Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Doanh nhân là thành tố quan trọng góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lê Giang| 27/09/2022 09:39

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong phạm vi thành phố, mà còn lan tỏa trên cả nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng. Trong đó, doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này tại thành phố mang tên Bác.

Xin chào ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Báo chí và nhiều phương tiện thông tin truyền thông đã đưa tin nhiều về việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu thấu đáo về vấn đề này. Vậy không gian văn hoá Hồ Chí Minh chúng ta muốn người dân hiểu đơn giản và cụ thể là gì, thưa ông?

Khái niệm về không gian văn hóa Hồ Chí Minh một khái niệm mới, có nội hàm rộng, có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố, vì vậy chắc chắn nhiều người dân sẽ chưa thực sự hiểu thấu đáo về vấn đề này. Qua ý kiến của các chuyên gia văn hóa, các nhà khoa học có thể hiểu rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi truyền bá, tiếp thu, thực hành các giá trị văn hóa Việt Nam, trong đó cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát huy trong thực tiễn lịch sự cụ thể; làm cho văn hóa Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, sinh động, là tấm gương tốt với mỗi người dân thành phố, trở thành sức mạnh đặc thù của thành phố mang tên Bác.

-6219-1664246269.jpg

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Thành ủy xác định xiệc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố duy nhất vinh dự được mang tên Bác nhằm xây dựng nền tảng văn hóa gắn với tư tưởng của Bác để xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố, con người thành phố - trung tâm của vùng đất Nam bộ và gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt làm nổi bật yếu tố con người thành phố mang nét đặc trưng về tính cách đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, dám chấp nhận thử thách, góp phần xây dựng thành phố “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025xác định việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chủ trương gì để thực hiện nhiệm vụ này? Và mục tiêu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra là gì?

Hiện nay Thường trực Thành ủy đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong phạm vi thành phố, mà còn lan tỏa trên cả nước, vì vậy đây là nhiệm vụ kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Thành ủy xác định yêu cầu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng do Đảng bộ thành phố lãnh đạo, chính quyền quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng.

Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đang được triển khai lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thành ủy xác định mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố như sau:

Một là, tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, nâng cao niềm vinh dự tự hào trong từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân của thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong lực lượng đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đội viên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn đức, luyện tài đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Ba là, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đồng bộ về cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể:

- Phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại trên địa bàn thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dấu ấn riêng cho thành phố. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên không gian mạng, báo chí, báo điện tử thành phố về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

- Hình thành chuẩn mực văn hóa, con người thành phố mang tên Bác gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi thành phố phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành tính cách đăc trưng của con người Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa trong Nhân dân được duy trì và phát triển. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức trên tinh thần mỗi người vì mọi người, đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình, và ngoài xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố theo các tiêu chí đã đề ra.

Bốn là, rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong xây dựng văn hóa và con người thành phố. Tập trung xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, “Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hoá của cả nước và là điểm giao thoa văn hoá của các dân tộc; sự đa dạng văn hóa cũng là nét đặc trưng của thành phố. Vậytrong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm thế nào để phát huy thế mạnh này?

Thành phố Hồ Chí Minh nơi có sự giao thoa văn hóa của các dân tộc, các vùng, miền trên cả nước có nhiều lại loại hình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam bộ, góp phần làm phong phú, đa dạng các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân như: hoạt động văn hóa tại Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Áo dài, Lễ hội “Nghinh Ông - Cần Giờ”, Lễ hội “Trên bến, dưới thuyền” tại Quận 8; Lễ hội Nguyên Tiêu của dân tộc Hoa tại Quận 5, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào đón năm mới… và nhiều hoạt động khác. Trong quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thành phố sẽ có các giải pháp để đảm bảo tính thống nhất, giữ nét đặc trưng, đa dạng văn hóa tại thành phố hiện nay; tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các vùng, miền trên địa bàn thành phố. Xây dựng các không gian văn hóa công cộng nơi dành cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa….

Ngoài giao thoa văn hóa dân tộc thì thành phố cũng là điểm đến văn hóa hấp dẫn khách du lịch và bạn bè quốc tế, vì vậy trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chúng ta cũng cần kết hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa gắn với hoạt động du lịch, thương mại… có nhiều hoạt động phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, mua sắm, vui chơi, giải trí, tinh thần…

Vai trò của doanh nhân và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như thế nào trong việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh? Chúng ta đã có những tiêu chí nào đánh giá việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp?

Như tôi đã trao đổi, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng do Đảng bộ thành phố lãnh đạo, chính quyền quản lý, tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng. Vì vậy các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là thành tố quan trọng góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.

 Để đánh giá việc xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, sau khi Đảng bộ thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, chính quyền thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình với những nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu cụ thể, từ đó sẽ đưa ra những tiêu chí phù hợp với từng ngành, lĩnh vực khác nhau.

Thời gian qua thành phố đã luôn tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Định kỳ, gặp gỡ giữa lãnh đạo các sở, ngành với các doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp thành phố để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và cập nhật thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp thành phố.

-9909-1664246270.jpg

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Từ đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ uy tín, cạnh tranh lành mạnh; các loại hình dịch vụ văn hóa phát triển tại các doanh nghiệp; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo xã hội được các doanh nghiêp quan tâm chú trọng. Rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa gắn với thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa; đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Hầu hết các đơn vị đạt chuẩn văn hóa đều thực hiện tốt các nội dung quy định về tiêu chuẩn văn hóa như: giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo người nghèo, đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, giới thiệu giải quyết việc làm; chăm lo các đối tượng chính sách, người cao tuổi, người già neo đơn; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí, xây dựng chính quyền, thực hiện tốt chương trình mục tiêu “3 giảm”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”...

Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, từng doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục khẳng định chính mình, thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nâng cao ý thức và tinh thần dân tộc, động viên người lao động đóng góp xây dựng và phát triển doanh nghiệp, từ đó phát triển lớn mạnh các thương hiệu, sản phẩm đặc trưng có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là đề ra các chiến lược phát triển gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, sớm phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, góp phần hình thành không gian văn hoá Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Doanh nhân là thành tố quan trọng góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO