Song song
Sau bộ phim đầu tay Ống kính sát nhân, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng tái ngộ khán giả màn ảnh rộng với Song song. Phim xoay quanh Trang, trong nỗ lực kết nối với quá khứ để cứu mạng một cậu bé, vô tình phát hiện ra những bí mật suốt 20 năm.
Song song được làm lại từ Mirage (phim Tây Ban Nha) với ý tưởng từ hiệu ứng cánh bướm, vốn khá phổ biến với các nhà làm phim nước ngoài. Sở hữu kịch bản hấp dẫn, nhiều bất ngờ, Song song được kỳ vọng sẽ là phim remake thành công. Tuy nhiên, sự sa đà của đạo diễn khiến phim không đủ độ “ép phê” với khán giả.
Đánh giá: 6/10
Way Down (tựa việt: Siêu trộm)
Siêu trộm xoay quanh kế hoạch đột nhập Ngân hàng Quốc gia Tây Ban Nha của một nhóm người. Ngân hàng này không có bản thiết kế, không dữ liệu lưu lại và không một ai biết đến cấu trúc sắp đặt bên trong chiếc két sắt hơn trăm năm tuổi.
Thử thách này khơi dậy lòng tham và sự tò mò của Walter Moreland (Liam Cunningham) - ông chủ của một công ty chuyên vớt xác tàu bị đắm và Thom (Freddie Highmore) - một kỹ sư thiên tài.
Siêu trộm nhận điểm số 6,4/10 từ 3.127 đánh giá trên IMDb, trong đó phim đặc biệt thu hút khán giả trong độ tuổi 30-44 mà đa phần là nam giới.
Đánh giá: 6,5/10
Minari (tựa việt: Khát vọng đổi đời)
44 đề cử, 22 chiến thắng tại các giải thưởng điện ảnh là những con số biết nói về Minari - tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Hàn Quốc - Lee Isaac Chung. Phim nhận được 6 đề cử Oscar ở hầu hết các hạng mục quan trọng: phim xuất sắc, Đạo diễn, Nam chính, Kịch bản gốc xuất sắc…
Minari xoay quanh câu chuyện về một gia đình người Hàn chuyển đến vùng nông thôn Arkansas để tìm kiếm giấc mơ Mỹ. Trải qua hàng loạt khó khăn, họ nhận ra sức mạnh không thể chối bỏ của hai tiếng “gia đình”.
Trên Rotten Tomatoes có đến 98% đánh giá tích cực về phim với điểm số 8,7/10. Nhà phê bình Nicholas Barber của BBC đánh giá phim điểm 5/5. Lindsey Bahr của hãng thông tấn AP cũng cho số “sao” tuyệt đối 4/4. 4/5 là đánh giá của nhà phê bình Robbie Collin tờ The Telegraph và Benjamin Lee tờ The Guardian vì “những góc nhìn rộng mở về cộng đồng nhập cư và nước Mỹ”.
Đánh giá: 8,5/10
The Unholy (tựa Việt: Ấn quỷ)
Alice (Cricket Brown), cô gái khiếm thính sống tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng New England bỗng nhiên nghe, nói như người bình thường và có năng lực chữa bệnh cho mọi người. Hàng trăm nghìn người đổ về chứng kiến phép màu của cô, trong đó có nhà báo Gerry Fenn với hy vọng thực hiện một phóng sự cứu vãn sự nghiệp.
Ấn quỷ tạo nên sự phân cực giữa giới phê bình và khán giả. Trên Rotten Tomatoes phim chỉ nhận 33% các bình luận tích cực với điểm số trung bình 4,7/10 trong khi số điểm trên Metacritic còn hạn chế hơn, chỉ 35/100. Nhưng trên IMDb, 69 người dùng chấm phim điểm số 7,2/10.
Chỉ chấm 1 sao, bài phê bình trên tờ The Guardian nhận định: “Một tác phẩm kinh dị kém chất lượng từ một cuốn tiểu thuyết của James Herbert, và phung phí nó bằng hình ảnh không hiệu quả, thiếu vắng những cảnh hù dọa”.
Đánh giá: 5,5/10
Promising Young Woman (tựa Việt: Cô gái trẻ hứa hẹn)
87 giải thưởng, 180 đề cử trong đó có 5 đề cử Oscar (gồm Phim xuất sắc nhất) đang chờ "gặt hái", Promising Young Woman là một trong những tựa phim đáng xem nhất mùa lễ trao giải năm nay.
Cassie sống với bố mẹ, làm việc tại một quán cà phê, thay vì chọn tương lai trở thành một bác sĩ xuất sắc sau khi Nina, bạn cô bị cưỡng bức và tự sát. Mỗi cuối tuần, Cassie đến quán bar, giả vờ say xỉn. Khi một gã đưa cô về nhà và giở trò lợi dụng, Casie bừng tỉnh và trút giận lên những gã đàn ông tồi.
Một cuốn phim báo thù nhưng đã được Emerald Fennel chuyển tải tinh tế. Không có bất cứ cảnh kinh dị nào, cũng không có những cảnh nóng bỏng quá trớn hay những cảnh máu me điên loạn, Promising Young Woman là một cuốn phim thuần tâm lý, đặt ra nhiều câu hỏi đau đớn liên quan quyền con người, đặc biệt là quyền của phụ nữ trước nhiều vấn đề nổi cộm về tình dục, bạo hành, xúc phạm bằng lời nói.
Promising Young Woman nhận được cơn mưa lời khen vì “tính nữ” đậm đặc và vì thông điệp mà nó phản ánh.
Đánh giá: 9/10