 06:00

Dân phong lưu ngày xưa truyền khẩu câu kệ những môn chơi đỉnh cao với "Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng". Dù xếp hàng đệ tứ trong số các thú chơi, nhưng ngày nay, giới chơi kiểng ngày càng đông, bởi kiểng đang vào thời đỉnh cao, được tính giá bạc tỷ.

Kiểng - môn chơi đệ tứ

Dân phong lưu ngày xưa truyền khẩu câu kệ những môn chơi đỉnh cao với "Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng". Dù xếp hàng đệ tứ trong số các thú chơi, nhưng ngày nay, giới chơi kiểng ngày càng đông, bởi kiểng đang vào thời đỉnh cao, được tính giá bạc tỷ, hình thành nên những cơn sốt săn lùng kiểng đẹp rộn ràng Nam - Bắc.

Đọc E-paper

Người chơi kiểng không như xưa nữa, không theo thứ tự để chọn lựa nhất kim, nhì nguyệt, tam cần, tứ mai (các loại cây thường làm kiểng: kim quýt, nguyệt quế, cần thăng, mai chiếu thủy).

Quan niệm về cái đẹp của thú chơi kiểng cũng thay đổi, người ta chú ý về giá của nó nhiều hơn, và phàm cái gì tiền tỷ, dễ được đánh đồng với quan niệm thế nào cũng đẹp. Trong bộ môn chơi kiểng, giá cây một vài tỷ trở lên giờ không hiếm.

Nghệ thuật bồn cảnh

Cây cảnh hay kiểng, trồng trong chậu, với tinh thần chung là khiến người ta sống giữa phồn hoa đô hội, ồn ào náo nhiệt vẫn có thể tìm được nơi u tịch, gom tất cả chân ý của sơn thủy vào cái chậu con con.

Từ hơn 13 thế kỷ trước, người ta đã biết chơi kiểng trồng chậu. Phát hiện ấy được giới thiệu đến công chúng năm 1971 - 1972, trong lần khai quật khu lăng mộ thái tử Chương Hoài (Lộ Vương) Lý Hiền đời nhà Đường (Đường Trung Tông năm Thần Long thứ 2 - C.N 706) tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, sau khi giới khảo cổ đã phát hiện trên vách mộ có rất nhiều bích họa vẽ thị nữ tay bê bồn cảnh.

Trong môn chơi kiểng thế, người Nhật gọi là Bonsai (Bồn tài), với đất đá, cây cỏ, cùng sự tỉ mỉ gia công vun đắp, chăm bẵm, uốn cắt, sắp xếp khéo léo để tái hiện cảnh quan tự nhiên trong chiếc bồn nhỏ gọi là "thụ thung bồn cảnh" (chậu cảnh cây cối), với nhiều lối thể hiện tạo cho kiểng có dáng hình tự nhiên, hoặc được cắt tỉa, nắn nót cho cây trông phiêu dật, hào phóng, uốn nắn cành gãy khúc chữ chi, cành lá phân cao thấp đối xứng, đầu cành xén lá thành từng tán hình đĩa hoặc hình cầu, phân tầng bậc rõ ràng theo bố cục lớn dưới, nhỏ trên.

Còn có một dạng bồn cảnh khác là "sơn thủy bồn cảnh" (chậu cảnh sông núi), với lối sắp đặt các hòn đá lớn nhỏ thành từng cụm hư thực, biến thành phong cảnh sông dài lượn khúc, núi non hiểm trở, đèo vực, đường dốc quanh co, sơn quang thủy tú, hay các phong cảnh bồng lai tiên đảo, thái sơn nguy nga... khí thế hùng vĩ, kỳ ảo.

Đẹp là vô giá

Ở khu vực miền Tây Nam bộ, kiểng nguyên liệu rất nhiều, dân săn lùng kiểng thường chọn cây chưa ra dáng thế, cành nhánh còn tự nhiên, chỉ có bộ đế, gốc tốt, mua giá rẻ, và qua bàn tay chăm chút, nhanh đôi ba năm, lâu đến chục năm, đã thành một tác phẩm có giá trị.

Chuyện những năm 2000 dân chơi kiểng Gò Vấp bán cây vạn niên tùng 1,8 tỷ cho một tay chơi Hà Nội gây xôn xao thị trường kiểng một thời gian dài, thì giờ những cây giá trị cỡ đó không còn là của hiếm. Kiểng có giá khủng khiếp nhất bây giờ hầu hết nằm ở phía Bắc, nơi có những đại gia sẵn sàng bung tiền tỷ để sở hữu nhưng cây kiểng cổ độc nhất vô nhị trong thị trường kiểng Việt Nam.

Trong nghề chơi kiểng, cái đẹp, cái quý hiếm, kỳ quái lại là vô giá. Một tay chơi kiểng lâu năm ở quận 10, TP.HCM khi nghe tôi hỏi về giá kiểng ngất trời, cười bảo: "Môn chơi này nó vô chừng lắm, mình thấy đẹp, người khác thấy xấu.

Cái ông có tiền, mua kiểng bạc tỷ, tất nhiên phải khen kiểng mình đẹp rồi, còn đẹp đến đâu, đến cỡ nào thì mỗi người có cách cảm nhận riêng, chẳng ai giống ai cả”. 

Săn kiểng ở nước ngoài

Độ 3 - 4 năm trở lại đây, giới đam mê kiểng sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản săn kiểng đẹp. Tôi tìm đến khu vườn với đa dạng loại kiểng như mai chiếu thủy, sanh, cần thăng, kim quýt, linh sam, nguyệt quế, đặc biệt là những giống kiểng dáng thế lạ như cây du nhập từ Trung Quốc, cây vạn niên tùng cao gần 5m với bề hoành 1,4m và cây thông ba lá được chuyển bằng container về từ Nhật Bản, đây là bộ sưu tập cây kiểng của ông Mai Quốc Thắng - Hội Cổ vật TP.HCM - một người có niềm đam mê tột bậc với kiểng, thường đi ra các nước săn tìm kiểng đẹp về cho bộ sưu tập của mình.

Ông Thắng chia sẻ niềm đam mê: "Trong các nước chơi kiểng thế (Bonsai), Việt Nam - chủ yếu ở miền Nam, có lối chơi khá tương đồng với Đài Loan, Nhật Bản, phần vì nhà không có nhiều không gian, nên việc chọn chơi Bonsai rất phù hợp, dễ dịch chuyển, chỉnh sửa và trưng bày.

Nghệ thuật "rút thước thành tấc", dịch chuyển núi Thái Sơn về làm hòn non bộ, đấy là những kỹ thuật phi diệu của tiểu cảnh. Cây Bonsai khi đứng một mình, người chơi phải có đủ trình độ để hiểu vẻ đẹp của nó. Chơi tiểu cảnh gần gũi, giản dị, dễ hiểu hơn, bởi là sự kết hợp của bonsai và các vật liệu khác để hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, khi là góc núi hiểm trở, lúc là cảnh làng quê yên bình, chỗ là cành xương rồng trơ trọi trong sa mạc hoang vu, hay một ngôi chùa cổ kính cheo leo bên vách núi.

Nhật đứng đầu về nghề Bonsai, nên giới chơi kiểng thường tổ chức thành nhóm, có công ty môi giới về cây kiểng sắp đặt việc ăn ở, đi lại. Đoàn đến nơi chỉ tập trung vào chuyện đi săn kiểng, thích thì ngã giá mua bán. Với những cây Bonsai nhỏ, có thể xách tay đem về theo đường hàng không, cây lớn hơn chuyển đường tàu biển, chỉ mất khoảng 2 tuần là về đến Việt Nam".

Thị trường Bonsai Nhật ngày càng thịnh hành, phần nhờ bởi lối làm ăn uy tín, giá cả cũng không nói thách quá mức so với các nước khác, phổ biến với hai loại thông và tùng, phù hợp với khí hậu Việt Nam, lại tạo dáng theo thế Bonsai (Việt Nam hiếm có thông làm Bonsai) nên thường được các tay sưu tầm kiểng thế Việt Nam sang săn lùng.

Mỗi chuyến đi kéo dài trung bình một tuần, cũng là dịp để các nhà sưu tập kiểng có cơ hội tìm hiểu thị trường, so sánh, bổ sung kiến thức cho niềm đam mê chơi kiểng thế - một thú chơi được đánh giá là xa xỉ cả về mặt tiền bạc, thời gian và công sức để đưa vẻ đẹp của thiên nhiên đến gần hơn với cuộc sống con người.

Thị trường kiểng ở miền Nam, tuy giá cả không sánh bằng phía Bắc, nhưng nguồn nguyên liệu dồi dào hơn. Giới chơi kiểng Sài Gòn có các nguồn cung cấp chủ yếu từ hai vùng, miền Tây với các loại kiểng truyền thống như nguyệt quế, mai chiếu thủy, kim quýt, cần thăng, những loại cây rừng như linh sam, cẩm thị, bằng lăng, sơn liễu đến từ khu vực miền Trung và miền Đông Nam bộ.

Khoảng chục năm trở lại đây, xu hướng chơi kiểng dần chuyển sang các loại tùng có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản như ngoạ tùng, viên tùng, vạn niên tùng.

Theo cơ bản, dân chơi kiểng khi chọn cây ưu tiên hàng đầu là phần đế (gốc) phải vững, sau đến bộ rễ, kế tiếp mới là thân, cành và tán xếp sau cùng vì chỉ cần thời gian và công chăm sóc, có thể nuôi hoặc ghép cho cành tán phát triển theo ý thích.

Chơi kiểng thường phân thế theo tên gọi riêng, kiểng một thân thẳng đứng (nhất trụ chống trời), hai thân gồm một thân to, một thân nhỏ (phụ tử), hai thân bằng nhau (song thân), ba thân nằm cạnh nhau (tam cang), bốn thân trở lên (quần thụ), các thế quen thuộc khác như: thác đổ, dáng trực, dáng siêu trực, dáng bay, long giáng...

Và theo quan niệm từng vùng miền, lối chơi kiểng cũng khác. Nam bộ hay chơi số lẻ theo cành, các cành phải trổ ngay thế cây lắc ra, gọi là chỗ dương, cành đối qua đối lại đều nhau, gọi là quân - sư - phụ, hoặc là tán - gốc - thân (tượng trưng cho thiên - địa - nhân).

Dân miền Tây chơi mai chiếu thủy hay tạo dáng theo kiểu 3 tay - 5 tay (hàm ý tam cang - ngũ thường). Phía Bắc chơi kiểng phóng khoáng hơn, không câu nệ gò ép vào dáng thế, mà thường chọn loại kiểng dị tướng, xù xì, bộ rễ đẹp, ít lá...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểng - môn chơi đệ tứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO