Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng bị xói mòn
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ dừng lại ở những căng thẳng về thương mại, mà đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, tiền tệ và hoạt động đầu tư. Nếu như đầu năm 2019, nhiều ý kiến tin rằng, hai bên sẽ sớm hoàn thành ký kết một thỏa thuận thương mại để giải quyết những xung đột bắt nguồn từ năm 2018, thì thực tế cho thấy, các cuộc đàm phán gặp khá nhiều khó khăn.
Nhiều hàng rào thuế quan mới được hai bên dựng lên đánh vào 480 tỷ USD hàng hóa của nhau, đẩy các doanh nghiệp của cả hai nước lâm vào thế khó xử, vật giá trong nước leo thang. Chỉ gần đến cuối năm, thông điệp về khả năng ký kết thỏa thuận có thể sắp diễn ra mới làm tạm yên lòng các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mọi sự vẫn được đánh giá là khó lường.
Điều quan trọng hơn là ngoài câu chuyện thương mại, Washington và Bắc Kinh cũng đối đầu nhau trên mặt trận công nghệ, khi Nhà Trắng đưa một loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei vào danh sách đen, kêu gọi các đồng minh cảnh giác trong việc sử dụng những sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, trước việc Trung Quốc phá giá mạnh tiền tệ trong tháng 8/2019 khi cho phép tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và đe dọa sẽ có chính sách trừng phạt.
Đến tháng 9, thị trường rộ lên tin tức chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ hạn chế dòng tiền đầu tư vào Trung Quốc. Trong số những đề xuất mà Nhà Trắng đang cân nhắc, gồm việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế mức độ phủ sóng của các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc thông qua các quỹ hưu trí của Chính phủ. Ngoài ra, các quan chức của ông Trump cũng đang xem xét việc làm thế nào để Mỹ có thể đặt giới hạn đối với các công ty của Trung Quốc, bao gồm trong các chỉ số chứng khoán do các công ty Mỹ quản lý.
Khủng hoảng địa chính trị, lo ngại suy thoái
Cùng với rủi ro chiến tranh thương mại, những cuộc khủng hoảng địa chính trị tại nhiều khu vực đã gây nên nỗi lo sợ cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Việc Iran bị Mỹ cấm vận; các cuộc đảo chính, bạo loạn chính trị tại Venezuela khiến giá dầu có những thời điểm tăng vọt mạnh, cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Khu vực Nam Mỹ cũng chứng kiến Argentina chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế. Trong khi tại châu Âu, nước Anh vẫn chưa thể rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) như kế hoạch ban đầu khi tiến trình liên tiếp bị trì hoãn, bất chấp nước này đã thay đổi người đứng đầu Chính phủ. Viễn cảnh về một Brexit cứng khiến nhà đầu tư khắp nơi lo sợ, cộng thêm những dự báo khủng hoảng và suy thoái đang đến gần đã thúc đẩy dòng tiền chạy đến những tài sản an toàn, đẩy giá trái phiếu chính phủ và giá vàng có những thời điểm tăng vọt.
Tại châu Á, ngoài căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mọi ánh mắt đổ dồn về Hồng Kông khi đặc khu kinh tế bị tê liệt vì các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn chống chính quyền. Kinh tế Hồng Kông đã ghi nhận sự suy thoái từ quý II/2019, chứng khoán đổ đèo và giá bất động sản lao dốc. Tổng thống Trump sau đó đã ký thông qua Đạo luật Nhân quyền và dân chủ cho Hồng Kông, như là một giải pháp răn đe và ngăn ngừa Bắc Kinh có những hành động quân sự chống lại người dân thành phố này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng Hồng Kông sẽ sớm đánh mất vị trí là trung tâm tài chính lâu đời tại châu Á, và dòng vốn quốc tế có thể tháo chạy khỏi đặc khu này.
Tại châu Á, ngoài căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mọi ánh mắt đổ dồn về Hồng Kông khi đặc khu kinh tế bị tê liệt vì các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn chống chính quyền. Kinh tế Hồng Kông đã ghi nhận sự suy thoái từ quý II/2019, chứng khoán đổ đèo và giá bất động sản lao dốc.
Trước những nguy cơ trên, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều khu vực trên thế giới đã mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đảo ngược chính sách, từ kế hoạch tăng lãi suất đưa ra hồi đầu năm chuyển thành hành động giảm ba lần liên tiếp lãi suất cơ bản. NHTƯ châu Âu (ECB) ngay từ tháng 9/2019 đã phải quyết định khởi động lại chương trình "nới lỏng định lượng" mua trái phiếu 20 tỷ euro/tháng, đồng thời giảm lãi suất xuống mức âm 0,5%. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) cũng liên tiếp hạ lãi suất điều hành, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm tiền vào hệ thống.
Nếu như những NHTƯ hàng đầu thế giới buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ để chống chọi với dấu hiệu suy thoái và hỗ trợ tăng trưởng, thì các NHTƯ tại khu vực châu Á còn nhằm mục đích đối phó với động thái phá giá tiền tệ mạnh mẽ của Trung Quốc, mà đã khiến đồng nội tệ của những nước này tăng giá, làm mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.