Những thành phố tương lai

HOÀNG HÀ| 27/02/2013 00:20

Các thành phố thông minh đang được xây dựng ở một số nước như một phản ứng với những vấn đề đương đại như ô nhiễm, quá tải..., đồng thời hướng đến một thế giới luôn được kết nối.

Những thành phố tương lai

Các thành phố thông minh đang được xây dựng ở một số nước như một phản ứng với những vấn đề đương đại như ô nhiễm, quá tải..., đồng thời hướng đến một thế giới luôn được kết nối.

Đọc E-paper

Thành phố thông minh sẽ cho phép các thành phố sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để ra những quyết định chính xác và kịp thời hơn, các nhà quản lý xử lý được đa dạng các vấn đề hiện tại và sự cố.

Các công ty công nghệ như IBM và Cisco hiện đang nhìn nhận những thành phố thông minh là cơ hội kinh doanh rất lớn. Chẳng hạn, IBM đang hy vọng bộ phận Smarter Unit, bao gồm đơn vị Smarter Cities, sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2015.

Songdo, Hàn Quốc

Songdo là "Cửa khẩu tới Đông Bắc Á", được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo ở biển Hoàng Hải (Yellow Sea) với số tiền đầu tư lên đến 35 tỷ USD.

Dự án có tên Songdo International Business District, thành phố công nghệ cao của thời hiện đại. Được coi như một trong những dự án bất động sản đáng chú ý nhất thế giới, Songdo không phải được xây dựng để làm trung tâm của Hàn Quốc, mà của toàn châu Á.

Toàn bộ hệ thống thông tin trong Songdo được kết nối với nhau. Cảm biến có mặt trong mọi thiết bị công cộng tại Songdo, chẳng hạn, thang cuốn chỉ di chuyển khi có một người nào đó ở trên chúng.

Mỗi căn hộ có một hệ thống telepresence cho phép người dùng kiểm soát và điều khiển từ xa các hệ thống sưởi ấm, chiếu sáng, nước hay an ninh...

Dịch vụ hội nghị truyền hình được ứng dụng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ của chính phủ. Thành phố sẽ hoàn thành vào năm 2015 với số dân khoảng 65.000 người.

Masdar, UAE

Masdar có nghĩa là "nguồn" trong tiếng Ả Rập, là một thành phố ở giữa sa mạc Abu Dhabi (một quốc gia trong Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE).

Đây là dự án đặc biệt, có thiết kế rộng khoảng 6km2 với sức chứa 40.000 dân, sẽ trở thành "thành phố không carbon" đầu tiên trên thế giới. Theo thiết kế, năng lượng cung cấp cho thành phố này hoàn toàn đến từ các nguồn có thể tái tạo được.

Bên cạnh đó, hoạt động tái chế và chuyển hóa năng lượng cũng được tận dụng triệt để nhằm giảm lượng rác thải xuống mức gần bằng không, lượng carbon và khí thải công nghiệp thải ra hầu như không đáng kể.

Sẽ không còn bóng dáng xe ô tô, thay vào đó là các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng Mặt trời, phong điện... Năm 2008, Abu Dhabi đã phân bố cho dự án Sáng kiến Masdar 15 tỷ USD.

Rio De Janeiro, Brazil

Rio được thiết kế để chuẩn bị cho hai sự kiện thể thao lớn là World Cup 2014 và Thế vận hội hai năm sau đó. Trong năm 2010, thị trưởng thành phố, ông Eduardo Paes làm việc với IBM về dự án tạo ra một trung tâm điều hành kết nối tất cả 30 cơ quan của thành phố, từ giao thông, cung cấp điện, nước cho đến các dịch vụ khẩn cấp.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như thảm họa thiên nhiên, hệ thống giao thông, cung cấp khí đốt được tự động đóng, các dịch vụ khẩn cấp được huy động tức thì, trong khi người dân có thể được thông báo về các tuyến đường thay thế thông qua Twitter, Facebook hoặc tin nhắn...

IBM cũng thiết lập hệ thống dự báo thời tiết phức tạp với dữ liệu từ lưu vực sông, khảo sát đất, lượng mưa cũng như dữ liệu radar để dự báo mưa và lũ quét...

Các cư dân trong khu ổ chuột của Rio đứng trước cơ hội thay đổi số phận khi ngôi nhà của họ được thay thế bằng những ngôi nhà thông minh. Các mẫu thiết kế và hướng dẫn lắp ráp nhà đang được đăng tải trực tuyến và người dân được khuyến khích tải lên ý tưởng của mình...

Putrajaya, Malaysia

Với số tiền hơn 8 tỷ USD, thành phố Putrajaya của Malaysia, cách Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam, được xem là một thành phố hiện đại của khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Thủ tướng Mahathir là người đưa ra ý tưởng xây dựng siêu dự án này, quy hoạch Putrajaya thành một thành phố công nghệ thông tin và có môi trường sống bền vững. Putrajaya được xem là thành phố thông minh khi mọi công trình hành chính, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, công viên... đều có thể kết nối.

Mỗi cư dân của thành phố được cấp một chiếc thẻ từ ghi rõ mọi thông tin cá nhân, nhóm máu, thông tin công việc, tài chính, thanh toán... Thẻ từ được sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa, khi đi siêu thị, đến rạp hát, các câu lạc bộ, thậm chí thay giấy thông hành đến các nước trong khu vực.

Học sinh ở Putrajaya học bằng sách và giáo trình điện tử, các thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh đều thông qua mạng máy tính vô cùng nhanh chóng và kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thành phố tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO