Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói bụi nhà máy, hoạt động giao thông... chưa khắc phục đáng kể, số ca tử vong toàn cầu do căn bệnh này được các chuyên gia y tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trong mười năm tới, kể từ năm 2019.
Thông thường, tuổi càng cao, phổi dần yếu đi, nhưng các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí sẽ càng làm tăng nhanh hơn quá trình lão hóa của phổi, và hít phải không khí ô nhiễm, khói thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phổi.
Trên thực tế, từng có các nghiên cứu về ô nhiễm không khí gây hại phổi hiếm đến mức khó tin. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mẫu không khí mà các đối tượng tham gia tiếp xúc tại nhà để ước tính mức độ ô nhiễm. Phát hiện cho thấy, những chất gây ô nhiễm gồm có vật chất dạng hạt (PM10), dạng hạt mịn (PM2,5) và nitro dioxide (NO2).
Thông thường, các chất này được sinh ra từ nhà máy nhiệt điện, khí thải công nghiệp và các phương tiện giao thông... Sau đó, nhóm nghiên cứu tìm hiểu, bằng cách nào mà tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Những dữ liệu như độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, thu nhập hộ gia đình, trình độ học vấn, tình trạng hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá của đối tượng tham gia, cũng như ảnh hưởng của nghề nghiệp, cũng được phân tích kỹ lưỡng.
Kết quả thật bất ngờ, vì từ dữ liệu cho thấy, trung bình mỗi năm mật độ PM2,5 tăng 5 microgram/mét khối (mcg/m3) trong bầu không khí tại nhà của các đối tượng tham gia, gây suy giảm chức năng phổi, tương đương với hai năm lão hóa sớm.
Khi tính toán khả năng mắc bệnh phổi, những đối tượng tham gia sống ở khu vực có mật độ PM2,5 trên mức tiêu chuẩn trung bình hằng năm mà Tổ chức Y tế Thế giới đề ra (10mcg/m3), khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của họ cao gấp 4 lần, so với những người tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà, và bằng phân nửa so với những người đã, đang hút thuốc lá. Kết quả này cho thấy, tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời có liên quan trực tiếp đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ngoài ra, những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn thì phổi của họ yếu hơn, tương đương với ít nhất một năm lão hóa sớm. Đáng lo nhất là những đối tượng thu nhập thấp có xu hướng dễ ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, tăng gấp đôi suy giảm chức năng phổi và tăng gấp ba nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, so với đối tượng thu nhập cao, ở cùng điều kiện tiếp xúc không khí ô nhiễm.
Qua xem xét việc hút thuốc lá của đối tượng tham gia và nghề nghiệp của họ khiến phổi suy yếu, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự chênh lệch trên có thể liên quan đến chất lượng sống, chế độ ăn uống kém, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hoặc hoàn cảnh sống, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi từ thời thơ ấu.
Tuy nhiên, các đánh giá này cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ khẳng định này. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp xúc không khí ô nhiễm đối với sức khỏe con người, vì khả năng làm giảm tuổi thọ, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.