Bài học “khởi nghiệp” cho sinh viên mới ra trường

Hồ Ngọc Thu| 25/07/2019 00:46

Chẳng cần phải nói, kỹ sư T đã rời bỏ công ty. Viễn ảnh nhân viên KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) sáng láng, quyền lực với sản phẩm không còn nữa. Có bao giờ T ngồi một mình, nghĩ cặn kẽ về lý do mình bị điều chuyển sang khâu lao động trực tiếp, rồi “chán đời” bỏ việc không?

Bài học “khởi nghiệp” cho sinh viên mới ra trường

Theo những chuyến xe đi thu mua sản phẩm nắng bụi mưa lầy ở vùng nông thôn xa hao hút ấy, kỹ sư T có chạnh lòng nghĩ đến các nhân viên mà T đã “làm mình làm mẩy” với họ một thời không? Quá nhiều câu hỏi để T thấy rằng, T đã vô lý biết bao nhiêu để đánh mất cơ hội được làm việc đúng ngành nghề của mình.

Chị công nhân ấy mới vào nghề, trách chị làm sao được với những thao tác trên sản phẩm còn luộm thuộm. T nghiêm trang hướng dẫn chị ấy thao tác một lần. Lần thứ hai, lần thứ ba, chị ấy lại làm sai. Với kinh nghiệm KCS của mình, T có thể hướng dẫn chị ấy thêm vài lần nữa để có thể có kết quả tốt hơn. Nhưng T đã cao mặt với thái độ của một kỹ sư bảo rằng: “Không nhắc lại lần thứ hai”. Và thật tồi tệ, chuyện sai sót trên sản phẩm lần thứ hai, lần thứ ba của chị công nhân ấy đã được kỹ sư T đặt lên bàn quản đốc. Quản đốc im lặng trừ lương chị công nhân, nhưng cả phân xưởng không ai ủng hộ T. Kỹ sư T đã quá cứng nhắc, không có sự cảm thông, sẻ chia nào với người lao động mới nhận việc chưa có kinh nghiệm trong thao tác.

Bác bảo vệ phân xưởng mới vào làm việc được một tuần. T nghĩ mình là kỹ sư, một “trí thức nhà nòi” nên bác ấy không được quyền xét túi T lâu vào mỗi buổi tan tầm. Là quy định chung của công ty. Dĩ nhiên, bác ấy không nghĩ T là ngoại lệ. T đã tỏ ra khó chịu khi bị xét túi lâu và gằn giọng hỏi: “Bác mới vào làm việc trong công ty này hả?”. Bác ấy gật đầu. T bảo, hèn gì bác chưa biết con là ai. Bất luận T là ai thì cũng phải xét túi theo quy định. Điều này đã làm bác bảo vệ thật sự ngạc nhiên. Mãi đến khi T nghỉ việc rồi, bác mới đem chuyện kể cho mọi người nghe, như một cách nhắc nhở “những người học thức cao” về lòng kiêu căng tự phụ.

Và chuyện gì đến thì cũng đã đến. Giọt nước làm tràn ly khi T “ngây thơ” đánh đồng sếp phó với những công nhân luôn luôn sợ bị lỗi sản phẩm dưới “quyền sinh sát” của mình. T đã làm đơn gửi ban giám đốc thắc mắc thu nhập cao bất thường của sếp phó. T quên rằng, sếp phó là lãnh đạo của mình, và tất nhiên sếp phó thân cận với sếp trưởng như tay với chân. Tất cả thu nhập của ban giám đốc đều có lý do, T can dự vào chỉ thêm rối rắm, và có vẻ như đây là công việc không thuộc về chuyên môn của T. Thế là T bị chuyển sang bộ phận đi thu mua nguyên liệu. “Sốc” với lệnh điều chuyển và không chịu được áp lực công việc mới, T nghỉ việc.

Về những sự “lên gân” này, kỹ sư T đúng hay sai? Có vẻ như đa phần không đúng. Điều không đúng trước tiên là anh ấy đã quá khắt khe với người lao động trong công ty. Chị công nhân làm lỗi sản phẩm, bác bảo vệ già sẽ khó lòng cảm thông với T, khó mà đứng về phía T khi anh gặp sự cố (bị thuyên chuyển công việc bất ngờ, không hợp chuyên môn chẳng hạn), bởi anh không có sự đồng cảm, nhân nhượng được phép trong công việc. Nguyên tắc đôi khi giúp công việc trôi chảy, nhưng nó cũng trở thành con dao hai lưỡi khi có một hậu quả nào đó xảy ra (chị công nhân bị quản đốc trừ lương chẳng hạn), khi người sử dụng nó quá cứng nhắc, chỉ chú trọng về “lý”, mà quên đi chữ “tình”.

T đâm đơn thắc mắc thu nhập cao bất thường của sếp phó đúng không? Chỉ đúng khi T biết chính xác các nguồn thu của sếp phó. Còn trong trường hợp này, T không nắm được chính xác các nguồn thu, mà chỉ thắc mắc bởi thu nhập của sếp quá cao so với lương kỹ sư của mình. T quên rằng, sếp phó là người đã có thâm niên làm việc hai mươi năm trong công ty, còn T chỉ là anh kỹ sư chân ướt chân ráo mới ra trường. Chuyện xảy ra, ban giám đốc không luận bàn đúng sai, mà chỉ thấy rằng, cần thay đổi công việc của T, để cho anh trải nghiệm nhiều hơn, cẩn thận hơn khi quyết định làm (hoặc nói) một điều gì đó và cơ bản phải là một người rộng lượng và biết chia sẻ hơn.

Bài học “tự đánh mất công việc của mình” là cái giá “khởi nghiệp” mà kỹ sư T phải trả bởi những hành xử non nớt. T chỉ mới nhận mười tháng lương từ công ty, mỗi tháng mười hai triệu đồng. Một trăm hai mươi triệu đồng thu về trong mười tháng, đủ để T biết người biết ta; đủ để T có kinh nghiệm tiếp xúc với công nhân, đồng nghiệp và các sếp. Thế mới biết, “khởi nghiệp” không chỉ là thu nhập ban đầu về tài chính, mà còn là thu nhập ban đầu về cách biết tự thích nghi và đối nhân xử thế trên đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học “khởi nghiệp” cho sinh viên mới ra trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO