Nữ giám đốc kinh doanh máy móc bằng sự lãng mạn

LỮ Ý NHI thực hiện| 10/08/2016 00:04

Hơn hai mươi năm kinh doanh máy móc công nghiệp, nữ doanh nhân Lương Thị Xuân khiến nhiều người nể phục vì sự quyết đoán, mạnh mẽ, phóng khoáng lại cũng vừa rất lãng mạn, nhân văn.

Nữ giám đốc kinh doanh máy móc bằng sự lãng mạn

Hơn hai mươi năm kinh doanh máy móc công nghiệp, nữ doanh nhân Lương Thị Xuân khiến nhiều người nể phục vì sự quyết đoán, mạnh mẽ, phóng khoáng lại cũng vừa rất lãng mạn, nhân văn. 

Đọc E-paper

Hai mươi lăm năm độc quyền phân phối thiết bị máy móc công nghiệp cho 40 hãng sản xuất nổi tiếng thế giới như: Blackmer, Haskel, Actaris, Ninnelt, Hydra-cell, Cat Pump, Siemens, Hama laser, Regal..., đặc biệt là các thiết bị cho ngành dầu khí, hàng không với hơn 7.000 khách hàng, không ai nghĩ Giám đốc Công ty TNHH TM Thiết bị công nghệ Gia Khương Lương Thị Xuân lại là một phụ nữ tốt nghiệp ngành luật, "công dung ngôn hạnh" vẹn toàn. Càng ngạc nhiên hơn nữa là ngoài tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ, bà còn là một người khá... lãng mạn, thích văn thơ, nghệ thuật với triết lý sống, kinh doanh luôn hướng tới hai chữ "nhân văn". 

Ảnh: Quý Hòa

Bà giải thích: "Con người chính là "cái nhân" của xã hội và là động lực, mục tiêu để mọi hoạt động trong xã hội hướng đến. Bác Hồ đã từng nói: "Con người làm nên tất cả”. Vì vậy, khi "cái nhân" tốt thì sẽ có một xã hội tốt, một đất nước phát triển bền vững. Đó cũng là lý do để tôi chọn triết lý sống và kinh doanh vì mọi người.

Quy luật rất công bằng, khi mình sống vì mọi người thì mọi người cũng sẽ sống vì mình. Nhưng muốn sống vì mọi người, trước hết mình phải là người có trình độ, tư duy, có sản phẩm tốt... Vậy nên suốt 25 năm qua, tôi luôn sống, học hỏi và làm việc hết sức mình, chăm chỉ và nghiêm túc để trở thành một người tốt, làm được nhiều điều tốt, từ đó sẽ có nhiều người tốt và việc tốt khác được nhân rộng".

* Đầu năm 2016, được Văn phòng Ban dân tộc TP.HCM và Liên hiệp Khoa học Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam trao tặng danh hiệu "Doanh nhân có đóng góp tích cực cho cộng đồng và phát triển kinh tế” nhưng bà vẫn nói còn nhiều việc phải làm để theo đuổi triết lý sống này cũng như xứng đáng với danh hiệu được trao...

- Tất cả những gì tôi làm hôm nay đều học từ ba tôi. Ông là người luôn sống vì người khác và hay giúp đỡ người nghèo. Được nhìn thấy nhiều việc làm thiện nghĩa của ba nên ngay từ nhỏ tôi cũng đã có những suy nghĩ, việc làm hướng về cộng đồng và xã hội như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, góp tiền quà sáng để giúp các bạn nghèo.

Tôi tham gia thanh niên xung phong cũng từ tinh thần đó. Suốt 25 năm qua, ngoài công việc kinh doanh, tôi luôn nghĩ đến xã hội và đã làm được nhiều việc thiện nghĩa. Mỗi khi rảnh tôi thường đến Châu Long Tự trên núi Minh Đạt (Long Hải - Vũng Tàu) để tĩnh tâm và không khỏi trăn trở khi thấy người dân ở đây còn quá nghèo, có người chỉ có một bộ quần áo, những ngư dân cả năm trời mới có được một triệu đồng để sống cả tháng, trẻ em thì thất học...

Ước mơ của tôi là Gia Khương sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài để có thể tạo ra nhiều thiết bị, công nghệ "made in Việt Nam", đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và dầu khí - ngành phát triển đột phá của kinh tế Việt Nam. Để thực hiện được ước mơ này thì con người là yếu tố quan trọng cần phát triển.

Vì vậy, chiến lược kinh doanh của Gia Khương năm nay và những năm tới sẽ tập trung cho công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư hàng không. Tôi đã được một số công ty và Đại học New Castle của Anh (chuyên đào tạo đội ngũ kỹ thuật cho ngành hàng không thế giới) chỉ định làm đại diện để tuyển sinh và làm thủ tục (miễn phí) cho các sinh viên Việt Nam sang Anh học tập, đồng thời giới thiệu các em vào làm việc, thực tập ở các công ty nước ngoài sau khi ra trường.

* Chọn lĩnh vực kinh doanh khô khan và không hợp chuyên ngành, bà có thấy vất vả?

- Chưa bao giờ tôi cảm thấy vất vả, bởi đây là con đường tôi đã xác định khó mấy cũng chỉ được đi tới, không được dừng giữa đường. Dù thời gian đầu mọi việc không trơn tru nhưng nhờ tính kỷ luật, dám nghĩ dám làm vốn được rèn từ thời là thanh niên xung phong, cộng với lời Bác dạy: "Không có việc gì khó - quyết chí ắt làm nên" đã cho tôi sự quyết tâm, kiên trì để theo đuổi con đường đang đi.

Nói tôi chọn lĩnh vực này là không đúng, bởi khi đã chọn thì phải hiểu, phải thích, còn tôi bén duyên với máy móc công nghiệp chỉ vì thấy đây là lĩnh vực Việt Nam rất cần nhưng lại đang thiếu.

Vào những năm đầu thập niên 80, khi sản xuất bàn ghế song mây xuất khẩu và tham dự các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm Việt Nam sang thị trường Bắc Mỹ, tôi thấy hàng Việt Nam rất được ưa chuộng nhưng chỉ có thế mạnh về hàng thủ công, còn công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất thì vẫn còn khoảng cách khá xa với các quốc gia trên thế giới.

Nhìn xa hơn, các nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam trước đây giờ đã phát triển mạnh nhờ ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, phải nhanh chóng mở rộng quan hệ với các hãng công nghệ có uy tín trên thế giới để đưa máy móc về phục vụ sản xuất trong nước.

Để thực hiện hướng đi này, việc đầu tiên là tôi phải đi học và tìm hiểu về công nghệ, cơ khí. Nói thì dễ nhưng để biết, để hiểu hết các loại thiết bị chuyên dụng, các thông số và các từ chuyên môn của hơn 200 ngành công nghiệp nặng và nhẹ, kể cả công nghiệp hàng không và vũ trụ là cả một quá trình phải học, phải tìm hiểu rất chăm chỉ và đam mê, không chỉ trên lý thuyết mà phải học hỏi từ khách hàng, nhà cung cấp...

Và tôi tập trung vào các sản phẩm cho ngành công nghiệp cơ bản, dầu khí và công nghiệp hàng không, đây là những ngành Việt Nam đang cần phát triển và cả thế giới cũng đang chú trọng.

* Và bù lại, sản phẩm của bà có đầu ra thuận lợi vì thị trường lúc mở cửa đang thiếu sản phẩm?

- Ngược lại, đây lại là thời kỳ khó khăn nhất vì lúc đó ít ai hiểu giá trị của công nghệ nên không ai mua sản phẩm. Mất ba năm hàng nhập về nằm yên một chỗ, trong khi lương nhân viên vẫn phải trả, bộ máy phải duy trì và phải tiếp tục đầu tư chi phí đào tạo cho đội ngũ nhân viên bảo hành, làm dịch vụ hậu mãi cũng như chịu đựng áp lực doanh số từ nhà cung cấp.

Song tôi vẫn kiên nhẫn, dù đầu ra chưa có nhưng vẫn chấp nhận đầu tư, tiếp tục nhập sản phẩm để đón đầu nhu cầu và chấp nhận bị "chôn vốn". Hiện, số lượng hàng tồn kho của các sản phẩm bơm chân không đặc trưng cho ngành thực phẩm, Actuator cho giàn khoan, hộp số tăng giảm tốc độ mô tơ quay... vẫn còn trên 200.000USD. Nhờ kiên trì, chỉ sau ba năm, sản phẩm bắt đầu lưu thông, sau 5 năm có hiệu quả về doanh số và sau 10 năm thương hiệu Gia Khương đã trở thành thân thuộc và có uy tín trong ngành.

* Khó khăn như vậy nhưng bà vẫn đầu tư kinh phí để đào tạo đội ngũ nhân viên. Bà không ngại đào tạo xong nhân viên lại... ra riêng?

- Đó là quy luật và tôi ủng hộ, bởi có nhiều doanh nghiệp cùng làm thì ngành này mới phát triển, xã hội cũng sẽ phát triển. Hiện nay có khoảng 50 công ty đang hoạt động thành công đều xuất thân từ Gia Khương. Do thị phần và lĩnh vực cung ứng của Gia Khương rất lớn nên đa số các công ty này đều là chân rết của Gia Khương và tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những gì mình làm đã mang lại hiệu quả cho xã hội. Vì vậy, tôi vẫn và sẽ tiếp tục đào tạo và Gia Khương vẫn là chiếc nôi cho ra lò nhiều nhân viên lành nghề và yêu nghề.

* Hỏi thật, lúc đó bà có lo lắng và nghĩ đến thất bại?

- Còn nhớ thời đi học, thầy giáo có hỏi: "Trong toán học có dấu cộng và trừ. Vậy các em thích dấu cộng hay dấu trừ?", trong khi đa số các bạn trả lời thích dấu cộng thì tôi lại thích dấu trừ. Tôi giải thích: "Nếu con bước ra đời với xuất phát điểm là dấu cộng thì con sẽ bị mất đi. Còn nếu con bắt đầu bằng dấu trừ thì con sẽ chỉ có thêm và nếu mất thì cũng trở về ban đầu. Vì vậy, đừng ngại thất bại và nếu có thì đó cũng là dấu cộng để cho mình thêm kinh nghiệm, tránh được những vấp ngã về sau.

* Hai mươi lăm năm trên thương trường và được gọi là "người phụ nữ mạnh mẽ và nguyên tắc", bà có thấy "chất lãng mạn" của mình mất đi?

- Mặc dù trong công việc tôi là người mạnh mẽ, cứng cỏi và làm việc rất nguyên tắc, kỷ luật, thậm chí khe khắt đến khó tính nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, tôi lại là một người lãng mạn, có thể ngồi hằng giờ với bạn bè, người thân để chỉ nói chuyện văn chương, ngẫu hứng làm thơ hoặc đàn cho họ nghe. Nhờ lãng mạn tôi mới làm kinh doanh được và theo đuổi ngành công nghệ máy móc suốt 25 năm qua.

Với một người làm kinh doanh, bài toán hằng ngày phải đối mặt còn là những con số, thậm chí là những con số âm. Vì vậy, để cân bằng thì âm nhạc, nghệ thuật và thơ ca chính là điểm tựa tinh thần của tôi. Một chút trải lòng lãng mạn với âm nhạc, nghệ thuật, thơ ca sẽ giúp mình thư giãn, thoải mái và tái tạo được năng lượng để tiếp tục bắt đầu một công việc mới. Chưa kể, sự lãng mạn còn khiến mình trở nên mềm mại và thân thiện hơn trong giao tiếp với khách hàng.

* Bà có đồng quan điểm với ý kiến cho rằng phụ nữ làm kinh doanh thường phải chịu nhiều thiệt thòi và phải hy sinh nhiều thứ của riêng mình?

- Trong công việc và cuộc sống, nếu mình làm đúng, sống đúng, cho đi nhiều thì sẽ nhận lại vô bờ những điều tốt đẹp. Bản thân tôi luôn chia sẻ, cởi mở và trân trọng mọi người, từ bác gác cổng, anh lái xe, chị lao công cho đến anh kỹ sư, đối tác, khách hàng... Cũng có đôi khi phải hy sinh nhiều thứ của riêng mình nhưng tôi cũng nhận được nhiều sự yêu thương và bù đắp lớn hơn về tinh thần của bạn bè, người thân và xã hội.

* Bà cho rằng giá trị lớn nhất của một người làm kinh doanh là chữ tín nhưng trong kinh doanh rất khó để có sự trung tín tuyệt đối?

- Đối với tôi, không trung tín thì không làm được gì, nhất là trong kinh doanh, nó chính là chiếc thang để mình leo lên đỉnh sự nghiệp. Vì vậy, chỉ cần đánh mất chữ tín một lần thì khó có cơ hội để lấy lại uy tín và đi đến đỉnh cao. Song, để giữ chữ tín không hề dễ dàng bởi trên đường đi vẫn có thể mắc sai lầm. Chỉ khi nhắm mắt mới xác định mình đã hoàn tất chữ này một cách trọn vẹn hay chưa nên luôn phải tỉnh táo và nghiêm khắc với bản thân để tránh những cám dỗ và sai lầm.

* Hai mươi lăm năm qua, điều gì trong kinh doanh đã làm được khiến bà tự hào?

- Đó là một bước đi dài mà tôi đã hết sức kiên trì, bền bỉ và bây giờ đang mang lại hiệu quả kinh tế và sự hữu ích cho xã hội, từ việc đem công nghệ về ứng dụng trong nông nghiệp đến đa dạng các ngành công nghiệp và công nghiệp hàng không.

Đơn cử năm 1995, khi Công ty Gốm sứ Minh Long 1 sử dụng bơm màng do tôi cung cấp đã giảm tỷ lệ hao hụt từ 70% xuống còn 5 - 10% và tăng chất lượng sản phẩm. Cũng năm này, cột mốc đáng tự hào là khi Tổng giám đốc Kraft House Group - một tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không của Anh đã sang Việt Nam giao cho tôi làm giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và làm đại diện cho Tập đoàn tại Việt Nam.

* Khi hỏi về bà, nhiều đối tác nước ngoài tỏ ra rất khâm phục, họ gọi bà là "super woman", bà có thấy tự hào?

- Tôi chỉ thích được gọi là người phụ nữ Việt Nam đẹp. Chữ "đẹp" này mang ý nghĩa rất rộng, không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp về công dung ngôn hạnh, đẹp cả tâm hồn, nhân cách...

* Trong rất nhiều cái giàu, giàu tiền bạc, giàu bạn bè, giàu tình cảm, giàu trí tuệ..., bà muốn đạt được cái giàu nào?

- Tôi thích giàu trí tuệ để có thể chia sẻ kiến thức cho người nghèo, giúp họ thoát nghèo.

* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện cởi mở.

>DN Mai Triều Nguyên: Si mê, liều mạng và khởi nghiệp

>GĐ Mỹ phẩm Anh Đào: Muốn làm nghề phải có tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nữ giám đốc kinh doanh máy móc bằng sự lãng mạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO