Mỗi lái xe phải là một chuyên gia

17/07/2013 03:45

Nhà sản xuất đã khuyến cáo về chu kỳ bảo dưỡng, nhưng lái xe cần biết điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện vận hành thực tế.

Mỗi lái xe phải là một chuyên gia

Nhà sản xuất đã khuyến cáo về chu kỳ bảo dưỡng, nhưng lái xe cần biết điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện vận hành thực tế.

>>Lắp thêm công nghệ hỗ trợ gì cho xe hơi?
>>
Smartphone cho xe hơi
>>
Các công nghệ xe hơi khiến người dùng Việt "phát khóc"
>>
Ô tô ngày càng "thông minh"
>>
Bắt đầu xử phạt “hộp đen” ô tô

Chỉ cần hiểu được những kiến thức cơ bản để có thể chăm sóc và sử dụng chiếc xe ôtô cho đúng và an toàn thì lái xe đó đã là một “tiểu chuyên gia”

Xe đang bon bon chạy thì có tiếng ồn lớn khác thường từ khoang máy rồi dần dần khựng lại. Đưa vào gara kiểm tra mới biết máy bị bó, vênh mặt máy, bị thổi zoăng quy lát, và sửa chữa tốn mấy chục triệu VND. Nước làm mát đã bị cạn mà lái xe không hề hay biết.

Sự cố đáng tiếc trên đây đã xảy ra với không ít lái xe mà Autocar Vietnam ghi nhận được trong vài năm qua, với các dòng xe khác nhau. Dù xe sang hay phổ thông, đắt hay rẻ tiền, thì mỗi chiếc ôtô cũng là sản phẩm công nghệ cao và phức tạp, yêu cầu người dùng phải có những hiểu biết tối thiểu để sử dụng đúng và an toàn nhất.

Kiểm tra và thay dầu động cơ là một trong những công việc định kỳ quan trọng nhất

Khảo sát trong số những người lần đầu tiên sở hữu ôtô ở Việt Nam thời gian qua cho thấy rất nhiều người hầu như không đọc kỹ sổ tay hướng dẫn sử dụng. Sổ tay của nhiều dòng xe nhập khẩu được viết bằng tiếng nước ngoài (phổ biến là tiếng Anh, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản) có thể khiến người sử dụng ngại tra cứu, nhưng có những người lười đọc ngay cả khi sổ tay viết bằng tiếng Việt.

Vậy câu hỏi đặt ra là nếu bạn mua xe đã qua sử dụng và sách hướng dẫn đã bị thất lạc thì sao? Câu trả lời là công cụ tìm kiếm online luôn có sẵn, hoặc bạn có thể liên hệ với đại lý chính hãng để được hỗ trợ cấp lại.

Chính vì sự lười nhác đó, không ít người tỏ ra hoang mang ngay cả với những điều đã được nhà sản xuất khuyến cáo rõ ràng trong cuốn sổ tay, chẳng hạn như “Áp suất lốp trên xe của tôi bơm bao nhiêu là tối ưu?”, “Xe của tôi đã đi 4.000km thì đã phải thay dầu máy chưa?”, hay “Hơi nước đọng trong chóa đèn sau khi trời mưa thì phải làm gì? Có phải đèn bị nước vào không?”,…

Bài viết này sẽ không nhắc lại nguyên văn những nội dung đã được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng xe, mà chỉ khuyến cáo những người ngồi sau vô-lăng về những thông tin cần thiết nhất. Bạn không có thời gian để đọc hết cuốn sổ tay dày cộp vài trăm trang, nhưng phải biết những gì cần lưu ý.

Có thể bạn chẳng quan tâm đến sự xuống cấp của cái chổi gạt mưa hay lọc gió điều hòa, vì nghĩ rằng đã có gara thân quen chăm sóc giúp. Nhưng hãy nhớ rằng có những cảnh báo khi xe đang vận hành mà chỉ cần bạn xử lý chậm nửa phút là đã có thể phải trả giá rất đắt.

Chẳng hạn như kim đồng hồ báo nhiệt độ nước làm mát động cơ chỉ đến vạch đỏ, nhưng lái xe không để ý hoặc cố cho xe chạy tiếp. Hậu quả là xe bị bó máy, vênh mặt máy, bị thổi zoăng quy lát, mà việc sửa chữa có thể tốn mấy chục triệu VND tới cả trăm triệu VND tùy loại xe.

Thời gian qua, đã không ít trường hợp xảy ra sự cố gây hậu quả rất nghiêm trọng như trên mà lẽ ra đã không xảy ra nếu người điều khiển xe phát hiện và xử lý kịp thời theo những khuyến cáo trong sách hướng dẫn sử dụng. Trong một số trường hợp, Autocar Vietnam sẽ phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này để chỉ ra cụ thể những hậu quả mà sách hướng dẫn chỉ cảnh báo chung chung là “serious damage”, “severe damage”, hay “hư hỏng nghiêm trọng”.

“Bạn không nhất thiết phải là một chuyên gia mới có thể giữ cho chiếc xe của mình được duy trì trong điều kiện vận hành tốt nhất” (trích Cẩm nang “Chiếc xe đầu tiên” của tập đoàn Ford). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chỉ cần hiểu được những kiến thức cơ bản để có thể chăm sóc và sử dụng chiếc xe ôtô cho đúng và an toàn thì lái xe đó đã là một “tiểu chuyên gia” rồi.

Những công việc thường kỳ

Đó đơn giản là việc bảo dưỡng cho chiếc xe của bạn.

Phần lớn các nhà sản xuất xe quy mô lớn trên thế giới hiện nay cũng đều đã tính đến yếu tố môi trường, điều kiện địa lý hay điều kiện vận hành để đưa ra khuyến cáo về lịch trình bảo dưỡng định kỳ cụ thể (tính theo quãng đường xe chạy hoặc thời gian sử dụng, tùy điều kiện nào đến trước).

Với điều kiện sử dụng ở Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng sẽ là điều kiện thời tiết nóng ẩm, miền Bắc có 4 mùa rõ rệt, chất lượng đường sá còn thấp, tốc độ lưu thông không đều (địa hình hỗn hợp) thì lịch trình bảo dưỡng định kỳ thường được nhiều nhà sản xuất khuyến cáo như sau:

Lưu ý rằng bảng trên đây chỉ mang tính tham khảo dành cho xe du lịch thông thường và có thể sẽ khác đối với một số hãng xe và các dòng xe đặc biệt như xe thể thao hay siêu xe. Điều quan trọng nữa là các chủ xe cần căn cứ vào tình trạng sử dụng của chính mình để có thể linh hoạt điều chỉnh rút ngắn thời gian.

Chẳng hạn, nếu thường xuyên di chuyển trong thành phố, tắc đường liên tục thì có thể phải thay dầu sau khoảng 6.000 – 7.000km hoặc mau hơn, còn các mốc bảo dưỡng cấp 1 và cấp 2 vẫn có thể giữ nguyên như bảng trên.

Với những trường hợp mua xe đã qua sử dụng, nếu không thể tin tưởng vào người chủ cũ hoặc không có thông tin về việc vận hành và bảo trì của người chủ cũ thì tốt nhất là bạn mang xe đến các gara uy tín hoặc chính hãng để tiến hành kiểm tra tổng thể trước khi sử dụng.

Tùy điều kiện nào đến trước

Xe ít đi thì bảo dưỡng định kỳ theo thời gian

Thông điệp quan trọng trong những trường hợp xe sử dụng rất ít và quãng đường chạy trong một năm có thể chẳng đáng kể.

Các chuyên gia khuyên rằng ngay cả khi xe sử dụng rất ít, thậm chí lưu kho thì sau một thời gian nhất định (điều kiện thời gian đến trước), chủ xe vẫn cần tiến hành những bảo trì định kỳ một số hạng mục như kiểm tra áp suất lốp, kiểm tra nước làm mát, thay dầu và lọc dầu bôi trơn động cơ…

Ngoài việc bảo dưỡng xe định kỳ như đề cập ở trên, người sử dụng xe ôtô cần tiến hành một số công việc định kỳ khác, vừa đảm bảo cho việc khởi hành được suôn sẻ, vừa để phát hiện và đề phòng những sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình vận hành xe.

Nhưng để làm được điều đó, mỗi người lái xe cần phải biết chiếc xe của mình như thế nào là bình thường. Câu này nghe có vẻ buồn cười, nhưng lại không hề đơn giản. Có những thứ thay đổi bạn có thể cảm nhận được bằng tai, hay mắt thường, nhưng có những thay đổi thì phải kiểm tra bằng các thiết bị chuyên dùng.

Chẳng hạn như trong khi vận hành, lái xe cần phải chú ý những tiếng kêu hay biểu hiện bất thường của xe, như xe bị rung và yếu, nhấn ga nhưng xe không tăng tốc, có âm thanh lạ phát ra từ khoang động cơ, tay lái bị nặng hoặc nhao về một bên, chân phanh bị nhẹ khác thường, phanh không ăn,… Ngay khi phát hiện thấy có những biểu hiện đó, cần nhanh chóng dừng xe vào chỗ an toàn và kiểm tra hoặc gọi người trợ giúp.

Trước mỗi chuyến đi xa, lái xe cần tiến hành kiểm tra tổng thể

Các loại lốp radial có thể bị mất tới ¼ áp suất hơi mà trông vẫn không có dấu hiệu bị xẹp xuống, nhưng đó đã là sự mất mát đáng báo động, làm cho lốp mòn không đều, tăng ma sát dẫn đến tăng tiêu hao nhiên liệu, lốp nhanh nóng và có thể nguy hiểm đặc biệt là khi vào cua.

Chính vì vậy, một trong những việc đơn giản nhất cần làm là hãy bơm lốp theo đúng áp suất khuyến cáo (ghi ở một vị trí nào đó trên xe như gần bậc bước, nắp bình xăng hay mặt bên trụ B). Mỗi lần chuẩn bị lên đường, lái xe cần nhìn lướt 4 chiếc lốp xem có gì bất thường không, đồng thời kiểm tra áp suất lốp bằng đồng hồ chuyên dùng tối thiểu 1 lần/tháng.

Hàng tháng, hoặc trước mỗi chuyến đi xa, lái xe hãy mở nắp động cơ và kiểm tra. Việc nhìn ngó hàng mớ các chi tiết lằng nhằng có thể sẽ làm bạn hoa mắt, nhưng trong số đó có ít nhất 2 thứ mà bạn cần xem là mức dầu động cơ và nước làm mát.

Để kiểm tra mức dầu bôi trơn động cơ, bạn cần chuẩn bị một chiếc khăn sạch, rút que thăm (thường có màu vàng với dòng chữ Eng Oil) và lau sạch dầu bám đầu thăm, cắm trở lại rồi rút ra luôn. Mức dầu nằm giữa khoảng đánh dấu F và L trên que thăm sẽ là mức lý tưởng.

Trường hợp que thăm được rút ra mà không có dầu bám trên đó thì tuyệt đối không khởi động động cơ. Còn tình trạng nước làm mát động cơ (Engine Coolant) thì có thể dễ dàng quan sát và đánh giá mức độ theo vạch chỉ báo ở bình chứa phụ.

Bằng mắt thường, lái xe cũng có thể kiểm tra xem có chỗ đứt gẫy nào hay rò rỉ bên trong khoang động cơ hay không. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra mức dầu trợ lực lái (Power Steering Fluid), dầu hộp số tự động (A/T Oil, nếu xe trang bị hộp số tự động) hay nước rửa kính (Washer Only). Một số dòng xe có nắp đậy khoang máy thì có thể tiến hành kiểm tra tổng thể trong những lần thay dầu và lọc dầu định kỳ.

Dầu A/T cần được chăm sóc đặc biệt

Dầu hộp số cần được kiểm tra khi máy nóng
Các dòng xe số tự động cần được kiểm tra định kỳ mức dầu hộp số (A/T Oil). Dầu hộp số tự động phải được kiểm tra khi máy nóng, còn mức dầu kiểm tra khi máy nguội (COLD) chỉ để tham khảo. Nếu thiếu dầu, các đĩa ma sát sẽ bị trượt, làm hỏng hộp số. Nếu thừa dầu sẽ gây bọt hoặc hỏng phốt cũng dẫn đến hỏng hộp số.

Dầu hộp số tự động khi mới thường có màu đỏ. Sau một thời gian sử dụng, màu dầu sẽ đậm hơn thậm chí chuyển sang màu nâu nhạt và cần được thay thế. Sử dụng sai loại dầu cũng làm hỏng hộp số tự động.

Phớt lờ cảnh báo và sự trả giá

Người ngồi sau vô-lăng cần hiểu được một cách căn bản những đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ. Hãy đọc kỹ hướng dẫn để biết các đèn hoạt động như thế nào thì bình thường.

Các nhà sản xuất đã thiết kế có chủ ý để người lái xe biết được mức độ nguy hiểm khi một chiếc đèn cảnh báo sáng lên trên bảng đồng hồ trong lúc xe đang hoạt động. Nếu đó là đèn màu đỏ, thì có nghĩa là rất nguy hiểm, còn nếu là màu vàng thì mức độ nguy hiểm thấp hơn, và lái xe có thể cho xe tiếp tục di chuyển nhưng cần nhanh chóng đến trung tâm dịch vụ uy tín để kiểm tra và xử lý.

Những đèn báo cực kỳ nguy hiểm là:

1. Cảnh báo áp suất dầu bôi trơn động cơ: Khi chiếc đèn này bật sáng, động cơ của bạn đang hoạt động trong tình trạng thiếu dầu bôi trơn, thậm chí là không có dầu bôi trơn. Cần cho xe vào chỗ an toàn và tắt máy ngay lập tức.

Nếu tiếp tục cho xe chạy, các chi tiết bên trong động cơ sẽ bị khô, lại cọ sát vào nhau ở tốc độ cao có thể gây hỏng toàn bộ bạc, trục cơ và xy-lanh. Chi phí sửa chữa có thể sẽ rất tốn kém.

2. Cảnh báo nhiệt độ nước làm mát động cơ: Chiếc đèn này báo cho bạn biết rằng động cơ đang nóng lên quá mức mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nước làm mát. Cho xe vào chỗ an toàn và để máy chạy ở chế độ không tải đến khi nhiệt độ giảm xuống dưới vạch đỏ mới tắt máy, rồi chờ khoảng 15 phút cho máy nguội và kiểm tra mực nước làm mát.

Nếu thiếu thì bổ sung thêm bằng nước tinh khiết (nước mềm), rồi kiểm tra xem có rò rỉ ở hệ thống đường ống dẫn nước làm mát hay không. Nếu không được xử lý kịp thời, máy nóng quá có thể sẽ bị bó, vênh mặt máy, thổi zoăng quy lát. Chi phí sửa chữa sẽ rất lớn.

3. Cảnh báo hệ thống nạp điện cho bình ắc-quy: Đây là dấu hiệu cho thấy máy phát trên xe đang làm việc không bình thường hoặc không làm việc, có thể do bị hỏng hay đai dẫn động máy phát bị chùng hay đứt. Xe sẽ vẫn chạy bình thường và sử dụng nốt năng lượng điện còn lại trong ắc quy.

Khi hết điện, xe sẽ không chạy được nữa. Xe sẽ chạy bình thường khi sự cố máy phát được xử lý.

4. Cảnh báo áp suất dầu hệ thống phanh: Má phanh mòn quá hoặc do rò rỉ đường dẫn dầu sẽ khiến dầu phanh bị thiếu. Dấu hiệu đi kèm có thể là đạp phanh có cảm giác mềm hơn bình thường và thậm chí là phanh không ăn.

Cảm giác chân phanh bị thụt còn có thể do hỏng một trong số các cupen phanh, làm giảm hoặc mất áp suất dầu phanh.

Những đèn báo đáng chú ý khác:

5. Cảnh báo áp suất lốp (nếu có): Khi đèn này sáng, cần nhanh chóng tạt vào lề đường chỗ bằng phẳng và tầm quan sát tốt cho tất cả các phương tiện từ các hướng khác tới và kiểm tra.

Việc thiếu áp suất lốp có thể làm cho lốp mòn không đều (cụ thể là hai bên thành lốp sẽ mòn nhiều hơn do phải chống lại sức nặng của xe), tăng tiêu hao nhiên liệu, lốp nhanh bị nóng. Thiếu quá nhiều có thể gây mất lái, mất an toàn đặc biệt khi vào cua.

6. Cảnh báo động cơ: Lỗi gì đó bên trong động cơ, cần đưa xe đến trạm dịch vụ uy tín để kiểm tra và xử lý.

7. Cảnh báo hệ thống túi khí: Hệ thống kiểm soát túi khí ngừng hoạt động, và túi khí có thể không bung khi va chạm.

8. Cảnh báo ABS (nếu có): Hệ thống phanh thông thường vẫn có thể làm việc, nhưng hệ thống kiểm soát chống bó cứng không còn hiệu lực.

Dưỡng nội thất da xe mới

Một trong những việc vô cùng cần thiết mà bạn có thể tự làm ngay sau khi mua một chiếc xe với nội thất bọc da thật là bảo dưỡng da bằng một loại kem chuyên dùng.

Bề mặt da sau khi được dưỡng sẽ trở nên mềm mại hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn, và quan trọng là tăng sự đàn hồi nên giảm nguy cơ rạn nứt trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, lớp kem còn có tác dụng như lớp bảo vệ mới, giúp da chống lại sự bạc màu do điều kiện thời tiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi lái xe phải là một chuyên gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO