![]() |
Người miền Bắc đốt pháo, các gia đình miền Nam tập kết cũng đốt pháo. Người ta rưng rưng khóc, chúc mừng nhau sắp đoàn tụ. Tôi nghĩ rằng ở miền Bắc ngày ấy người ta nói nhiều đến chữ đoàn tụ. Còn miền Nam, có lẽ người dân thở phào nhẹ nhõm, chiến tranh đạn pháo từ nay đã hết, hòa bình rồi!
Hồi đó tôi là một đứa trẻ hơn mười tuổi. Nhưng ngày 30 tháng tư rất đặc biệt. Tôi đã nhảy lên, gào thét trong nỗi vui sắp được gặp cha, người đã đi chiến trường miền Nam từ năm 1965. Đó là những ngày tháng chứa đựng niềm vui rất lớn. Chiến tranh đã chấm dứt, những gia đình như chúng tôi lên kế hoạch trở về quê hương.
Chỉ hai tháng sau ngày giải phóng, tôi đã có mặt trên một chuyến xe công vụ theo cha trở về miền Nam, từ mà tôi đã nói đi nói lại không biết mệt trong mấy ngày trước đó đi chia tay tạm biệt hàng xóm và bạn bè Hà Nội. Vào gần Quảng Bình, trong những giờ dài dằng dặc chờ phà qua sông Gianh, lần đầu tiên tôi đã chạm mặt miền Nam, chạm vào Sài Gòn trong những hàng quân ra Bắc.
Những con búp bê xinh xắn, váy áo lộng lẫy, gói trong bao ni lông trong cột dính phía ngoài ba lô người lính. Hòa bình, trở về nhà với một con búp bê, những người lính đã gói theo mong ước cháy bỏng, một cuộc sống tốt đẹp từ đây sẽ đến.
Sài Gòn, thời điểm ấy chưa mang tên thành phố Hồ Chí minh, thành phố mang gương mặt của những người lính vừa thắng trận trở về nhà với con búp bê trong ba lô thật bình dị. Thế hệ của tôi, từ trong trường tiểu học đã sống trong một mơ ước lớn lên được cầm súng vào Nam chiến đấu. Đến bây giờ chúng tôi mới hiểu, thế hệ của mình đã may mắn không còn chạm mặt chiến tranh.
Nhưng đi trong hòa bình, cũng là con đường chông gai, những thắng lợi cũng là những bài học lớn. Những con người tham gia công cuộc giải phóng thống nhất đất nước ngày ấy, nay cũng đã đi đến gần hết cuộc đời, có thể tự có cái nhìn riêng và chung về con đường đất nước trải qua, những hy sinh gian khổ của hòa bình cũng không kém gì chiến tranh để có một cuộc sống phát triển.
Trước ngày 30/4 năm nay có một sự kiện nhỏ. Ngày trước, người Việt Nam mình cảm thấy rất thú vị khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Việt Nam công bố bức ảnh "Hai người lính" ông chụp tại Quảng Trị năm 1973.
![]() |
Bức ảnh "Hai người lính" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành |
Những ngày mà hơi thở của hòa bình đã gần lắm rồi, những ngày giấc mơ của tuổi trẻ đôi mươi đã trở nên mạnh mẽ hơn, để họ đến gặp nhau, quàng vai bá cổ chụp ảnh như những thanh niên chân chất, đầu không gợn bất cứ chút nghi kỵ, hằn thù, để chuẩn bị đón nhận sẽ là công dân của một đất nước thống nhất! Người chụp ảnh, nghệ sĩ Chu Chí Thành và các phóng viên đã nỗ lực tìm hai nhân vật của bức ảnh đó.
Cứ tưởng đơn giản, tìm ra là mừng, là anh em gặp nhau như lời những bài hát "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn, hay như "Mùa Xuân đầu tiên" của Văn Cao, nhưng cũng phải rất cố gắng, nỗ lực, điện thoại qua lại, tìm kiếm những kỷ niệm, tháo gỡ những thông tin nghi ngại, rồi biết bao động viên từ các nhà báo, từ cả ngệ sĩ nhiếp ảnh, rồi họ đã gặp nhau, đã về lại mảnh đất Quảng Trị năm nào, đã chụp lại một bức ảnh mới, khi cả hai thả xuống khẩu súng mà lịch sử đã đặt vào tay họ, rồi đi qua quãng đời dài đến 45 năm, có thể coi như đã đi gần trọn con đường, đã hiểu hết lý lẽ sống, để thoải mái ôm siết nhau như anh em trong cuộc gặp mặt.
Đã 43 mùa Xuân qua đi. Thế giới vẫn vậy, năm nào cũng có một cuộc chiến tranh, một cuộc nội chiến bùng lên ở đâu đó. Nhìn truyền thông truyền tải những bức ảnh dòng người tị nạn từ Trung Đông qua châu Âu, nhìn những em bé Syria gầy gò, những người mẹ dẫn bầy con chạy từ Myanmar về phía cố quốc Bangladesh, ta càng hiểu thêm giá trị của hòa bình người Việt Nam đang có.
Người Việt đã đi qua những ngày 30 tháng tư lịch sử từ đón chào ngày hòa bình trong bỡ ngỡ, hoan hỉ, tin tưởng, đến những ngày nhiệt huyết lên rừng xuống biển trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước.
Những ngày tháng ba và tháng tư này, rất nhiều đoàn người từ TP.HCM đi du lịch ngược ra miền Trung về thăm Nghĩa trang Trường Sơn, nơi hàng vạn con người ở tuổi 20 đã nằm xuống cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Trên mộ các anh, các chị lúc nào cũng có những vòng hoa tươi thắm, khói hương nghi ngút, điều đó chứng tỏ người Việt Nam sống rất coi trọng quá khứ, rất tự hào đã làm nên những trang sử chói lọi.
Có một điều gì đó rất khác khi chúng tôi tạm xa thành phố để đến nơi này như một chuyến đi hành hương, để lại thành phố ngày càng đẹp đẽ, phát triển vượt bậc, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, dường như vẫn là chưa đủ với những hy sinh của những người đã nằm lại.
Những thành tựu kinh tế , đời sống xã hội là không thể chối bỏ. Sự hội nhập sâu rộng của đất nước, uy tín quốc tế ngày càng vững vàng trong quá trình hợp tác. Chỉ là nội lực được khơi thông được phát huy ra sao để đất nước không bị tụt hậu so với tốc độ phát triển của khu vực. Và không thể không nhắc tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiến hành như một sự sống còn, một đòn bẩy để đất nước thoát ra khỏi những trì trệ trong điều hành và có sức thuyết phục giữ vững niềm tin của người dân.
Nói về chống tham nhũng chưa hiệu quả, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Hội nghị Xây dựng Đảng diễn ra tháng 1 năm 2018: "Chống tham nhũng không hiệu quả là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên đốt lửa to, cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước".
Tham nhũng trong giai đoạn này đã được nhận diện hủy hoại sức mạnh của đất nước khi các tập đoàn tham nhũng không còn chỉ là những cuộc bắt tay dưới gầm bàn nhỏ lẻ, mà đã ngang nhiên bán chác cướp phá tài nguyên rừng, biển, đất đai, giúp cho những đường dây làm ăn phi pháp phá hoại tài nguyên môi trường, đảo lộn truyền thống văn hóa, làm mất niềm tin của người dân.
Những ngày tháng tư lịch sử chính là động lực để người Việt Nam thêm quyết tâm giữ gìn, dựng xây đất nước, khi công cuộc giữ gìn vị thế tự chủ trong chính trị, trên trường quốc tế, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân luôn là một hành trình đòi hỏi sự kiên định học hỏi, không sợ trả giá. Bởi khó khăn của con đường phát triển hôm nay không thua kém gì nửa thế kỷ trước khi đất nước còn chìm trong chiến tranh.
Hòa bình cũng có những bài học đắt giá của phát triển, trong đó trả giá và gặt hái luôn song hành chứ không chỉ là những đại lộ thênh thang. Vây quanh chúng ta là những nền kinh tế lớn, đã phát triển trước, đã thành công. Chỉ một vài chính sách thay đổi từ các nước láng giềng cũng làm kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực. Khó khăn vẫn chồng chất. Trên các mặt trận kinh tế, xã hội, chống tham nhũng, có lẽ chỉ muốn nói đến hai từ "đoàn kết".
Hơn lúc nào, người Việt phải đoàn kết để sống còn trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Đoàn kết để tẩy rửa những ung nhọt nội xâm, bảo toàn niềm tin của nhân dân. Hơn lúc nào hết, cái choàng vai thân mật của hai người lính ở hai chiến tuyến trên chiến trường Quảng Trị năm nào càng có một ý nghĩa. Chỉ có một Việt Nam trong tim, hãy làm cho nó đẹp và giàu, xứng với lịch sử hào hùng của dân tộc !