Những “giọt” tháp Chăm không thành hàng hiệu

BÍCH HỒNG| 16/06/2011 04:06

Trả lại hiện vật cho các di tích văn hóa là hướng đi mà các bảo tàng trên thế giới đã làm và bắt đầu được nói đến ở Việt Nam.

Những “giọt” tháp Chăm không thành hàng hiệu

Liệu có một ngày, tư duy “sở hữu địa phương” về văn hóa được dỡ bỏ để bức tượng thần Siva cao hơn 2m, có niên đại 1.000 năm, đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) sẽ được trả về đúng chỗ cũ, trên bệ thờ của một ngôi tháp tại thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), để cho di tích có lại giá trị văn hóa tinh thần từng lưu giữ.

Trả lại hiện vật cho các di tích văn hóa là hướng đi mà các bảo tàng trên thế giới đã làm và bắt đầu được nói đến ở Việt Nam.

Những ngọn tháp vô hồn

Bình đài ở tháp Ponagar (Nha Trang)

Di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn từng có một giai đoạn hết sức linh thiêng và lãng mạn khi người Pháp phát hiện nơi này vào năm 1885.

Một triển lãm ảnh của người Pháp ghi nhận toàn bộ thời điểm họ phát hiện và bắt đầu tiến hành khảo cổ Mỹ Sơn lúc ấy còn nguyên vẹn vẻ huyền bí, nơi chứa đựng toàn bộ những bí ẩn về văn hóa và tín ngưỡng của một dân tộc ảnh hưởng Ấn Độ giáo.

Thánh địa được xây dựng từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên và quá trình xây dựng kéo dài nhiều thế kỷ để lại một quần thể 70 công trình kiến trúc cùng hàng nghìn bức tượng các vị thần và vật thiêng.

Tuy nhiên, Mỹ Sơn có số phận bi thảm hơn rất nhiều so với các cụm tháp Chăm còn tồn tại rải rác từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận. Sau hàng nghìn năm hoang phế, năm 1968, một trận bom rải thảm trong khu vực đã làm đổ nát gần hết những cụm tháp.

Và sau gần 30 năm trùng tu và bảo vệ, Mỹ Sơn và tất cả các tháp Chăm tại Việt Nam đang ở trong tình trạng sập đổ nhưng không có phương án trùng tu nào hiệu quả.

Hàng chục công trình nghiên cứu về chất liệu gạch xây tháp Chăm đã được công bố để rồi lại thất bại. Các loại gạch Chăm mới đưa vào trùng tu đều không hiệu quả.

Mỗi lần tiếp đón một đoàn khách đến Đà Nẵng tham quan du lịch, trước sự hăm hở tiến về Thánh địa Mỹ Sơn của họ, tôi hay kiếm cớ này nọ để ngăn cản.

Tôi sợ những ánh mắt thất vọng của bạn bè khi họ chạm mặt những đền tháp thiêng liêng nay đã đổ nát hoang tàn. Sợ những người vô tình leo trèo, ngồi lên cả vật thiêng cố chụp lấy một bức ảnh kỷ niệm.

Lại sợ những câu phê phán của du khách khi nhìn vào đôi chỗ góc tháp đã trùng tu bằng gạch... bông của thập niên 1980. Hàng chục tháp đang đắp tôn, cót ép chờ được trùng tu.

Ở hầu hết tháp Chăm không còn các bức tượng thần, nhiều tháp mất cả phù điêu, bệ thờ nên trông chúng không còn chút sinh khí, giống như ngôi đền vô chủ.

Văn Cao viết những câu thơ thật đẹp: “Từ trời xanh/rơi/vài giọt Chăm/Quanh Quy Nhơn/Tôi như đứa trẻ yêu huyền thoại”. Chính vì câu thơ này mà nhiều du khách nhất định đòi đi tìm những “giọt” Chăm trên đường qua tỉnh Bình Định.

Trên ngọn đồi ở ngoại ô thành phố Quy Nhơn có bốn ngôi đền Ấn Độ giáo lặng lẽ khuất trong những cỏ dại cao vút. Những tháp cổ đẹp tuyệt nằm ở nơi phong cảnh hữu tình gần thị trấn Đập Đá, Bình Định.

Vậy nhưng buổi sáng chỉ thấy hai “sĩ tử” ôn thi tốt nghiệp ngồi thu lu trong góc tháp, rồi thêm một đám học trò mới xong tiểu học thách nhau leo trèo tận ngọn tháp cao vút. Cả khu đền tháp BánhÍt đẹp tuyệt trần như chìm dần trong quên lãng.

Số phận của tháp Bánh Ít này tiêu biểu cho hệ thống tháp Chăm ở Bình Định, Tây Nguyên, Ninh Thuận chỉ mới là di tích văn hóa cấp quốc gia, kinh phí trùng tu hằng năm thấp, chưa được khảo cổ, và cũng chưa thu hút khách tham quan du lịch.

Biến di sản thành hàng hiệu du lịch văn hóa: Đường xa vạn dặm

Tại một hội thảo với mục đích tìm kiếm những thông điệp mới về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các di sản văn hóa thế giới, giáo sư S.Yutara, nhà nghiên cứu Nhật Bản đã dày công khảo cứu Mỹ Sơn trong 15 năm liền, nêu ý tưởng trả về cho thánh địa này những tượng thần, bệ thờ, phù điêu đang tản mát khắp các bảo tàng trên thế giới.

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Ông cho rằng, chính quyền cấp tỉnh, thành có thể xem xét việc đưa tượng thần Siva hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) về lại chốn cũ của nó ở khu tháp C1 Mỹ Sơn như hiện trạng cách đây 1.000 năm.

Các tác phẩm điêu khắc vô giá đó sẽ là trung tâm, là linh hồn của các lễ hội, làm sống động các khu đền tháp như Angkor Wat. Ông S. Yutara phân tích, hãy hình dung những lễ hội tôn giáo người Chăm sẽ tổ chức ở đây, niềm tin sẽ làm cho những điệu múa uyển chuyển hơn, tiếng kèn saranai sẽ xuất thần hơn để giao tiếp với các vị thần linh.

Và rất dễ để hình dung khi đó Thánh địa Mỹ Sơn và hệ thống tháp Chăm khắp miền Trung sẽ thu hút khách như thế nào.

Có thể kiểm chứng những đề xuất của vị giáo sư người Nhật. Những ngôi tháp cổ Chăm ở Ninh Thuận vẫn giữ được các pho tượng thần có niên đại cách nay từ 600 - 800 năm trên bàn thờ, và các lễ hội của họ chứa đựng sức sống mạnh mẽ bởi sự giao thoa giữa niềm tin tôn giáo, cái đẹp của điêu khắc dân gian, nghệ thuật biểu diễn và các tập quán cúng tế.

Từ những lễ hội của người Chăm Ninh Thuận, mới thấy tháp cổ Dương Long, Bánh Ít ở Bình Định, hay Chiên Đàn, Mỹ Sơn, Khương Mỹ (Quảng Nam) trong thực trạng là những ngôi đền cổ hoang vắng đức tin dù đang được chăm sóc, trùng tu với những dự án hàng trăm nghìn USD vẫn không thoát khỏi cảm nhận là “phế tích”.

Trả lại cho các di tích những tác phẩm nghệ thuật vốn dĩ là của nó không chỉ để khuếch trương giá trị thật, mà còn là tiền đề cung cấp cho khách những sản phẩm du lịch trọn vẹn, tiêu biểu và đắt giá.

Nó đòi hỏi những nỗ lực và những thử thách to lớn về trình độ cũng như trách nhiệm quản lý, khai thác tiềm năng các di tích, những việc mà cho đến nay trình độ giới chuyên môn về văn hóa và khai thác du lịch ở Việt Nam chưa làm được.

Từ trước đến nay, việc tạo ra một giá trị sống động và khả dĩ hơn cho các di tích văn hóa và lịch sử thường là dưới áp lực của ngành du lịch cũng như các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch. Kết quả là cho ra đời những sản phẩm “ăn xổi”, kiểu như du khách xem múa Chăm trong Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.

Vấn đề là để những di sản thế giới xứng đáng với tầm cỡ văn hóa của nó, chúng ta nên cởi bỏ tư duy “sở hữu địa phương”. Trong khi các tháp cổ nằm trên địa bàn Quảng Nam thì các tượng thần, phù điêu, bệ thờ đến 1.200 món lại nằm trong kho (do không có không gian để trưng bày) của Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.

Vì những hiện vật ấy là vô giá cả về giá trị vật chất lẫn văn hóa, nên sau khi chia tách, tỉnh Quảng Nam nhiều lần đề nghị “chia đôi” nhưng không thỏa thuận được với Đà Nẵng.

Và thật ra Quảng Nam đòi hiện vật về cũng chỉ để xây dựng các nhà trưng bày, chứ chưa hề có một dự án nào tính toán việc trả lại cho các phế tích những linh hồn của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những “giọt” tháp Chăm không thành hàng hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO