Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Chính phủ và Mặt trận tập hợp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua 3 ngày làm việc, với tinh thần “Đoàn kết- Dân chủ- Đổi mới- Sáng tạo- Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu, yêu cầu đề ra và tổ chức bế mạc trọng thể vào 18/10 tại Thủ đô Hà Nội.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công
Phát biểu tại phiên bế mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chia sẻ về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, về công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện Quy chế phối hợp với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trong đó, Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân sĩ trí thức; phối hợp trong giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, chương trình, dự án, đề án về công tác dân tộc, tôn giáo.
Phó Thủ tướng chia sẻ, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 5,7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực, được đánh giá là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng phấn đấu đạt và vượt 7%.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới. Trong 4 năm 2021-2024, đã ban hành 43 luật và 460 nghị định; Chính phủ đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, đã đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2024 và năm 2025 là rất nặng nề để phấn đấu thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra: đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thời gian tới, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong phối hợp công tác. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự ổn định và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Nhiều điểm mới trong Đại hội năm nay hướng đến doanh nhân, doanh nghiệp
TS Mạc Quốc Anh, Uỷ viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng năm nay Đại hội có nhiều điểm mới.
Một trong những số đó là vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Mặt trận, nhất là tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thông qua ứng dụng công nghệ số. Đồng thời mở rộng vai trò tư vấn, phản biện xã hội bằng cách thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước; Xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát chất lượng dịch vụ công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua công nghệ số.
Đặc biệt là tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận cũng như các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng. Các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan sẽ tư vấn về chính sách và hoạch định chiến lược cho kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, giáo dục và văn hóa.
“Cần áp dụng công nghệ số và chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hoạt động trực tuyến, tăng cường vai trò giám sát. Việt Nam hiện có cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại gần 200 quốc gia, nên việc hệ thống hóa thông tin và thu thập ý kiến từ xa là rất quan trọng.”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ có vai trò rõ ràng, cụ thể và hiệu quả trong hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Để đạt được điều này, Mặt trận cần chọn ra các đại diện phù hợp để nói lên tiếng nói của doanh nghiệp. Những kiến nghị, đóng góp của doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được quan tâm nhiều hơn, các cấp chính quyền sẽ có giải pháp cụ thể hơn”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nói.
Tương tự, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, Tổng Lãnh sự danh dự Pakistan tại TP.HCM, thành viên của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 cũng bày tỏ cảm xúc về những điểm nổi bật của Đại hội năm nay. Ngay từ chủ đề Đại hội đã đặt trọng tâm vào phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với phương châm “Đoàn kết- Dân chủ- Đổi mới- Sáng tạo- Phát triển”.
Ông Trần Việt Anh cho rằng vai trò hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng, nhất là kết nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền để xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội.
Mặt trận với sứ mệnh của mình sẽ góp phần phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước được thực hiện hiệu quả, gắn liền với nhu cầu và lợi ích thực tiễn của doanh nghiệp và người dân.
“Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Sự hỗ trợ của Mặt trận không chỉ giúp cải thiện môi trường kinh doanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông Trần Việt Anh nói.
Nhân dân gửi trọn niềm tin
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tầng lớp nhân dân bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chủ trương, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đó tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tăng đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân; đầu tư tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhân dân đang gửi trọn niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào những quyết sách sáng suốt của Đại hội góp phần phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.
Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X đã hiệp thương dân chủ cử 67 vị tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khuyết 5 vị sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX Đỗ Văn Chiến tiếp tục giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.