Giao tiếp hiệu quả: 4 điều cần tự hỏi trước khi bắt đầu

VÂN THẢO (theo Harvard Business Insider)| 22/06/2016 06:19

Chúng ta thường phản ứng với những gì người khác nói bằng cảm xúc bộc phát. Điều này dễ tác động tiêu cực đến mục đích giao tiếp.

Giao tiếp hiệu quả: 4 điều cần tự hỏi trước khi bắt đầu

Giao tiếp là một hoạt động thường ngày của tất cả mọi người. Trong cuộc sống, đôi khi bạn đã chứng kiến nhiều cuộc giao tiếp vụng về, tuy nhiên, khi rơi vào những tình huống đó, đôi lúc chúng ta lại không nhận ra sai lầm của mình và biết cách phòng tránh.

Peter Bregman - tác giả sách, CEO Công ty Bregman Partners chuyên đào tạo, huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho doanh nghiệp cho biết, để trở thành một người giao tiếp giỏi, bạn cần biết cách dung hòa giữa cảm xúc và lý trí.

Theo Peter, có bốn câu hỏi bạn nên tự hỏi trước khi bắt đầu câu chuyện để việc giao tiếp đạt hiệu quả hơn: 

1. Tôi muốn kết quả như thế nào?

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không nhiều người nhớ đến mục đích của mình trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Chúng ta thường phản ứng với những gì người khác nói bằng cảm xúc bộc phát ngay tại thời điểm đó và những phản ứng này sẽ dễ khiến suy nghĩ, cảm xúc của bạn bị lẫn lộn.

Hãy thử bắt đầu bằng việc nghĩ về kết quả mà bản thân mong muốn, sau đó hành động theo chiều hướng mà bạn nghĩ sẽ giúp mình đạt được kết quả đó. Thông thường, điều chúng ta mong muốn sau các cuộc trò chuyện là mở rộng mối quan hệ, nhận được sự ủng hộ, duy trì mối quan hệ với người giao tiếp. Việc bộc lộ thái độ nóng giận sẽ khiến bạn đánh mất mối liên kết với đối phương. 

2. Tôi nên làm gì?

Một khi bạn đã biết mình muốn gì, việc xác định những điều cần nói sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn ai đó hiểu cảm xúc của mình, hãy nói rõ ràng rằng "Tôi cảm thấy tổn thương khi bạn không nghĩ đến tôi" thay vì "Không thể tin được là bạn không nghĩ đến tôi". Chỉ một thay đổi nhỏ trong cách dùng từ cũng đủ tạo nên sự khác biệt lớn.

Tất nhiên, đối với nhiều người, việc nói thẳng "tôi tức giận" sẽ có cảm giác thỏa mãn hơn câu "tôi cảm thấy bị tổn thương". Tuy nhiên bạn nên biết, khi một người muốn thể hiện quyền lực thì họ sẽ khiến người khác cảm thấy bị tổn thương. Đó là một trong những lý do giải thích cho việc những người giỏi giao tiếp hay các nhà lãnh đạo quyền lực luôn cố gắng không để cảm xúc chi phối cuộc trò chuyện. 

3. Tôi nên làm như thế nào?

Khi đã biết mình nên làm gì, việc tiếp theo bạn cần nghĩ đến là tìm cách để nhiều người chịu nghe mình. Thay vì lo lắng việc nên nói thế nào cho hợp lý, hãy tìm cách dẫn dắt người khác lắng nghe câu chuyện của bạn. Trớ trêu thay, ít ai làm được điều đó nếu họ chỉ biết chăm chăm nói. 

Hãy lắng nghe. Hãy tò mò và đặt câu hỏi. Hãy "làm mới" những thông tin nghe được. Sau đó, trước khi chia sẻ ý kiến của mình, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được quan điểm của những người khác. Nếu không hiểu, hãy hỏi lại điều đó. Và nếu đã hiểu, bạn nên mở lời "Liệu tôi có thể chia sẻ ý kiến của mình được không?". Một câu trả lời "được chứ" của người khác chính là sự đồng ý lắng nghe bạn. 

Nếu bạn tỏ ra mình là một người chịu lắng nghe, nhiều khả năng những người khác cũng sẽ hành động lại như thế để thể hiện lòng biết ơn.

4. Tôi nên giao tiếp vào lúc nào?

Nhiều người trong chúng ta giao tiếp theo kiểu "ruột để ngoài da" mà không cân nhắc cẩn thận mọi thứ trước khi nói. Trong cuộc sống, không tránh khỏi những lúc bạn không kiềm chế được cảm xúc. Những lúc như thế, bạn nên nhớ một nguyên tắc đơn giản: Đừng nói ra chỉ vì bạn muốn nói. Hãy mở lời khi nào bạn thấy những điều mình sắp nói sẽ được người khác tiếp nhận một cách tốt nhất.

>11 kỹ năng giao tiếp giúp bạn chiếm được cảm tình

>Để tránh xung đột trong giao tiếp

>Giao tiếp không lời

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giao tiếp hiệu quả: 4 điều cần tự hỏi trước khi bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO