Ông Nguyễn Thanh Tòng (ảnh), thành viên Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Paris.
Cách đây hai ngày, đoàn thanh niên tình nguyện của Pháp đã lên đường sang Việt Nam để tham gia các hoạt động từ thiện tại một số địa phương ở miền Nam. Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Tòng- trưởng đoàn thanh niên tình nguyện xung quanh chương trình lần này.
Ông Nguyễn Thanh Tòng hiện là thành viên Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp và là người có ý tưởng mở ra các chương trình thanh niên Pháp tình nguyện về Việt Nam trong những năm gần đây và được đánh giá cao.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết ý tưởng để có được những chương trình từ thiện hiệu quả với sự tham gia của các bạn trẻ Pháp những năm qua?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Ý tưởng của dự án này xuất phát từ khi các bạn trẻ học tập, nghiên cứu và công tác trong lĩnh vực ngành y của Trường đại học PIJA Lavoisier của Pháp. Họ biết Hội Người Việt Nam tại Pháp và có những dự án về từ thiện tại Việt Nam. Sau đó, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi, tiếp xúc với các bạn trẻ Pháp.
Đến nay, các chương trình từ thiện với sự tham gia của các bạn Pháp đã triển khai được 4 năm. Mỗi năm có từ 1-3 đoàn về Việt Nam. Năm nay, có 2 đoàn các bạn trẻ Pháp đưa ra chương trình tham gia từ thiện tại Việt Nam.
PV: Năm nay, các chương trình từ thiện được triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Năm nay có 8 bạn trẻ Pháp tham gia chương trình kéo dài từ nay đến 23/7. Họ đi tới 3 vùng ở miền Nam và tham gia các chương trình xã hội từ thiện, giao lưu với các em nhỏ, giúp những người nghèo, đi theo hỗ trợ các bác sĩ Việt Nam trong việc khám sức khỏe, góp tiền hỗ trợ cho dự án từ thiện hay phát triển xã hội tại địa phương.
Những công việc năm nay là thực hiện dự án ở TPHCM (cùng với Hội bảo trợ trẻ em TPHCM, với “Mái ấm tre xanh”) giúp những trẻ đường phố trở về với gia đình. Các bạn trẻ người Pháp đến đây để giao lưu với các em. Ngoài ra họ còn đóng góp tiền để phát thuốc, đồ ăn giúp những người nghèo.
Tiếp đó là những chương trình thực hiện ở Nha Trang – Khánh Hòa, với hoạt động giúp những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các bạn trẻ Pháp cũng đến để giao lưu với các em và hỗ trợ tiền cho Hội bảo trợ trẻ em ở Nha Trang.
Đoàn cũng thực hiện chương trình hoạt động ở Tuy Hòa – Quy Nhơn, nơi có làng bệnh nhân phong. Tại đây, những bác sĩ trẻ người Pháp muốn thăm những bệnh nhân phong. Năm nay, họ sẽ cùng phối hợp với ban giám đốc làng phong để xây dựng ngôi nhà tình thương; giao lưu với các bệnh nhân phong, tham gia những buổi đi khám sức khỏe, phát hiện những người mắc bệnh ở những vùng xung quanh, vừa phát thuốc, vừa chẩn đoán bệnh…. do Ban giám đốc làng phong tổ chức.
Mỗi đoàn sang Việt Nam đều hỗ trợ tiền khoảng 60 triệu đồng (bao gồm: Xây dựng nhà tình thương, giao lưu, phát thuốc).
PV: Để thực hiện được những chương trình này, trong thời gian qua, ông có sự phối hợp với các bạn Pháp hay những người Việt tại Pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Bản thân tôi đi tìm kiếm các nguồn tài trợ và đưa ra những đề xuất. Đồng thời tôi cũng liên hệ các đối tác của Pháp, chuẩn bị và tìm những phương hướng nhằm thuyết phục người Pháp và cộng đồng người Việt để họ có sự giúp đỡ.
Có những người Việt tại Pháp hỗ trợ một số tiền rất lớn nhưng họ không muốn nêu tên. Nhờ những số tiền đó, chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều việc đạt kết quả.
PV: Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp sẽ có kế hoạch về những chương trình từ thiện xã hội ở trong nước như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Các chương trình đã thực hiện rất thành công và chúng tôi muốn tiếp tục triển khai những dự án tương tự, vì nó rất thiết thực.
Năm nào cũng vậy, hết dự án này thì chúng tôi lại tìm dự án khác, tìm các nguồn khác. Chẳng hạn về học bổng: Năm nay, chúng tôi đề xướng ra 350 học bổng, trong đó, một chương trình trong hai năm với 100 học bổng cho Ea súp (Đắc Lắc), vùng sâu vùng xa (giá trị khoảng 250 triệu đồng đối với học sinh từ lớp 2 đến lớp 11) đang được triển khai.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp Bùi Thanh Tùng, cho biết, hiện có khoảng 200.000 - 300.000 người Việt Nam định cư ở Pháp. Kiều bào thuộc ba đối tượng: những người sang từ trước năm 1950, đa số là lính thợ, do Pháp bắt từ Việt nam về để phục vụ chiến tranh thế giới lần 2 chống Đức quốc xã và phát xít; thương gia, trí thức, sinh viên; một số Việt Kiều và gia đình di tản sang Pháp sau năm 1975, là lao động hoặc doanh nhân. Hầu hết kiều bào đã tạo lập được một cuộc sống ổn định nơi xứ người, chăm lo con cái mình học hành thành đạt. Cũng theo ông Tùng, Hội ngày một lớn mạnh là nhờ sự ủng hộ to lớn của cộng đồng. "Sau này, thế hệ người Việt thứ hai, ba sinh ra và lớn lên ở Pháp sẽ có cách điều hành Hội khác đi nhưng chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho các em giá trị truyền thống để tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trên đất Pháp”, ông Tùng nói.
Từ khi thành lập tới này, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như hát dân ca, chèo, cải lương đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá văn hóa Việt và đưa mọi người về gần quê hương. “Tôi nhớ mãi buổi thu hút số lượng kiều bào đông kỉ lục là năm 1975, khi quê nhà hòa bình độc lập, tại nhà hát Maubert Mutualite (Paris). Chương trình mít tinh, văn nghệ, liên hoan bắt đầu từ trưa đến sáng hôm sau với hơn 5.000 người đến dự. Những dịp tết, lễ hội cổ truyền dân tộc cũng thu hút khoảng 2.000 người tham dự”, ông Tùng bồi hồi kể. Theo ông Tùng, đa phần bà con gốc Việt ở Pháp luôn tự hào là con dân Đất Việt nên dù sống ở phương trời nào lòng vẫn hướng về quê hương. Năm 2006, Hội người Việt Nam tại Pháp đã quyên góp được 15.000 euro (khoảng 330 triệu đồng) chuyển về kịp thời cho bà con trong cơn bão số 6. Hội người Việt Nam tại Pháp đã vận động một số bạn bè Pháp ủng hộ tài chính ủng hộ Trung tâm “Mái ấm tre xanh” tại TP HCM. Nhờ đó, hàng chục trẻ em đường phố đã được đưa về đây sinh hoạt, học hành và tạo điều kiện hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, thương binh, bà con vùng lũ. Gần đây nhất, Hội Ai lao tại Pháp (trực thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp) đã gửi về cho Trung tâm bảo trợ người khuyết tật thanh niên (An Dương, Hà Nội) số tiền lên đến 3.000 euro (tương đương 80 triệu đồng); ủng hộ đồng bào khó khăn trong nước số tiền 5.000 euro (koảng 110 triệu đồng); ủng hộ đồng bào miền Bắc trong đợt lụt vừa qua số tiền là 6.150 euro (khoảng 150 triệu đồng). |