Nơi "sơn cùng thủy tận"

TRẦN THẾ DŨNG*| 14/02/2018 03:09

Nằm tại vòng cung Tây Bắc, Lai Châu - vùng đất được xem như nơi "sơn cùng thủy tận" của đất nước - là một trong những nơi sở hữu phong cảnh hoang dã bậc nhất còn sót lại.

Kẻng Mỏ (Lai Châu) - nơi Sông Đà chảy vào đất Việt

Kẻng Mỏ (Lai Châu) - nơi Sông Đà chảy vào đất Việt

Cột mốc A Pa Chải (Điện Biên) - Giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc

Cột mốc A Pa Chải (Điện Biên) - Giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc

Với người làm du lịch, mỗi khi nhắc tới Tây Bắc, ai cũng nghĩ ngay đến di tích lừng danh Điện Biên Phủ cùng những danh thắng tiêu biểu như Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), cao nguyên Mộc Châu ( Sơn La), thung lũng Mai Châu (Hòa Bình). Tây Bắc cũng là nơi sinh sống của các dân tộc như Thái trắng, Thái đen, Hà Nhì, Lự, Khơ Mú, H'Mông, Dao, Mường... 

Có thể thấy, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan du lịch địa phương đã có nhiều chương trình khảo sát, liên kết nhằm phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Tây Bắc. Đồng thời, các cơ quan du lịch địa phương cũng đã tăng cường công tác quảng bá, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và sáng tạo ra nhiều loại hình du lịch độc đáo.

Tuy nhiên, lượng khách đến Tây Bắc vẫn chưa tương xứng với những nỗ lực bỏ ra. Khách du lịch thường tăng đột biến vào những dịp lễ hội rồi sau đó lại sút giảm mạnh.

Ngoài ra, lượng du khách đến với các địa phương còn rất chênh lệch. Nơi nào được lợi thế sẵn có, cảnh quan độc đáo, đường sá thuận lợi thì khách đến đông đảo, thậm chí quá tải, còn ở nơi khuất nẻo hoặc cơ sở hạ tầng yếu kém, thì dù cảnh đẹp đến mấy cũng phải chịu cảnh vắng khách. Với những du khách đã một lần đến vòng cung Tây Bắc thì khó trở lại lần 2 bởi tâm lý nhàm chán.

Do vậy, để vòng cung Tây Bắc tăng thêm sức hấp dẫn, cần nhiều sự quan tâm và đầu tư phát triển du lịch vào tỉnh Lai Châu - vùng đất được xem là "sơn cùng thủy tận" của Tây Bắc, nơi có phong cảnh hoang dã bậc nhất còn sót lại. Ngoài ra, Lai Châu có vùng biên cương Kẻng Mỏ - Ka Lăng - nơi sông Đà hùng vĩ chảy vào đất Việt. Và, trong suốt cuộc hành trình dài 232 km chảy vào địa phận Lai Châu, con sông này gắn liền với hình ảnh bản làng dân tộc Hà Nhì, Si La, Máng, La Hủ...

Đường lên cột mốc A Pa Chải  Điện Biên) - điểm cực Tây Tổ quốc

Đường lên cột mốc A Pa Chải Điện Biên) - điểm cực Tây Tổ quốc

Dân tộc La Hủ hay còn gọi là dân tộc Lá Vàng, trước đây sống rải rác, lại quen với tập quán du cư, du canh nên xa lánh với mọi dân tộc chung quanh. Để có nơi trú ngụ, họ dựng lán tạm bợ, phía trên lợp lá. Đến khi lá vàng lại chuyển đi nơi khác. Cách nay hơn 10 năm, được sự giúp đỡ và vận động của Nhà nước, các hộ gia đình mới về quy tụ lập thành 3 bản ở huyện biên giới Mường Tè - Lai Châu.

Mà nào chỉ có sông Đà, Lai Châu còn sở hữu cao nguyên Sìn Hồ, hệ thống hang động Pu San cát, Tiên Sơn, những bản làng du lịch cộng đồng Nà Luồng, bản Hon của dân tộc Lự, Lào...

Hơn thế nữa, những thắng cảnh trên kết nối với các điểm đến thuộc các tỉnh lân cận rất thuận lợi. Thí dụ như sau khi thăm cột mốc 18(2) – Kẻng Mỏ - nơi sông Đà chảy vào đất Việt, khách có thể đi tiếp chặng đường Pác Ma - Mù Cả (Mường Tè - Lai Châu ) - A Pa Chải (Mường Nhé - Điện Biên) dài non 100 km để đặt chân đến cột mốc ba nước Việt Nam -Lào - Trung Quốc, nơi được ví là điểm cực tây của Tổ Quốc.

Đặt chân tới Kẻng Mỏ, khi được đứng bên cột mốc chủ quyền và nhìn sông Đà bên đục, bên trong chảy cuồn cuộn vào đất Việt giữa không gian mênh mông núi rừng hoang dại với những người lính ngày đêm lặng lẽ bảo vệ biên cương như người ẩn sĩ, chúng tôi mong muốn ngành du lịch Lai Châu sẽ sớm xây được một cột cờ khang trang tại cột mốc 18(2) hay tu sửa hoặc đầu tư hẳn con đường bê tông thay thế con đường công vụ (đã hư hỏng nặng) từ ngã ba Nậm Lằn (đồn biên phòng Ka Lăng) đến trạm biên phòng Kẻng Mỏ. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho bà con miền xuôi lên thăm nơi địa đầu Tây Bắc, giống như cột cờ Lũng Pô - Lào Cai điểm mốc sông Hồng chảy vào đất Việt, cột cờ Lũng Cú - Hà Giang điểm cực bắc tổ quốc, A Pa Chải - Điện Biên...

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì tại huyện Mường Tè, Lai Châu

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì tại huyện Mường Tè, Lai Châu

Du khách trên dòng Sông Đà

Du khách trên dòng Sông Đà

Về mặt địa lý, đoạn sông Đà chảy vào lãnh thổ Việt Nam dài 527 km và đã được ngăn dòng bởi 3 công trình thủy điện gồm Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Nhờ vậy đã tạo nên những khu vực lòng hồ mênh mông phẳng lặng, cùng những thủy lộ thông thương qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tận dụng lợi thế này, từ lâu tỉnh Hòa Bình, Mường Lay - Điện Biên, Sơn La đã xây dựng tuyến du lịch đường thủy để khai thác khách tham quan các điểm đến chung quanh lòng hồ và đã gặt hái nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, ngành du lịch các địa phương chưa chú trọng đến tuyến đường xa vốn nhiều cảnh đẹp say đắm lòng người. Trong đó đoạn từ huyện Nậm Nhùm (Lai Châu) qua Mường Lay (Điện Biên) đến Quỳnh Nhai (Sơn La) dài hơn 100 cây số là khúc đẹp nhất, bởi cảnh quan thiên nhiên đôi bờ hầu hết là núi non trùng điệp mờ sương, những hẻm núi đá vôi với vách đá sừng sững, từng một thời có tiếng là hiểm trở và hung dữ của sông Đà, như ngòi bút miêu tả của nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt mấy năm...

Quang cảnh non nước hữu tình trên Sông Đà

Quang cảnh non nước hữu tình trên Sông Đà

Nếu thủy lộ này được đưa vào khai thác du lịch, chẳng những ngành du lịch tỉnh Lai Châu sẽ có thêm một sản phẩm du lịch đường sông độc đáo thu hút cả khách nội địa lẫn khách nước ngoài mà còn góp phần cho du lịch Tây Bắc thêm phong phú, đa dạng.

Một du khách sống ở hải ngoại đã từng viết cảm tưởng sau chuyến đi sông Gâm (Đông Bắc) và sông Đà (Tây Bắc): "...sông Gâm, sông Đà là những dòng sông đẹp tuyệt vời, đến độ mê đắm".

Để loại hình du lịch đường sông được phát triển bền vững, rất cần ngành du lịch các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La cùng hợp tác định hướng, quy hoạch, hình thành các tuyến điểm tham quan đồng thời xây dựng các bến thuyền và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân đầu tư du thuyền hoạt động đường dài cùng các loại hình dịch vụ phụ trợ.

Quang cảnh non nước hữu tình trên Sông Đà

Quang cảnh non nước hữu tình trên Sông Đà

Lai Châu không chỉ có những cảnh đẹp tuyệt vời mà còn là nơi chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Hiện tại, trong địa phận huyện Nậm Nhùm nằm ven sông Đà phía tả ngạn, ngoài di tích văn bia ghi nhớ sự kiện tháng Chạp năm Tân Hợi (1431) của vua Lê Thái Tổ thân chinh thảo phạt kẻ phản loạn vùng biên ải, địa phương còn có phế tích dinh thự của "Vua Thái" Đèo Văn Long đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1980.

Tuy nhiên, cho đến nay, di tích này vẫn trong tình trạng bỏ phế, không người chăm nom. Thiết nghĩ dù chỉ là phế tích, nhưng ngành du lịch không nên để thời gian "bức tử" nó mà cần có kế hoạch bảo vệ, giữ gìn, bởi dinh cơ này ghi dấu giai đoạn người dân Tây Bắc thống khổ dưới sự cai trị của Đèo Văn Long và là một điểm du lịch rất đáng đến của du khách.

Đã có nhiều bài báo ví von Lai Châu là "mỏ vàng" về du lịch nhưng hiện tại để làm du lịch thì Lai Châu không thể chỉ có vài khách sạn, vài bản làng du lịch cộng đồng. Vì vậy rất cần ngành du lịch địa phương trước mắt thiết lập, xây dựng các điểm đến, đồng thời quảng bá, kêu gọi các công ty lữ hành mở tuyến tham quan. Đó cũng là bước đệm và là đòn bẩy để các nhà đầu tư du lịch nhảy vào sau này.

*CEO Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nơi "sơn cùng thủy tận"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO