Tâm niệm này cũng là lý tưởng sống và kinh doanh đã theo ông suốt những năm qua. Trong hơn 32 năm, hình ảnh một tiệm vàng Mi Hồng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào đã trở thành quen thuộc và luôn làm những người đi ngang qua tò mò. Đây cũng là minh chứng cho doanh nghiệp (DN) đi lên thành công bằng uy tín "niềm tin vàng" như cam kết của công ty đối với khách hàng gần xa.
Không khoa trương, không thích truyền thông, bởi với ông làm công tác thiện nguyện để mang lại nhiều giá trị và nhiều điều tốt đẹp cho đời và xã hội, là cách truyền thông tốt nhất.
Khi đại dịch Covid-19 lên đến cao trào khốc liệt, những tháng mùa Hè 2021 tại TP.HCM được ví như "mùa Hè đỏ lửa", các DN và người dân TP.HCM gặp muôn vàn khó khăn. Với vai trò là Chủ tịch Hội DN quận Bình Thạnh, ông không chỉ ủng hộ và kêu gọi hội viên cùng ủng hộ hơn 8 tỷ đồng, bản thân ông cũng quyên góp rất nhiều trang thiết bị để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như hơn 3.700 phần thực phẩm tươi sống cho chương trình "Tủ lạnh cộng đồng", hơn 20 tấn gạo cho chương trình "Xe gạo yêu thương", ủng hộ tuyến đầu 30 thùng sữa ngũ cốc, 200 máy SpO2, 400 chai nước rửa tay, hơn 2.500 túi thuốc F0; 10.000 khẩu trang N95, 1.000 bộ đồ bảo hộ y tế, 200 bình oxy 40 lít, trao tặng một bình oxy hóa lỏng 10 tấn cho bệnh viện dã chiến quận Bình Thạnh... Ngoài ra, ông còn vận động bạn bè ủng hộ nhu yếu phẩm và thuốc an sinh cho người dân của nhiều quận, huyện tại TP.HCM trong những tháng dài chống dịch.
Ông tâm sự: "Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các DN gặp không ít khó khăn phải chắt chiu từng đồng để vượt qua thời điểm khốc liệt này, nhưng việc chia sẻ với xã hội vẫn là việc nên làm. Sự sẻ chia của chúng tôi nhỏ thôi, chỉ là góp một chút để bà con bớt vất vả, cùng nhau vượt qua khó khăn, mong cuộc sống được an lành như khi chưa có dịch".
Trước ngày Đại hội nhiệm kỳ mới của Hội DN quận Bình Thạnh, ông chia sẻ mong muốn đại dịch sớm được khống chế để nền kinh tế có sự hồi phục, để cho các DN và hội viên của Hội DN quận Bình Thạnh ổn định cuộc sống để công việc kinh doanh thuận lợi phát triển.
Trong ba năm đầu 2016-2019 của giai đoạn 5 năm nhiệm kỳ 2 của Hội, các hoạt động của Hội phát triển tương đối ổn định tốt, nhưng bước sang năm 2020-2021, đại dịch đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Trong đó Hội cũng bị ảnh hưởng, một số anh em trong Hội gặp khó khăn, không đủ lực để tiếp tục công việc, nhiều anh em đã phải "ngã ngựa" trong giai đoạn dịch vẫn còn âm ỉ. Hy vọng, năm 2022 kinh tế trở lại bình thường, việc kinh doanh mua bán của mọi người thuận lợi và DN cũng thuận lợi theo.
* Với vai trò là chủ tịch, ông thấy Hội cần làm gì để giúp DN vượt qua khó khăn?
- Mỗi DN thành viên là từng tế bào của Hội. Để Hội được phát triển bền vững, mỗi "tế bào" này phải thật sự mạnh. Điều đó có nghĩa là, các DN và hội viên phải cố gắng phấn đấu để xây dựng nền tảng cho bản thân và DN của mình. Với vai trò là Chủ tịch Hội, tôi có thể đứng ra làm đầu mối giúp tạo ra những quan hệ xã hội và kinh doanh mới, cũng như liên kết những quan hệ đã sẵn có nhưng tôi chưa tạo được sự kết nối để giúp DN thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.
Về phía Nhà nước, tôi mong muốn có những chính sách thông thoáng hơn để cho DN có điều kiện tốt vực dậy DN của mình. Trong đại dịch vừa qua, Hội đã cố gắng bằng các mối quan hệ tốt đẹp sẵn có để giúp các hội viên được sớm tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 để ổn định nhân sự, cuộc sống, tiếp tục đồng hành và sống chung với đại dịch. Ngoài ra, các DN thành viên gặp khó khăn cũng được Hội hỗ trợ phát thuốc, phát quà... Đó là một trong những điểm sáng của Hội trong giai đoạn gian khổ khốc liệt đó. Nói chung, mình nhỏ thì mình làm việc nhỏ, không có gì lớn lao nhưng đã phần nào làm ấm lòng hội viên.
* Trong nhiệm kỳ qua, có nhiều điều Hội đã làm được nhưng cũng có nhiều việc chưa thành hiện thực...
- Một trong những việc còn làm tôi trăn trở trong nhiệm kỳ vừa qua là số thành viên tham gia Hội chưa đạt được nhiều. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hội có khoảng 160 thành viên. Thời điểm đó, nền kinh tế đang thuận lợi nên tôi đặt kỳ vọng Hội sẽ đạt được 400 hội viên. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, trong đó có hai năm dịch Covid-19 hoành hành làm trì trệ nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh, hiện Hội đang có 245 hội viên. Đây là mặt hạn chế lớn.
Mặc dù cố gắng dung hòa và đoàn kết của các hội viên nhưng do môi trường kinh doanh của các DN khác nhau dẫn đến hướng giải quyết các vấn đề trong Hội khác nhau, nhiều hội viên cảm thấy khó hòa nhập, dẫn đến sự chia tay của nhiều hội viên. Hy vọng Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ điều phối hoạt động của Hội khởi sắc hơn và nhịp nhàng hơn để phát huy được nhiều mặt tích cực của Hội, nhất là tập hợp được các anh chị em hội viên lại với nhau để có những chương trình hành động thiết thực. Cũng cần phải nói thêm, một trong những điểm sáng mà Hội làm được trong nhiệm kỳ qua rất quý giá và tích cực, đó là những chương trình công tác xã hội. Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội đã giúp đỡ cho nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài khu vực quận Bình Thạnh; cũng như xây dựng cầu đường, trường học và những tiện ích công cộng khác. Kinh phí cho các hoạt động này trong vòng 5 năm qua lên tới hơn 32 tỷ đồng. Con số này là một minh chứng cho sự đoàn kết và gắn bó của các hội viên với công tác và phong trào xã hội do Hội đề xướng.
* Hoạt động của các hội DN nói chung chưa thu hút nhiều hội viên là do chưa đáp ứng được kỳ vọng. Theo ông, cần thay đổi thế nào?
- Làm công tác Hội giống như "làm dâu trăm họ". Là người đứng đầu, tôi đã xây dựng và phát triển Hội theo hướng lành mạnh và bền vững nhất. Nhưng "chín người mười ý", tôi phải lắng nghe và cố gắng sắp xếp để các hội viên có một môi trường hoạt động vui vẻ và đoàn kết. Tuy nhiên, song song với công tác của Hội, tôi cũng còn nhiều ràng buộc về kinh doanh, xã hội và gia đình nên không thể lúc nào cũng có thể vẹn toàn hết cho tất cả mọi người, trong khi mỗi hội viên tham gia vào Hội đều có những mong muốn, trải nghiệm và cung bậc tình cảm khác nhau. Vì vậy, tôi vẫn mong muốn tổ chức các hoạt động kết nối những mong muốn qua các trải nghiệm cùng nhau, thăng hoa các cung bậc tình cảm của các hội viên để cùng nhau phát triển Hội, phát triển công việc kinh doanh theo hướng tích cực và lành mạnh nhất.
* Nhưng chắc là phải có con số phần trăm để đánh giá sự hài lòng hoặc không?
- Theo tôi, đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu của hội viên đã là mong ước của những người làm công tác Hội. Nhưng có lẽ trong nhiệm kỳ của mình, tôi vẫn chưa đạt được "phần trăm" ấy.
* Nhìn lại hành trình kinh doanh vừa qua, đặc biệt là năm 2020 và 2021, điều gì tạo cho ông nhiều dấu ấn nhất?
- Phải nói thật trong suốt cuộc đời kinh doanh, hai năm 2020-2021 là hai năm để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi vì nó có quá nhiều biến động không thể lường trước. Một trong số đó là sự mất mát của người thân, những người bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng. Những điều quý giá trong đời người và cuộc sống mà không có tiền bạc nào có thể mua được.
Một cuộc sống tưởng chừng vẫn diễn ra, rất gần đó nhưng lại rất xa. Mới đó gọi điện thoại nói chuyện, mà hai hôm sau người bạn, người quen ấy đã ra đi. Rồi những lúc thấy nhân viên, bạn bè, đồng nghiệp bị Covid-19 mà mình không đến thăm hỏi được, trong lòng cũng nhiều áy náy. Chỉ còn biết điện thoại khắp nơi để gửi gắm, tìm phương án nào đem tro cốt của bạn bè, anh em đã mất được về nhà nhanh nhất. Trong giai đoạn dịch bệnh, chỉ cố gắng để làm được những việc như vậy cho bạn bè, người quen để siêu lòng người ra đi và ấm lòng người ở lại. Những việc này để lại trong tôi một dấu ấn khó quên với nhiều sự hụt hẫng, tiếc nuối và đau buồn.
Nói thật, thời điểm dịch căng thẳng, đầu tôi bạc trắng vì lo, không phải chỉ lo cho mình mà lo cho nhân viên, lo cho DN và trong thời gian đó điện thoại của anh em, bạn bè, nhân viên, người quen nhờ giúp đỡ thuốc, bác sĩ, đưa người thân đi bệnh viện và cả lo chuyện hài cốt cứ liên tục, thậm chí không thể nghe hết các cuộc gọi đến. Có những người không quen nhưng được giới thiệu của bạn bè cũng gọi điện nhờ hỗ trợ. Cứ thế, từ sáng đến tối tôi không kịp ăn uống, cứ cầm điện thoại để xử lý hết công việc này đến công việc khác. Nhưng tôi không thấy mệt mà còn thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi sức khỏe và các mối giao tình tốt trước đó để có thể xoay sở được nhiều tình huống, giúp đỡ được nhiều người trong thời điểm khó khăn này.
* Ông rút ra được điều gì trong thử thách gần như chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19?
- Trong suốt cuộc đời kinh doanh của tôi, cho tới năm 2020 tôi cảm thấy việc làm ăn của mình không quá thăng trầm. Có được thành quả hôm nay không chỉ nhờ nỗ lực của bản thân mà còn có sự hỗ trợ của khách hàng, của nhân viên, của bà con cũng như của chính quyền các cấp. Trong đó, tôi tin cũng có một chút tâm linh được gia hộ, ông bà và ân trên che chở. Đặc biệt năm 2021, mặc dù rất nhiều DN bị ngã ngựa, rất nhiều DN gặp khó khăn nhưng DN của tôi vẫn có thể bình yên và vẫn quay lại guồng hoạt động kinh doanh an toàn.
Đại dịch đi qua cũng cho tôi ngẫm được nhiều thứ, cuộc sống mong manh lắm, vô thường lắm, vì thế được sống ngày nào, được làm việc ngày nào thì ráng sống tốt ngày đó. Đó là điều mà tôi mong muốn đạt tới chứ không có gì cao xa quá.
* Mi Hồng có cửa hàng ở nhiều nơi nhưng nhiều năm qua vẫn khá "kín tiếng" truyền thông, vì sao vậy thưa ông?
- Để PR cho thương hiệu thì có rất nhiều cách, riêng Mi Hồng chọn phương pháp chậm chút, tốn kém công sức chút nhưng hữu xạ tự nhiên hương. Không quảng cáo, phô trương nhiều nhưng khách hàng luôn là người được trân trọng thật sự. Việc gì mình làm cho khách hàng thì phải làm thật lòng, làm để họ hài lòng, để mang lại những gì người ta mong muốn chứ không phải khẩu hiệu, không phải quảng cáo để người ta sử dụng. Khi thấm được nó, những việc mình làm thực tâm, khách hàng sẽ cảm nhận, sẽ tự đến, yêu thích và hỗ trợ; họ cũng sẽ là người quảng bá cho mình. Điều đó giúp cho việc kinh doanh của tôi thuận lợi. Dù thương hiệu và quy mô của Mi Hồng không quá lớn nhưng đạt được mục đích và kỳ vọng mà tôi hướng đến, đó là làm cho bà con ở khu vực Bình Thạnh và TP.HCM biết về Mi Hồng. Đặc biệt, hơn 32 năm qua, Mi Hồng đã và đang được biết đến là một DN kinh doanh vàng có thể trao "niềm tin vàng" cho khách hàng gần xa. Như thế là đủ và đáng tự hào rồi.
* Nhiều cửa hàng vàng uy tín nhưng ông không phát triển thành những công ty lớn như Doji, SJC, PNJ... vì sao vậy thưa ông?
- Tôi chưa muốn phát triển công ty lớn hơn nữa vì khả năng của mình tới đó mà làm hơn cái mình có thì e rằng sẽ vượt quá tầm hạn quản trị và không giữ được điều mình kỳ vọng.
Hơn nữa, tâm nguyện của tôi là kinh doanh để được đóng góp và đồng hành với xã hội. Nếu bây giờ tôi làm nhiều hơn nữa, lớn hơn nữa thì sẽ phải bỏ nhiều thời gian và tâm sức ra cho công việc kinh doanh. Khi đó, tôi không còn nhiều thời gian để làm công việc xã hội - là công việc tôi rất yêu thích, tâm đắc. Vì thế, tôi chỉ luôn cố gắng cân bằng công việc.
* Là người bị ảnh hưởng nhiều bởi triết lý nhà Phật, ông nghĩ thế nào về lời dạy của Phật: "Hãy biết đủ là đủ". Với ông, thế nào là đủ?
- Không tham vọng thì không thể làm giàu. Vì nếu không có tham vọng kiếm tiền thì mình sẽ không có động lực để kiếm tiền, nhưng tôi quan niệm mình kiếm được ở mức nào thấy đủ thì nên dừng ở mức đó. Triết lý kinh doanh của tôi là "cái gì đủ trong khả năng của mình là đủ". Biết dừng lại ở ngưỡng cần thiết thì sẽ quản trị được nguồn vốn của mình để nó được an toàn lâu dài và bền bỉ. Đó cũng là cách quản trị an toàn cho DN.
* Là người đồng hành với nhiều cuốn sách viết về tâm linh, suy nghĩ của ông khi đồng hành cùng những cuốn sách ấy?
- Là một người thích đọc sách, tôi cảm nhận được những tri thức mà sách để lại có thể lưu truyền qua nhiều năm tháng và nhiều thế hệ. Vì thế, tôi luôn muốn đồng hành và hỗ trợ cho những người muốn chia sẻ tri thức qua những trang sách; đặc biệt là sách của những con người đã thấm nhuần đạo pháp, phụng sự cho đời, hay là những quyển sách về tâm linh, những quyển sách hướng dẫn cho những người đang mong muốn học hỏi thêm về Phật Pháp để mang lại những thông tin tốt, lan tỏa những điều tốt đẹp, những tư duy sống tích cực đến với mọi người.
* Gần đây ông cũng viết sách. Đó là niềm vui hay cách để ông truyền lại những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh?
- Có lẽ khi người ta lớn tuổi rồi thì sẽ dễ có điều kiện chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua mà lúc còn trẻ không nghĩ tới. Nhìn lại con đường đã đi qua, tôi thấy còn nhiều hoài bão lớn muốn làm và muốn để lại cho con cháu. Tôi không dám nhận là truyền lại cho tất cả bạn trẻ, tôi chỉ mong để lại cho con cháu mình những kinh nghiệm sống và đã trải qua để con cháu biết được ông cha trước đây đã có những hành trình trong cuộc đời như thế nào. Nếu các bạn trẻ sau này có đọc được và cảm thấy những kinh nghiệm ấy thiết thực, giúp ích được gì thì đó cũng là niềm vui, xem như là một việc gì đó có ích mà tôi để lại cho cộng đồng qua những trang sách ấy.
* Nếu muốn để lại cho con cháu một di sản gì đó, ông muốn để lại di sản gì?
- Đó là tài sản. Nhiều người nói tài sản để lại cho con cháu là vật chất sẽ không có giá trị, vì nếu con cháu không biết giữ gìn thì sẽ mất. Nhưng tôi nghĩ khác, khi mình còn trẻ, phải khởi nghiệp gian khổ từ con số 0, bây giờ có được tài sản để lại chính là bước đệm để con cháu vào đời thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, đi chung với những giá trị vật chất, tôi cũng đã và đang hướng dẫn con cháu hiểu được những giá trị phi vật chất khác thông qua các hoạt động xã hội của bản thân. Tôi mong muốn con cháu mình có thể nhìn thấy những điều hay, điều tốt mà cha ông đã làm để noi theo và phát triển tốt hơn, không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội trong tương lai.
* Ông nói khởi nghiệp từ số 0, ông có thể kể bước đầu khởi nghiệp...
- Năm 1959, cha mẹ tôi rời quê hương Bến Tre lên Sài Gòn lập nghiệp và có tôi vào năm 1963. Mẹ tôi mất vì bệnh khi tôi mới 10 tuổi. Ba năm sau, đất nước thống nhất, cha tôi và tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Long Khánh, Đồng Nai. Dù chăm chỉ và lao động vất vả, cha con tôi cũng không thoát khỏi nhiều khắc nghiệt bủa vây nên năm 1980, tôi lại phải cùng cha quay về Sài Gòn.
Cuộc sống mới tại đất Sài Gòn cũng đầy thiếu thốn, tôi phải đi làm phụ xế xe tải, chở hàng chuyến khắp các tỉnh miền Đông. Sau đó chuyển sang đi lùng mua các loại TV, radio, cassette cũ, hư về sửa chữa, tân trang cho mới rồi bán lại cho các khu chợ trời.
Những năm sau 1980, đồng tiền Việt Nam lạm phát, mọi giao dịch mua bán nhà, xe, máy móc có giá trị lớn trong thời điểm đó đều dùng vàng để thanh toán và đơn vị tính cho các giao dịch mua bán lúc đó được định bằng cây (lượng) vàng. Tôi đi học nghề thợ bạc và may mắn đã mỉm cười vì sau khi tôi học nghề được một năm thì Nhà nước dần nới lỏng quản lý và cho phép ngành nghề vàng bạc được hoạt động. Cửa hàng Vàng Mi Hồng được ra đời từ năm 1989.
Tiếp tục học thêm các phần mềm Excel, Word của Microsoft, các ngôn ngữ lập trình như PowerBuilder hay Pascal, tôi có thể viết riêng phần mềm kinh doanh cho DN của mình; học cách nối mạng LAN để nhiều máy có thể cùng truy cập và chia sẻ một cơ sở dữ liệu chung. Nhờ vậy, những năm cuối của thế kỷ XX, trong khi các DN tư nhân kinh doanh vàng còn loay hoay chưa thể phát triển mạnh vì chưa có giải pháp tốt cho quản lý, không thể tin tưởng giao số tài sản quá lớn cho người ngoài thì Mi Hồng đã có thể mạnh dạn tự tin thuê mướn nhân viên để hỗ trợ trong việc kinh doanh mua bán và mở rộng nhiều chi nhánh kinh doanh.
Khi việc kinh doanh càng mở rộng, tôi quyết định phải thay đổi để vượt qua "hạn chế" của chính mình bằng việc tập trung học chuyên ngành quản lý kinh doanh và nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị ngắn hạn cũng như những lớp mini MBA, lớp kế toán trưởng để nâng cao kiến thức quản trị, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình. Nhờ sự nỗ lực và chăm chỉ làm việc, học hỏi, tôi đã có được bước đi vững vàng và đặt nền móng cho sự nghiệp ngày hôm nay.
* Cảm ơn về những chia sẻ thú vị của ông!