Phản cạnh tranh trong phân phối dược phẩm

SƠN TIẾN| 01/04/2009 02:55

90% lượng thuốc đấu thầu sử dụng trong các bệnh viện là thuốc đắt tiền - Đó là nhận xét từ khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam được nêu ra trong hội thảo để Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương

Phản cạnh tranh trong phân phối dược phẩm

90% lượng thuốc đấu thầu sử dụng trong các bệnh viện là thuốc đắt tiền - Đó là nhận xét từ khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam được nêu ra trong hội thảo để Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương công bố kết quả nghiên cứu “Báo cáo Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam” vừa tổ chức tại TP.HCM.

Tiền thuốc bình quân đầu người của VN mới chỉ đạt 13,4 USD/năm

Hiện tượng liên kết chiều dọc, ấn định giá cao

Theo Báo cáo, trị giá tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 13,4USD, tương đương khoảng 237.000 đồng/năm, trong khi các bệnh viện lớn trong nước lại sử dụng tiền bảo hiểm y tế do người dân đóng góp để mua các loại thuốc ngoại nhập đắt tiền với tỷ lệ trên 90%. Được biết, các loại thuốc ngoại nhập đắt tiền chủ yếu do các công ty không có thẩm quyền phân phối dược phẩm nước ngoài nắm giữ, như Zuellig Pharma, Diethelm, Mega vốn chỉ được cấp phép làm các dịch vụ hậu cần cho ngành dược.

Các đề nghị được đưa ra là các nhà sản xuất dược phẩm nước ngoài nên ký hợp đồng phân phối với các công ty có thẩm quyền phân phối dược tại Việt Nam để phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và cần thống nhất quy trình đấu thầu trong các bệnh viện trên toàn quốc, tránh hiện tượng “chỉ định thầu” bằng cách đấu thầu theo biệt dược và nên có quy định về việc kê đơn thuốc theo hoạt chất.

Kết quả nghiên cứu của Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương cho thấy, các công ty cung ứng hậu cần đa quốc gia cho dù không có thẩm quyền phân phối dược phẩm nhưng đã tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình phân phối sản phẩm dược của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, từ khâu đăng ký lưu hành thuốc, vận chuyển thuốc, lưu kho, bảo quản đến giao hàng, thu tiền tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ.

Đã xảy ra hiện tượng các nhà sản xuất nước ngoài chỉ giao độc quyền phân phối sản phẩm cho một trong các công ty cung ứng hậu cần đa quốc gia, dẫn tới hiện tượng liên kết chiều dọc, ấn định giá cao, chiếm lĩnh thị trường và các hành vi phản cạnh tranh khác.

Kinh nghiệm quản lý phân phối dược và bài học ở nước ta

Các nhóm nghiên cứu khác cho rằng, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, từ đó có thể rút ra những bài học có thể áp dụng ở nước ta. Với việc sáp nhập Glaxo Wellcome và SmithKline Beecham thành Công ty Glaxo SmithKline (GSK) vào năm 2000, Cộng đồng chung châu Âu và Nam Phi có cùng kết luận là việc này gây ảnh hưởng tới cạnh tranh. Giải pháp được đưa ra là buộc GSK phải đồng ý chuyển giao công nghệ ba sản phẩm độc quyền cho bên thứ ba. Việt Nam có thể áp dụng giải pháp buộc chuyển giao công nghệ trên với các công ty độc quyền nhóm sản phẩm điều trị.

Kinh nghiệm của Trung Quốc: Trung Quốc có hai cơ quan quản lý độc lập: việc đăng ký thuốc do Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (SFDA) chịu trách nhiệm; việc thông qua và điều tiết giá do Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách (NDRC) quản lý. Trung Quốc cũng đã ban hành Luật Chống độc quyền ngày 1/8/2008. Kinh nghiệm rút ra với nước ta: nên tách khâu đăng ký số Visa ra khỏi khâu cấp phép nhập khẩu thuốc (cho phép các nhà nhập khẩu được nhập khẩu các thuốc theo nhu cầu điều trị cho dù không sở hữu số đăng ký).

Nam Phi quy định bác sĩ kê đơn theo hoạt chất (generic) và các công ty dược bán thuốc theo một giá cho mọi đối tượng khách hàng, trừ Nhà nước. Tuy nhiên, họ lại cho phép các công ty phân phối có yếu tố nước ngoài tham gia phân phối dược phẩm dẫn đến tình trạng các công ty này lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, tạo ra câu kết chiều ngang phản cạnh tranh.

Bài học này cho thấy nên áp dụng việc kê đơn theo hoạt chất, nhưng phải tránh để các công ty nước ngoài liên kết hàng dọc, chỉ giao sản phẩm cho các nhà phân phối nước ngoài độc quyền; đồng thời tránh tạo ra liên kết chiều ngang (sử dụng cùng một hệ thống phân phối). Theo cam kết WTO và theo giấy phép cấp cho Zuellig Pharma, Diethelm, Mega, các công ty này chỉ là nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cho dược phẩm. Do đó, các nhà sản xuất nước ngoài phải trực tiếp ký kết hợp đồng phân phối với các công ty trong nước có nhu cầu.

Liên minh châu Âu cho phép cạnh tranh trong cùng một nhãn hiệu (intra-brand) bằng thương mại song song (cùng một nhãn hiệu được bán từ quốc gia này sang quốc gia khác qua nhiều nguồn khác nhau do chênh lệch giá giữa các quốc gia có thể lên đến 70%). Qua đó cho thấy, cần phải đẩy mạnh nhập khẩu song song, tạo ra cạnh tranh trong cùng nhãn hiệu và nên tách khâu đăng ký ra khỏi khâu cấp phép nhập khẩu.

Tại Vương quốc Anh (UK), Pfizer đã liên kết hàng dọc, sử dụng Unichem làm nhà phân phối độc quyền, thỏa thuận trực tiếp với các nhà thuốc bán lẻ và sử dụng dịch vụ hậu cần của một số đại lý độc quyền nhằm kiểm soát giá cả và hạn chế nhập khẩu song song. Bài học này cho thấy, cần phải có các biện pháp tránh các dạng liên kết hàng dọc.

Kinh nghiệm rút ra từ Thái Lan là Nhà nước, Bộ Y tế nên có chính sách để bệnh viện công ưu tiên mua thuốc từ nguồn ngân sách của Nhà nước; đơn giản hóa thủ tục đăng ký cho các công ty và tổng công ty có thẩm quyền phân phối thuốc. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn, Việt Nam cũng có thể gặp phải những khó khăn như Philippines: giá thuốc cao nhất trong các nước thuộc khối ASEAN là do sự cấu kết cao độ cả chiều dọc lẫn chiều ngang kiểm soát nguồn cung và định giá bán rất cao (một số sản phẩm cao hơn 800% so với hàng của Ấn Độ).

Muốn bỏ liên kết dọc, cần khẳng định các công ty có yếu tố nước ngoài không có quyền phân phối, do đó không được phép tổ chức hay tham gia vào các khâu phân phối. Mặt khác, định rõ vai trò của các công ty có yếu tố nước ngoài chỉ là cung cấp hậu cần như: khai hải quan, kho bãi và vận chuyển...

Chính phủ cần kiểm soát hiệu quả nguồn cung: tất cả các công ty đầu tư kể cả liên doanh và văn phòng đại diện nước ngoài phải bán thuốc cho mọi nhà phân phối có nhu cầu và không được từ chối bán hàng với bất kỳ lý do nào để tránh việc các công ty nước ngoài chỉ bán cho một công ty phân phối trong nước làm bình phong cho họ.

Không để cho bất kỳ công ty nào sở hữu một số lượng lớn các nhà thuốc bán lẻ. Các công ty nước ngoài khi chuyển giao công nghệ không tập trung chuyển giao cho một công ty sản xuất nhằm tránh tình trạng một công ty thống lĩnh việc gia công sản xuất cho hầu hết các công ty nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phản cạnh tranh trong phân phối dược phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO