Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám Đốc Chubb Life Việt Nam: "Bảo hiểm phải là thành trì bảo vệ cuối cùng trước mọi cơn bão"

Lữ Ý Nhi| 11/01/2022 05:00

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hồng Sơn - tân Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam), người đã có hơn 14 năm gắn bó với công ty trên cương vị phó tổng giám đốc. Ông Sơn vừa trở về từ Myanmar sau 2,5 năm giữ chức vụ Tổng giám đốc Chubb Life Myanmar.

* Khi đến với ACE Life (tên gọi trước đây của Chubb Life Việt Nam), ông chưa "yêu" nghề như bây giờ và cũng còn... ngần ngại phải không?

- Khi ACE Life nhận được giấy phép kinh doanh tại Việt Nam năm 2005, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) vẫn ở giai đoạn khởi đầu, mọi người vẫn nghĩ BHNT là đầu tư, là tiết kiệm, chứ không biết BHNT có mục đích chính là bảo vệ. Bên cạnh đó, phần lớn đội ngũ kinh doanh BHNT chỉ dừng lại ở chỗ tư vấn sản phẩm cho người thân và bạn bè, không được đào tạo bài bản và trang bị những kỹ năng phân tích tài chính, nhu cầu và khả năng của khách hàng.

Nhớ lại thời điểm đó, tôi đang làm việc ổn định cho một công ty nước ngoài không phải ngành bảo hiểm. Khi anh Lâm Hải Tuấn - Tổng giám đốc ACE Life Việt Nam ngày đó và Chubb Life hiện nay  - ngỏ lời mời tôi về cùng làm việc, tôi cũng băn khoăn.

Imports-1-of-3-jpeg-2068-1641963647.jpg

Sau khi nghe anh chia sẻ về kế hoạch xây dựng một công ty mới với 100% vốn nước ngoài nhưng nhân sự, kể cả ban điều hành đều là người Việt, tôi thấy hứng thú vì đây cũng là điều tôi mong muốn! Hiểu được tâm huyết của anh Tuấn với ngành BHNT tại Việt Nam, đó là đưa ngành này trở lại giá trị ban đầu chứ không sai lạc như cách nhìn của xã hội, tôi bắt đầu suy nghĩ, muốn thử sức ở lĩnh vực mới cũng là chuyên ngành tài chính, phù hợp sở trường và chuyên môn của mình.

* Và Chubb Life Việt Nam có đúng như những gì ông được thuyết phục và đáp ứng được kỳ vọng của ông?

- Một trong những giá trị khác biệt của Chubb Life Việt Nam mà tôi tâm đắc chính là chiến lược đào tạo nhân sự, giữ gìn và phát triển thế hệ tiếp nối, nhất quán trong gần 17 năm qua. Chubb Life Việt Nam là công ty 100% vốn từ Hoa Kỳ với chuẩn mực quốc tế, nhưng được điều hành bởi 100% nhân sự là người Việt và cho đến bây giờ vẫn như vậy. Bên cạnh đó, công ty vẫn đang thực hiện chiến lược "trẻ hóa" nhân lực. Hiện trong đội ngũ điều hành Chubb Life Việt Nam, thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ lớn và công ty vẫn đang mở rộng cơ hội dành cho các bạn trẻ.

Song quan trọng hơn, triết lý kinh doanh của Chubb Life Việt Nam là không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng bằng mọi giá, mà phải là công ty hoạt động có hiệu quả bền vững, giữ vững cam kết mang lại giá trị bảo vệ cho khách hàng như bản chất của bảo hiểm. Điều này giúp công ty có uy tín tại thị trường Việt Nam. 

* Nói đến Chubb Life Việt Nam, thật khó quên dấu ấn của vị tổng giám đốc đầu tiên - ông Lâm Hải Tuấn, hỏi thật ông có cảm thấy áp lực khi kế nhiệm?

- Gần 17 năm qua, Chubb Life Việt Nam dưới sự dẫn dắt của anh Lâm Hải Tuấn đã tạo dựng được nhiều thành tích đáng tự hào, thật sự là áp lực với người kế nhiệm khi phải tiếp tục gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, thị trường luôn thay đổi nên không chỉ gìn giữ, phát huy cái đã có là đủ, mà còn phải làm tốt hơn, tiếp tục đổi mới và tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mang tính khác biệt, sáng tạo. 

Với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống và mọi thứ đều phát triển thần tốc như hiện nay thì sự hiểu biết của con người chỉ là giới hạn, vì thế việc tập hợp được mọi người cùng làm việc và đóng góp ý tưởng là điều trọng yếu nhất. 

Ngày nhận nhiệm vụ mới, tôi đã nói với toàn thể thành viên: "Tôi cần mọi người hợp lực, đồng lòng với nhau!". Phải nói rằng, các bạn trẻ bây giờ rất sáng tạo, độ tuổi của các bạn trẻ hơn rất nhiều so với trước, vì thế phải khai thác được tiềm năng đó và trao cho các bạn sự tự tin, dám trình bày ý kiến. Một ý kiến đưa ra có thể đúng, có thể chưa đúng, nhưng nếu có nhiều ý kiến đưa ra, "độ đúng" của quyết định sau cùng sẽ nhiều hơn.

* Gần 17 năm giữ vị trí lãnh đạo tại Chubb Life, ông nghĩ người lãnh đạo cần áp dụng nguyên tắc gì?

- Người lãnh đạo trước hết nói xong phải làm, nếu sai phải nhận lỗi và sửa. Thứ hai phải thưởng phạt công minh. Thứ ba, tạo được động lực để mọi người cởi mở, chia sẻ ý tưởng sáng tạo, giúp đội ngũ tạo thành một khối gắn kết. Thường một người tài giỏi thì sự tự tôn cũng cao, phải giúp họ lắng nghe lẫn nhau. Nghe thì dễ nhưng làm không dễ.

Tôi tâm niệm phải "đắc nhân tâm", bên cạnh đó phải nhìn vào bản thân để biết những điều mình cần hoàn thiện. Ví dụ, tôi luôn tôn trọng sự dân chủ vì đây là điều cần thiết, nhưng tôn trọng tính dân chủ cần phải đi đôi với sự quyết đoán của người lãnh đạo. Nhiều lúc, quyết định cần phải được đưa ra dù trái ý số đông, nhưng tôi đã quyết là sẽ làm và luôn xác định được mình ra quyết định vì điều gì.

Có một câu nói tôi rất thích: "Nếu không phải là người đầu tiên, thì đừng là người thứ ba, thứ tư". Khi Chubb Life Việt Nam gia nhập thị trường thì đã có 5 công ty khác đang hoạt động nên chúng tôi phải tạo ra sự khác biệt. Mình không đi đầu về địa điểm và thời gian thì mình phải dẫn đầu trên những khía cạnh khác. Chính vì vậy, chỉ sau một năm hoạt động, năm 2006, công ty đã đưa ra sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (Universal Life - UL), tạo ra sự đột phá lớn và trở thành sản phẩm dẫn đầu thị trường từ đó đến nay.

Imports-2-of-3-jpeg-1550-1641963647.jpg

* Hai năm khó khăn vì đại dịch, ông có thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về lĩnh vực bảo hiểm không?

- Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ đều chững lại nhưng giá trị của bảo hiểm vẫn không thay đổi, mà ngược lại càng sáng tỏ. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là đến khi nhiều người muốn có bảo hiểm thì họ lại không đủ điều kiện tham gia nữa, dù trước đó họ đã được tư vấn. 

Do dịch bệnh, việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng gặp nhiều trở ngại. Dù vậy, chúng tôi phải tìm mọi cách để giải quyết nhu cầu của khách hàng, cả những người mới và khách hàng hiện hữu, ngay trong lúc khó khăn nhất.

Về phía doanh nghiệp, đại dịch cũng là một phép thử, giống như "lửa thử vàng, gian nan thử sức" vậy! Doanh nghiệp nào trụ vững trong thử thách thì sẽ có cơ hội nhanh chóng vượt lên.

* Vậy còn những áp lực về kinh doanh hay thị phần?

- Cạnh tranh là điều hiển nhiên, và mỗi công ty đều có một chiến lược riêng. Đa phần những công ty mới đều tập trung vào thị phần trước, sau đó họ sẽ điều chỉnh lại cách hoạt động, vận hành, nhân lực... Nhưng cũng có công ty đi theo chiến lược xây dựng nền móng vững chắc ngay từ ban đầu, không chạy theo tăng trưởng nóng, đồng thời không ngừng hoàn thiện trong suốt quá trình phát triển.

Với Chubb Life Việt Nam, dù tiêu chí đặt ra vẫn là tăng trưởng nhưng phải là tăng trưởng ổn định và hiệu quả, không bất chấp tất cả để đạt thị phần. Phương châm của Chubb Life Việt Nam là vững và chắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đồng thời duy trì lợi ích tốt nhất cho khách hàng! Đó là niềm tự hào và cũng là thử thách.    

* Các công ty bảo hiểm đang phát triển thêm các kênh bán hàng và chuyển đổi số, có trở ngại gì không thưa ông?

- Việc các công ty bảo hiểm phát triển thêm các kênh phân phối khác ngoài kênh đại lý truyền thống là tất yếu. Riêng với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), tốc độ phát triển phụ thuộc vào ngân hàng như sự tăng trưởng, số lượng khách hàng mới và cả sự phát triển của nền kinh tế nữa.

Bài toán đặt ra là làm sao để các kênh bán hàng khác ngoài kênh đại lý truyền thống có thể vận hành một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính nhân văn của sản phẩm BHNT. Đó chính là điều mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải bàn bạc để nhận thức của công chúng về BHNT không bị "méo mó" vì áp lực phải tăng trưởng.

Phát triển đa kênh chắc chắn phải đi cùng "chuyển đổi số" - một chiến lược có vai trò rất quan trọng mà Chubb Life Việt Nam đã tiên phong từ gần ba năm trước. Đầu năm 2019, công ty bước vào hành trình "Đơn giản hóa - Tự động hóa - Công nghệ hóa - Trẻ trung hóa". Trong đó, "công nghệ hóa" được xác định là vô cùng cần thiết vì công ty cần đón đầu những thách thức trong thời đại số. Chính sự chuẩn bị đó đã giúp Chubb Life Việt Nam tự tin hơn và kiên định với lý tưởng đặt khách hàng làm trọng tâm để mang lại lợi ích cho họ.  

* Công nghệ trong ngành bảo hiểm có thể thay thế vai trò của đội ngũ kinh doanh?

- Trong thời đại 4.0, rất nhiều người nghĩ rằng vai trò của người đại diện kinh doanh (đại lý bảo hiểm) sẽ dần mất đi nhưng hoàn toàn không đúng. BHNT là một dịch vụ đặc biệt liên quan đến con người, đòi hỏi sự tương tác giữa người với người. Đặc biệt có những chương trình, sản phẩm bảo hiểm phức tạp, nếu chỉ sử dụng công nghệ thuần túy sẽ không thay thế nổi các đại diện kinh doanh, khi họ có thể giúp khách hàng chọn được giải pháp phù hợp. Công nghệ thực chất chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho người đại diện kinh doanh, giúp tối ưu hóa quá trình tư vấn. 

Ngoài ra, một báo cáo gần đây của một tập đoàn dịch vụ tư vấn hàng đầu thế giới cho biết, tại các thị trường bảo hiểm đã phát triển, trên 95% khách hàng đồng ý mua bảo hiểm thông qua hình thức ứng dụng công nghệ số, nhưng trước khi quyết định thì hơn 70% số khách vẫn muốn gặp người tư vấn. 

* Ông vừa nói, BHNT chính là sự tương tác giữa người với người, để hiệu quả cần phải có niềm tin. Vậy Chubb Life làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa niềm tin cũng như giữ được đạo đức kinh doanh của nghề tư vấn bảo hiểm?

- Ở Chubb Life, quy trình tuyển dụng của chúng tôi bắt đầu bằng việc tìm hiểu đạo đức của ứng viên, song song với việc xem xét các tố chất khác. Ứng viên phải tham gia các khóa đào tạo bắt buộc và khi đã trở thành đại diện kinh doanh sẽ được tham gia nhiều chương trình huấn luyện chuyên sâu và nâng cao. Doanh số là kết quả của quá trình tuyển chọn và đào tạo. Chúng tôi đặt yếu tố đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, do vậy quy trình tuân thủ và kiểm soát chặt chẽ luôn được thực hiện xuyên suốt tại các cấp, từ trên xuống dưới. Chính nhờ thế, thương hiệu Chubb Life được tin cậy trong nhiều năm qua.  

Imports-3-of-3-jpeg-3147-1641963647.jpg

* Ông có dự định gì cho tương lai của Chubb Life Việt Nam?

- Đại dịch cho mọi người một trải nghiệm chưa từng có trong đời và cũng tạo ra một cú hích buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi. Trong đó, chuyển đổi số là điều bắt buộc để doanh nghiệp tạo tiền đề phát triển nhanh hơn sau đại dịch. Không dừng lại ở thành quả đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện quá trình chuyển đổi số, tiến tới mục tiêu "công ty công nghệ bảo hiểm" theo mô hình hiện đại. 

Việc chuyển đổi số giúp chúng tôi có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng các kênh phân phối hiện hữu, đồng thời bổ sung thêm những kênh phân phối mới, đặc biệt với các đối tác tiềm năng. Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt phù hợp với việc phân phối thông qua công nghệ số. 

Như đã đề cập ở trên, hai năm đại dịch giúp chúng ta hiểu được sự vững chắc của một công ty bảo hiểm là vô cùng quan trọng. Khi một gia đình chẳng may mất đi người trụ cột, công ty BHNT phải thực sự là chỗ dựa cho những người ở lại để họ tiếp tục cuộc sống.

Rất nhiều doanh nghiệp đã và đang bị phá sản, nhưng những doanh nghiệp BHNT phải là chỗ dựa vững chãi cho khách hàng và xa hơn nữa là cho nền kinh tế, sẵn sàng đối đầu tình huống ngoài ý muốn. Các công ty bảo hiểm phải có nền tảng vững để là "thành trì" bảo vệ cuối cùng trước mọi "cơn bão". Đó chính là giá trị nhân văn nhất của bảo hiểm và là lý do để Chubb Life Việt Nam tiếp tục hành trình phát triển bền vững chứ không chạy theo thành tích tăng trưởng.

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám Đốc Chubb Life Việt Nam: "Bảo hiểm phải là thành trì bảo vệ cuối cùng trước mọi cơn bão"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO