Những nhận định và dự báo này chủ yếu tập trung vào nền kinh tế Mỹ và các đối tác, trong đó nổi bật là 2 nền kinh tế đang trỗi dậy: Trung Quốc và Ấn Độ.
Kinh tế Mỹ sẽ vươn lên rồi sa sút trầm trọng, nợ liên bang sẽ tăng cao
Theo dự đoán của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tổng sản lượng nội địa (GDP) của nền kinh tế Mỹ sẽ tăng lên 2,5% trong năm 2018, nằm trong mức lý tưởng từ 2% đến 3% đối với một nền kinh tế tiên tiến. Trong khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump đã hứa sẽ nâng tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Mỹ lên 4%, song tỷ lệ này nếu đạt được sẽ sớm dẫn một chu kỳ suy yếu tiếp theo đó, và sự thoái trào sẽ bắt đầu diễn ra vào năm 2020.
Năm 2018, nợ công của Mỹ đã vượt quá 21.000 tỷ USD, đòi hỏi từ nay đến năm 2021, ngân sách liên bang phải cắt giảm 10%. Tổng thống Donald Trump hứa hẹn cắt giảm bớt khoản nợ công này, song theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, chính sách tài chính của ông sẽ làm tăng thêm 5.300 tỷ USD nợ công nữa, khiến cho nợ công lên đến mức 102% GDP, trong khi mức tối đa do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề ra chỉ là 77% GDP.
Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao tại Mỹ
Đó là một trong những hệ quả của việc Tổng thống Donald Trump hủy bỏ chương trình Obamacare, đánh thuế lên những người không có bảo hiểm y tế. Năm 2019, khi sự hủy bỏ có hiệu lực, sẽ có 13 triệu người không được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe.
Chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tăng cao, nhiều gia đình có thu nhập thấp, không bảo hiểm y tế, sẽ phải sử dụng thường xuyên phòng cấp cứu của các bệnh viện.
Trung Quốc sẽ bành trướng thế lực toàn cầu
Sự suy yếu của nền kinh tế số 1 thế giới (Mỹ) sẽ là cơ hội để nền kinh tế số 2 thế giới (Trung Quốc) vươn lên. Tỷ lệ tăng trưởng của nước này đã từ 2 con số giảm còn 7%/năm, song cũng đủ cho Trung Quốc đe dọa vị thế của Mỹ. Hiện nay, nợ của Mỹ với Trung Quốc cao hơn với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại vừa khởi phát giữa 2 nước sẽ khiến cho sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc còn là một ẩn số.
Đồng đô la Mỹ sẽ suy yếu trở lại
Sau khi tăng lên 25% vào những năm 2014 và 2015, giá trị đồng USD giảm sút dần. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn về nợ công của nước Mỹ, họ sợ rằng chính quyền Washington sẽ tiếp tục giảm giá đồng USD để nợ công nhẹ bớt. Họ sẽ quay sang những đồng tiền mạnh khác, trong đó có đồng euro.
Đồng USD suy yếu sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng, giá hàng xuất khẩu giảm, tác động bất lợi lên mức tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Giá dầu hỏa và khí đốt sẽ tăng
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ vừa đưa ra một nhận định về những năm 2018 - 2040. Theo họ, giá dầu hỏa sẽ ở mức 57 USD/thùng trong năm nay, song do Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu hỏa (OPEC) đang hạn chế khối lượng sản xuất, đến năm 2030, giá dầu sẽ ở mức 95 USD/thùng và tiếp tục tăng lên 117 USD/thùng vào năm 2050. Giá khí đốt cũng sẽ tăng theo, kéo theo sự gia tăng giá thực phẩm do chi phí vận chuyển tăng.