Sống khỏe

“Ông bầu” và doanh nhân làm bóng đá

Nguyễn Nguyên 13/10/2024 16:00

Sau giai đoạn thành công của bầu Đức và bầu Thắng, rất nhiều doanh nhân đến với bóng đá nhưng để được gọi bằng cái tên “ông bầu” thì rõ ràng là không đơn giản chút nào.

Bầu Đức đến với bóng đá năm 2001 xuất phát từ một doanh nhân của xí nghiệp Hoàng Anh Pleiku được lãnh đạo thể thao tỉnh nhà rủ rê “ôm” đội bóng Gia Lai ì ạch mãi ở hạng nhất. Ông táo bạo nhận lời với thỏa thuận đã giao doanh nghiệp Hoàng Anh Pleiku thì phải giao tất tần tật và để ông có quyền quyết định tất cả chứ không theo cơ chế kiểu đầu dơi mình chuột kiểu mượn doanh nghiệp đứng tên tài trợ và ủng hộ tài chính.

h1_dn_ongbau_doanhnhan_lambongda_.jpg
Bầu Đức và bầu Thắng hồi còn hạnh phúc với cách làm bóng đá của mình. Ảnh: Xuân Huy

Cũng cần biết là hồi đấy không đội nào và tỉnh nào dám làm như Gia Lai vì sinh mệnh đội bóng có khi cũng là sinh mệnh của ông giám đốc sở và lỡ doanh nghiệp thua lỗ bỏ đội bóng thì khối người mất ghế. Ông Giám đốc Sở TDTT Gia Lai khi ấy là Phạm Văn Tuấn đến nay vẫn còn nguyên cái cảm giác giao đội bóng cho doanh nghiệp với chia sẻ: “Thành công thì mình là người tiên phong nhưng thất bại thì ăn cho hết và mất nhiều thứ. Nhưng hồi đấy tôi nghĩ không đột phá như thế thì mãi mãi bóng đá Việt Nam cứ ì ạch trong cơ chế cũ, làm sao lên chuyên nghiệp thực thụ được”.

Ông Tuấn cũng thừa nhận là ông và Gia Lai may mắn vì giao đội bóng cho một người có đủ đam mê, đủ tiềm lực và đầy khát khao như bầu Đức...

Sau bầu Đức là bầu Thắng tiếp quản đội Long An vốn xập xệ ở hạng dưới cũng học từ cú đột phá của bầu Đức với tỉnh Gia Lai. Quả ngọt đến sớm với hai đội bóng có bước đột phá đầu là bốn chức vô địch quốc gia chia đều từ mùa 2003 đến 2006.

Nhưng thành tích đấy không đến mãi với hai ông bầu được xem là có tâm. Bầu Thắng có lúc “chịu không nổi” và quyết định buông tay sau 20 năm làm bóng đá còn bầu Đức thì có lúc phải tìm trợ lực từ những “đồng nghiệp” giàu tiềm năng hơn có nhiều nguồn vốn hơn.

Sau bầu Đức, bầu Thắng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhảy vào làm bóng đá nhưng để nuôi đội bóng thì hầu hết đều từ phần lợi nhuận khác đổ vào nuôi đội. Lợi nhuận đa phần từ bất động sản mà ông chủ nhận đội bóng thường có những phần ưu ái hoặc đi trước trong các dự án của tỉnh nhà. Họ gọi đấy là kinh doanh từ bóng đá dù phần đầu tư cho đội bóng không lấy từ lợi nhuận của đội (không có) mà từ phần lợi nhuận của công ty hay tập đoàn “nhận” đội bóng. Đó là lý do thỉnh thoảng người hâm mộ lại đọc được công văn xin trả đội bóng hay xin hỗ trợ kinh phí từ tỉnh nhà, từ thành phố cho đội bóng.

V-League, giải đấu hàng đầu Việt Nam rõ ràng đang “nở nồi” với những CLB chuyên nghiệp chịu chi và thậm chí là chi cả dàn HLV ngoại (trợ lý phụ trách chuyên môn) đậm chất hơn cả đội tuyển nhưng để có một CLB tự nuôi sống bản thân mình từ doanh thu bóng đá thì chưa.

Thế nên bây giờ doanh nghiệp nhúng tay vào bóng đá thì nhiều nhưng để có hai tiếng “ông bầu” như trước thì không.

Các ông bầu bóng đá rất hay “cà khịa” nhau trên sân bóng lại sẵn sàng nắm tay nhau để tìm ra hướng đi mới cho làng bóng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Ông bầu” và doanh nhân làm bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO