Các nhà lãnh đạo hiện đại đều nhận thấy rằng nhịp độ công việc tất bật mỗi ngày làm họ trở nên chậm chạp và suy nghĩ tiêu cực hơn trong cuộc sống.
Luyện tập chánh niệm là cách các lãnh đạo thế giới giải quyết vấn đề trên, theo Potential Project - tổ chức đã huấn luyện về chánh niệm cho 25.000 cá nhân đến từ hơn 100 công ty ở Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Úc.
Trong bài viết chia sẻ trên Havard Business Review, Potential Project cho biết sau khi huấn luyện hàng ngàn lãnh đạo về cách sống trong hiện tại, tổ chức nhận thấy thực hành chánh niệm thường xuyên có thể giúp mọi người có một giây tỉnh táo trước khi phản ứng với các sự kiện, vấn đề xung quanh.
Một giây có thể không nhiều nhưng đủ để tạo ra sự khác biệt giữa một quyết định vội vã có thể dẫn đến thất bại và một kết luận thấu đáo có thể gia tăng hiệu suất. Đó còn là sự khác biệt giữa một hành động giận dữ với phản ứng điềm tĩnh.
Theo Potential Project, thực hành chánh niệm tác động đến não bộ và cách chúng ta kết nối với bản thân, người thân và thế giới. Khi luyện tập chánh niệm, cách thức vận hành tâm trí của chúng ta sẽ có những thay đổi nền tảng. Cụ thể, các hoạt động của não bộ ở vùng não hệ viền - nơi sản sinh các cảm xúc sẽ chuyển hướng sang vùng não trước trán - nơi kiểm soát các hoạt động lý trí.
Bằng cách này, luyện tập chánh niệm giúp giảm các phản ứng đối kháng không kiểm soát, và gia tăng các hoạt động suy nghĩ hợp lý, trách nhiệm. Vùng não trước trán hỗ trợ kỹ năng kiểm soát hành vi giống như trung tâm điều khiển suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Đây là trung tâm của các suy nghĩ hợp lý và kiểm soát xung động. Khi trung tâm này được kích hoạt, chúng ta sẽ có thể điều khiển tâm trí điềm tĩnh hơn. Đây là một lợi thế lớn cho những lãnh đạo đảm nhiệm các vị trí có nhịp độ công việc cao và nhiều áp lực.
Bạn có thể bắt đầu áp dụng 5 cách đơn giản sau đây để trở nên chánh niệm hơn:
1. Thực hành 10 phút chánh niệm mỗi ngày
Hầu hết mọi người đều thấy buổi sáng là thời điểm tốt nhất để thực hành chánh niệm, nhưng bạn có thể luyện tập bất cứ lúc nào trong ngày. Bạn có thể tìm các chương trình hướng dẫn thực tập 10 phút chánh niệm hay các khóa hướng dẫn chánh niệm ngắn hạn trên internet. Hoặc bạn cũng có thể tải ứng dụng hỗ trợ thực hành chánh niệm miễn phí tại đây. Hãy thử áp dụng trong 4 tuần.
2. Tránh đọc email đầu buổi sáng
Tâm trí của chúng ta thường tập trung, sáng tạo và tích cực nhất vào buổi sáng. Đây là thời gian để làm những công việc cần sự tập trung, tư duy chiến lược hay có những cuộc trao đổi nghiêm túc. Nếu bạn đọc email ngay khi vừa thức dậy, tâm trí của bạn sẽ bị đánh lạc hướng và bạn sẽ bắt đầu trở nên chậm chạp trong suy nghĩ.
Trả lời email khi vừa thức dậy làm lãng phí cơ hội sử dụng tâm trí đang ở mức hiệu quả cao nhất. Hãy chờ ít nhất 30 phút, hoặc một tiếng sau khi bạn bắt đầu làm việc để kiểm tra email.
3. Tắt hết các thông báo
Các tín hiệu thông báo từ điện thoại, máy tính bảng và laptop góp phần rất lớn vào sự thụ động của các nhà lãnh đạo. Chúng làm tâm trí bạn bận rộn và đặt bạn vào áp lực phải phản hồi liên tục. Chúng gây ra nhiều tác động xấu hơn là giá trị tốt.
Thay vào đó, bạn hãy thử: tắt hết các thông báo email từ các thiết bị điện tử trong một tuần. Chỉ kiểm tra email mỗi tiếng một lần (hoặc thường xuyên hơn tùy vào yêu cầu công việc của bạn), nhưng đừng kiểm tra email ngay khi chúng vừa được gửi đến hộp thư của bạn.
4. Ngưng làm nhiều việc một lúc
Thói quen này làm tâm trí của bạn luôn bận rộn và bị áp lực. Nó làm bạn thụ động hơn trong suy nghĩ. Hãy cố gắng duy trì sự tập trung vào một việc nhất định, sau đó chú ý xem khi nào thì suy nghĩ của bạn lại lan man đến công việc khác. Đây là dấu hiệu cho việc não bộ muốn bạn làm nhiều việc một lúc.
Khi tâm trí đi lan man, hãy dần dần ngưng nghĩ đến các công việc khác và duy trì sự tập trung trở lại với công việc đang làm.
5. Dành thời gian quan sát bản thân
Sắp xếp thời gian để bạn có một buổi tĩnh tâm riêng sau mỗi 2 tuần. Trong buổi này, hãy xem lại việc bạn đã làm tốt 4 điểm trên như thế nào hoặc đọc lại bài viết này để làm mới cho suy nghĩ của bản thân. Cân nhắc mời thêm một đồng nghiệp cùng tham gia luyện tập với mình. Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội trao đổi qua lại các kinh nghiệm thực tế và động viên cả hai tích cực luyện tập hơn.
Dù chánh niệm không phải là viên thuốc thần kỳ, nó vẫn giúp bạn chủ động trong việc lựa chọn cách phản ứng và phân tích các quyết định thay vì để bản thân bị các suy nghĩ tiêu cực dẫn dắt.
(Nguồn: HBR)