Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là dự án được cơ quan quản lý chỉ định ACV làm nhà đầu tư với tổng kinh phí hơn 11.430 tỷ đồng bằng vốn doanh nghiệp. Dự kiến, công suất nhà ga mới đạt 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000m2.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-ACV cho biết, ACV đã xây dựng mốc thời gian cụ thể đối với dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc thực hiện sẽ được tiến hành ngay sau khi ACV được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo Nhà ga T3 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào quý II/2022.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó, tổng công suất của hai nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm.
Liên quan đến chủ trương đầu tư nhà ga T3, từ cuối năm 2018 đã có một số doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia đầu tư dự án này như Vietjet, IPP, FLC... Tuy nhiên, cả Bộ GTVT và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất về việc chọn ACV là đơn vị đầu tư xây dựng nhà ga T3.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 4/2019 đã có văn bản gửi Bộ GTVT “đồng ý phương án đề xuất của Bộ GTVT, giao ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp”. Văn bản nêu rõ: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách. Vì vậy, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm một nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có, tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Văn bản của Bộ GTVT đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: giao cho ACV - người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.
Bộ GTVT phân tích: “Do đây là doanh nghiệp Nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết”.
Một lý do khác Bộ GTVT đưa ra để chọn ACV là theo quy định chung của hàng không Quốc tế ICAO thì quy định một cảng chỉ có một nhà khai thác. Trong một cảng hàng không chỉ có 1 cửa nhà ga không thể để nhiều đơn vị quản lý.
Tại một cuộc họp báo trước đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, 21 cảng hàng không trên cả nước đang hoạt động không phải cảng nào cũng có lãi.
“Nhiều năm qua, chỉ có cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh… là có lãi trong kinh doanh, còn những cảng như Điện Biên, Cà Mau và rất nhiều cảng hàng không khác đang phải bù lỗ, theo cách điều tiết từ phần lãi sang phần lỗ”, Thứ trưởng Đông cho rằng đó là yếu tố để cân nhắc. Việc giao ACV làm chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có hiệu quả tài chính nói chung và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng là cần thiết, để tạo nguồn bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các cảng hàng không không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế vùng miền.