![]() |
Trẻ em mắc bệnh đường hô hấp do ô nhiễm không khí được điều trị ở một bệnh viện tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Kết quả của cuộc nghiên cứu còn cho thấy, trẻ sơ sinh ở Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có đến 12 triệu trẻ sống ở khu vực này trong tổng số 17 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí. Con số tương tự ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 4 triệu trẻ.
"Các chất gây ô nhiễm này không chỉ tác động xấu đến sự phát triển phổi của trẻ, mà còn có khả năng gây tổn thương vĩnh viễn lên sự phát triển não bộ, và từ đó tác động lớn đến tương lai của chúng", ông Anthony Lake - Tổng giám đốc UNICEF nói.
Bất kỳ tình trạng ô nhiễm không khí nào trên mức khuyến cáo của WHO đều có thể gây tổn thương cho trẻ em, và rủi ro càng gia tăng khi chất lượng không khí trở nên dần xấu đi, UNICEF cho biết. Cụ thể, sự ô nhiễm không khí có mối tương quan chặt chẽ với bệnh hen, viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Những phát hiện khoa học về mối tương quan giữa ô nhiễm không khí với sự phát triển của não vẫn chưa được kết luận cụ thể, nhưng những dấu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy vấn đề này "thực sự là một mối quan ngại", Nicholas Rees - tác giả của báo cáo - nói với Quỹ Thomson Reuters Foundation.
"Sự phát triển của não ở giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên rất quan trọng đối với quá trình học hỏi, trưởng thành của trẻ sau này... Chất lượng giáo dục tốt rất quan trọng, nhưng sự phát triển tự thân của não cũng quan trọng không kém", Nicholas Rees cho biết thêm.
Báo cáo cho rằng, việc hít các chất gây hại trong bầu không khí bị ô nhiễm có thể gây tổn thương mô não và làm suy yếu sự phát triển nhận thức ở trẻ sơ sinh. Sự ô nhiễm không khí có liên quan đến "chỉ số thông minh (IQ) ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, trí nhớ của trẻ em, làm giảm điểm số học tập trung bình đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường và nhiều vấn đề về hành vi khác". Và điều đáng lo ngại là, những sự tác động tiêu cực này sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời trẻ.
"Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng trên toàn cầu, nếu không có các biện pháp giảm mức độ ô nhiễm và bảo vệ môi trường, sẽ có thêm nhiều trẻ em có nguy cơ chịu ảnh hưởng xấu trong những năm tới" - UNICEF cảnh báo. Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em này kêu gọi nên sử dụng rộng rãi hơn nữa các loại mặt nạ chống độc và hệ thống lọc không khí, đồng thời khuyến cáo mọi người không nên cho trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian không khí bị ô nhiễm nặng.