Nỗi lòng của tô mì xứ Quảng

HỒNG BÍCH| 07/12/2013 08:20

Hôm dự lễ công nhận kỷ lục tô mì Quảng lớn nhất ở Bảo tàng Không gian Kiến trúc Việt (Điện Bàn - Quảng Nam), tự nhiên nghĩ, đặc sản bây giờ không còn chậm rãi đi theo bước chân dẻo dai của các cô gánh hàng rong.

Nỗi lòng của tô mì xứ Quảng

Hôm dự lễ công nhận kỷ lục tô mì Quảng lớn nhất ở Bảo tàng Không gian Kiến trúc Việt (Điện Bàn - Quảng Nam), tự nhiên nghĩ, đặc sản bây giờ không còn chậm rãi đi theo bước chân dẻo dai của các cô gánh hàng rong.

Đọc E-paper

Mì Quảng Phú Chiêm, Điện Bàn xưa theo chân hàng gánh chạy bộ xuống Hội An, chạy ngược ra Phủ Thanh Chiêm bán cho dân hàng chợ, lâu dần mới thành đặc sản mì Quảng Phú Chiêm. Quãng đường thành đặc sản cũng mất đến gần 300 năm, với hàng chục thế hệ phụ nữ gánh mì mới thành thương hiệu.

Lớp hậu sinh với công nghệ làm thương hiệu đã làm khác, làm rất nhanh. Chủ nhân của tô mì Quảng đạt kỷ lục Guinness chỉ dụng công đổ tiền xây một khu du lịch văn hóa, đánh bóng món ăn quê hương bằng cách đúc một cái tô khổng lồ có đường kính hơn 1m, đưa tô mì khổng lồ ấy đến lễ hội và nhận kỷ lục là tô mì Quảng lớn nhất.

Sau động thái vinh danh và đánh bóng thương hiệu cho mì Quảng Phú Chiêm, chủ nhân học hết bí kíp gia truyền của nghệ nhân, rồi giao nó cho một đầu bếp có hạng về ẩm thực châu Á quản lý. Nó đã chính thức đại diện cho nền ẩm thực đậm đà và nhuốm màu bảo thủ nhất miền Trung.

Ai cũng thừa nhận những người mê mì Quảng Phú Chiêm có cái lưỡi bảo thủ nhất xứ. Ở Sài Gòn hay đi ra nước ngoài, trở về đất Điện Bàn hay Hội An, việc đầu tiên là kêu tô mì Quảng Phú Chiêm ăn cho đã thèm cái sợi mì vừa dai vừa mềm, thơm nức mùi dầu đậu phụng, vị thơm đó được kèm với rau sống trồng ở vùng Trà Quế, với con tôm bắt ở sông Thu Bồn và bánh tráng mè gạo mới.

Nhưng còn một thứ mà vừa nhìn thấy là người Quảng thấy thèm mì Quảng ngay, đó là trái ớt xanh hái lúc còn hơi non, có vị cay nhẹ và nhai giòn, ăn kèm với mì tạo nên vị thơm nồng cho tô mì xứ Quảng. Đi ăn ở nơi khác, không có trái ớt xanh đó, tô mì bỗng lạt lẽo, vô duyên.

Vì thế, chỉ có ớt xanh dân Quảng Nam trồng phía hạ lưu sông Thu Bồn được cái vinh hạnh lên máy bay đi khắp cả nước. Người miền Bắc, người Sài Gòn đều mê vị ớt xanh đã làm nên cái mùi thơm của mì Quảng.

Có nhà văn, nhà thơ vào lập nghiệp lâu năm ở đất Sài Gòn, lúc thư thả mở quán chỉ dám đề bảng "Mì Quảng", nhưng nếu thấy có khách nói thứ tiếng nằng nặng âm điệu Quảng Nam, hẳn ông chủ lại ra giới thiệu đầy hãnh diện:

"Chỗ này chuyên mì Quảng Phú Chiêm, Điện Bàn đó”. Mì Quảng bảo thủ vì không giống như phở, đi đâu về đâu cũng vẫn thế, không biến tấu thêm giấm, thêm đường, thêm giá đỗ, hay tương ớt.

Người Quảng xưa mỗi mùa nước lớn lại đổ gạo ra xay tráng bánh làm mì cho có việc trong khi chờ nước lụt rút để dọn nhà. Nay cũng mùa lũ lụt, con nước có sự hùn hạp khủng khiếp của xả lũ thủy điện, chỉ thấy người ta gồng gánh dắt bò, dẫn con chạy lụt nheo nhóc thảm thương, có được mì gói ăn đỡ cùng nước lạnh là may rồi, đâu còn cái cảnh thanh bình ngồi trên sàn gác cao, thòng một chân xuống con nước đang dâng mà ăn tô mì cá lóc, thứ cá sinh sôi nảy nở theo con lũ vào tận nhà.

Mỗi lần nghe tin báo nước dâng, lại nhớ nhung tô mì Quảng năm xưa biến tấu theo cá, tôm trong nước làm ấm lòng người một mùa lũ về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lòng của tô mì xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO