Giá quá cao vì thuế và phí

CHÍ CÔNG| 09/09/2013 06:30

Giá ô tô ở Việt Nam cao gấp vài lần so với các nước vì phải gánh đến 9 loại thuế và phí cùng lúc...

Giá quá cao vì thuế và phí

Giá ô tô ở Việt Nam cao gấp vài lần so với các nước vì phải gánh đến 9 loại thuế và phí cùng lúc...

Đọc E-paper

Người Việt Nam phải mua xe đắt gấp nhiều lần so với nhiều nước
> Công nghiệp ô tô: “Ngộp thở” vì thuế!
> Sẽ giảm 50-70% thuế, phí cho ô tô?

Giá ô tô ở Việt Nam được xem là "đứng đầu bảng" đắt đỏ so với các nước trong khu vực châu Á. Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp liên doanh xe hơi, giá xe ở Việt Nam cao gấp 1,5 - 2 lần so với Thái Lan, hơn 2,7 lần so với Nhật Bản. Mức giá của ô tô tại Việt Nam cao đến mức ông Andreas Klingler, Tổng giám đốc Công ty Porsche Việt Nam phải thốt lên: "Nếu cộng cả thuế thì Việt Nam là một trong những nước có giá xe bán ra đắt nhất thế giới nhưng cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua xe tính theo đầu người".

Nhiều năm nay, các loại thuế và phí liên quan đến ô tô liên tục được điều chỉnh. Hệ quả là người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe đắt gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với nhiều nước trên thế giới, dù mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/50 của Mỹ.

Một trong những nguyên nhân khiến giá ô tô của Việt Nam tăng cao, theo các chuyên gia là do các khoản thuế, phí. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết, một chiếc ô tô tại Việt Nam (từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và lưu hành) phải "gánh" đến 8 loại thuế, phí, như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện đang ở mức 10-60% tùy từng loại xe), phí trước bạ, phí đăng ký biển số xe, phí kiểm định, phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí đường bộ. Chưa hết, ô tô còn phải chịu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì thế, trên thực tế, nhiều dòng xe lắp ráp trong nước giá chỉ thấp hơn 20% so với xe nhập khẩu. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất khó cạnh tranh với xe nhập còn người tiêu dùng thì không thể mua được xe giá hợp lý. Theo lộ trình hội nhập APFA, đến năm 2018, thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống còn 0% nhưng hiện nay các cơ quan nhà nước chỉ mới xây dựng lộ trình đến năm 2014. Ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, cần xây dựng một lộ trình cụ thể đến 2018 để các doanh nghiệp sản xuất xe hơi còn lên kế hoạch kinh doanh.

Theo ông, có nhiều yếu tố bất lợi trong cách tính thuế đối với xe nhập khẩu. Trong đó, thuế suất đánh vào linh kiện nhập khẩu (doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập linh kiện từ nước ngoài) chịu thuế từ 17-30% cao hơn so với các nước khác. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu hiện nay đang thấp hơn so với xe lắp ráp trong nước. Ở nhiều nước, thuế tiêu thụ đặc biệt được tách riêng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nên rất công bằng cho doanh nghiệp.

Trước thực tế này, để "giảm áp lực" cho xe trong nước, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp ô tô, đặc biệt là các mức thuế.

Trong đó, giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L, hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược. Bên cạnh đó áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới 2018 mới hạ về 0%. Đối với dòng xe chủ lực sẽ giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50-70% lệ phí trước bạ để kích thích tiêu dùng.

Thuế nhập khẩu sẽ được giảm theo lộ trình cam kết WTO, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng lộ trình chi tiết, hợp lý, có cân nhắc với việc phát triển sản xuất ô tô trong nước tương ứng từng giai đoạn cụ thể. Bà Cúc đề nghị nghiên cứu phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe chủ lực so với các dòng xe không khuyến khích tiêu dùng khác để khuyến khích theo định hướng phát triển công nghiệp ô tô. Bà Cúc cho rằng, một hệ thống chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Trong khi đó, VAMA mong muốn được cùng với các cơ quan hữu quan của Việt Nam có chính sách đảm bảo cho thị trường. Việc đầu tiên cùng làm là có chính sách giá ổn định và có thể dự báo được. Kế đến là xây dựng các nhà cung ứng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn làm được thì ngành công nghiệp ô tô phải đạt được sản lượng nhất định. Và điều kiện để phát triển nhà cung ứng linh kiện là quy mô thị trường và chính sách hợp lý thu hút được nhà đầu tư vào thị trường. "Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế đối với ô tô thấp hoặc bằng các nước trong khu vực. Hiện nay chi phí sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn 20% so với các nước khác. Cần tìm cách để đưa chi phí này xuống thấp hơn", ông Jesus Metelo Arias đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá quá cao vì thuế và phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO