Khập khiễng từ phố về làng

HOA PHẠM| 09/06/2009 01:14

Mỗi lần đi chợ, người Sài Gòn không còn lạ với những tiếng rao hàng huyên náo, kiểu như: “Dưa hấu ruột vàng tươi ngon mười ngàn ba trái ghé lựa, ghé lựa!”. Hoặc bưởi, xoài, khăn mặt, đồ gia dụng..., với những giá rao rất hấp dẫn.

Khập khiễng từ phố về làng

Mỗi lần đi chợ, người Sài Gòn không còn lạ với những tiếng rao hàng huyên náo, kiểu như: “Dưa hấu ruột vàng tươi ngon mười ngàn ba trái ghé lựa, ghé lựa!”. Hoặc bưởi, xoài, khăn mặt, đồ gia dụng..., với những giá rao rất hấp dẫn.

Vì đã quen nên người Sài Gòn thừa hiểu “mười ngàn ba trái” hoặc những cái giá “dưới đất” kia chỉ là để nghe cho vui, dành cho những món hàng bèo bọt nhất, chứ một khi đã ghé vào, muốn mua được những thứ mình muốn và cần, chắc chắn phải “tiền nào của nấy”. 

Nhưng chợ quê thì khác. Những chiêu thức buôn bán ở Sài Gòn và các thành thị khác đang được trực tiếp “đổ về” nông thôn. Lần đầu tiên nghe rao: “Khăn Hàn Quốc mười ngàn ba cái, mười ngàn ba cái, mua nhanh kẻo hết!”, bà con xung quanh một khu chợ nhỏ ở một tỉnh miền Trung hăm hở ghé vào.

Nhưng giá mười ngàn ba cái chỉ dành cho loại khăn tay nhỏ, mỏng và xấu, mà bình thường, bà con hay mua với giá mỗi cái chừng 2.000 đồng. Những loại khăn đẹp hơn đều có giá khá đắt, thế nên người ghé vào thì đông, nhưng người mua chẳng có mấy.

Cách rao hàng này được lặp lại thường xuyên, bà con đã đủ quen thuộc để nhận ra “miệng lưỡi con buôn”, nên những ngày sau đó, chẳng còn ai đoái hoài đến nữa.

Nhưng quan trọng hơn, có nhu cầu mua hàng, người ta cũng không mua của những người mới đến này, vì: “Mấy cái thằng đểu giả, rao một đằng bán giá một nẻo, ai biết hàng nó bán có xài được không!”. Sau nhiều ngày gây huyên náo một góc chợ nhưng chẳng bán được mấy món hàng, nhóm buôn bán trên phải lặng lẽ rút lui.

Một cửa hàng thời trang của một doanh nghiệp khá nổi tiếng ở Sài Gòn thất bại tại một thị xã cũng bởi đã áp dụng cách thức tương tự. Mới xuất hiện ở địa phương, để thu hút sự chú ý, cửa hàng này treo banner rõ to: “Hàng thời trang mới, đẹp, đại hạ giá, 30.000 đồng/món”.

Những ngày đầu, khách hàng nô nức kéo vào. Họ còn kháo nhau: “Đồ của XY nổi tiếng trong Sài Gòn đang về khuyến mãi quá chừng kìa”, nhưng những ai bước vào cửa hàng đều nhận ra, 30.000 đồng/món là giá của những sản phẩm cũ, lỗi, đổ thành đống lộn xộn ở khu vực riêng, còn hàng đẹp tất nhiên không có giá đó.

Màn tiếp thị trên sẽ là bình thường, quen thuộc với người Sài Gòn hay những đô thị lớn, nhưng với khách hàng tỉnh lẻ, đó là “chuyện lớn”, dễ gây bất mãn với cảm giác bị... nói láo. Đó chắc chắn là một trong những ấn tượng không tốt đầu tiên của khách hàng địa phương dành cho nhãn hiệu này.

Hiện nay có những nhãn hiệu thời trang giá rất cao so với mặt bằng chung của thị trường, nhưng một bộ phận khách hàng mới nổi vẫn đủ sức mua sắm. Bằng chứng là những cửa hàng thời trang cùng phân khúc mở ra ngày càng nhiều và kinh doanh khá tốt. Nhưng chắc chắn, họ định vị và tiếp thị khác hẳn, chứ không vụng về như XY.

Thị trường nông thôn còn rất bao la cho những ai muốn kinh doanh. Song đồng thời với xu hướng rời phố về quê bán hàng, người kinh doanh phải hiểu khách hàng mới của mình hơn nữa, chứ không thể “bê nguyên xi” những cách thức, ngôn ngữ thị thành về đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khập khiễng từ phố về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO