Những cung đường trên dãy Hy Mã Lạp Sơn

NGUYỄN HỮU THIỆN/DNSGCT| 31/12/2013 08:41

Rời Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, chúng tôi lên đường đi Gyangtse, điểm dừng kế tiếp trên lộ trình đến Everest Base Camp (khu trại để ngắm đỉnh Everest).

Những cung đường trên dãy Hy Mã Lạp Sơn

Rời Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, chúng tôi lên đường đi Gyangtse, điểm dừng kế tiếp trên lộ trình đến Everest Base Camp (khu trại để ngắm đỉnh Everest).

Đọc E-paper

>Những bảo vật ngàn năm ở Nara
>Sri Lanka, Hòn ngọc trên Ấn Độ Dương
>
Những vườn địa đàng ở Croatia
>Namibia, đi tìm vẻ đẹp trong sa mạc

Hầu như tất cả du khách đến Everest Base Camp đều theo một lịch trình: Lhasa – Gyangtse – Shigaste – Tingri – Everest Base Camp. Có nghĩa là muốn đặt chân lên Everest Base Camp, du khách đi từ Lhasa sẽ phải nghỉ đêm tại ba nơi trước khi đến chân nóc nhà thế giới.

Ngắm Everest dưới ánh trăng

Không nhớ hết đoàn đã đi qua bao nhiêu cái dốc, bao nhiêu ngọn đèo cheo leo, bao nhiêu lần ôm cua muốn nghẹt thở… cũng như bao nhiêu lần phải dừng xe ở chốt kiểm soát.

Ở Tây Tạng, việc kiểm soát giao thông về tốc độ rất lạ. Họ không quan tâm xe lái tốc độ bao nhiêu mà họ chỉ biết đoạn đường đó xe chạy bao nhiêu lâu thôi.

Chẳng hạn đoạn đường từ A đến B quy định chạy hai giờ đồng hồ, cảnh sát ở trạm A ghi vào tờ giấy lúc ở trạm A là 7g thì khi đến trạm B trình giấy phải là từ 9g trở đi, không được sớm hơn.

Cột mốc độ cao 5.200m

Đường đi từ Lhasa đến Gyangtse đẹp đến mức nhiều người không tin vào mắt mình nhưng dốc đèo cũng cheo leo hiểm trở thót tim. Chặng đường này đi qua hồ Yamdrok, một trong những hồ thiêng nổi tiếng ở Tây Tạng nằm ở độ cao 4.441 mét so với mực nước biển.

Con đường đi qua đây lúc ở trên núi cao, lúc lại chạy uốn lượn sát bên mặt hồ lung linh. Hồ Yamdrok rộng hơn 600 cây số vuông, nằm lượn lờ theo triền núi với làn nước xanh màu ngọc turquoise trông thật mênh mông, huyền bí.

Hầu hết đường sá trên đất Tây Tạng đều được xây dựng rất tốt, ngoại trừ đoạn đường từ Tingri vào Everest Base Camp gồ ghề, nhỏ hẹp, bụi bặm mù mịt và có không biết bao nhiêu dốc cua uốn lượn vô cùng ngoạn mục.

Cô hướng dẫn cho biết đây là chủ ý của chính quyền bởi họ muốn đường đi Everest phải gian nan thử thách, bên cạnh đó là để hạn chế số lượng du khách đến vùng này.

Vào buổi sáng khởi hành đi Everest, đoàn phải qua trạm kiểm tra rất kỹ ở Tingri. Ngoài giấy phép vào Tây Tạng, còn một giấy phép nữa gọi là “Alien permit”. Có giấy này, cả nhóm mới được đi vào ngôi chợ của người Tây Tạng, nơi bán rất nhiều quà lưu niệm đẹp với giá khá phải chăng.

Cảnh bên đường

Đi Everest Base Camp, ngoài dân leo núi chuyên nghiệp có chuẩn bị từ trước thì hầu hết du khách muốn đặt chân lên điểm độ cao 5.200m đều chọn một trong hai cách: Một là ngủ qua đêm ở điểm 5.200m, hai là chỉ lên điểm 5.200m cho biết rồi quay về phía dưới độ cao thấp kia qua đêm tại khách sạn.

Riêng đoàn chúng tôi thì vì muốn có được cảm giác qua đêm ở độ cao 5.200m nên đã đặt chỗ nghỉ đêm tại một lán trại được treo bảng là “hotel” bên ngoài ở Everest Base Camp. Trại được dựng đơn giản với những tấm bạt, tấm da bò yak căng ra để chống cái giá rét ở vùng núi cao.

Nhà trên núi

Phần lớn mọi người đến Everest Base Camp đều chụp ảnh bên cột mốc 5.200m để đánh dấu rằng mình đã đến nơi này, đã trải qua thời tiết khắc nghiệt và băng qua con đường đau khổ, chứ thật ra nếu chỉ để ngắm đỉnh Everest thì không cần lên đến Base Camp. Ở lưng chừng đoạn đường đi Everest cũng có chỗ dừng ngắm núi rất đẹp.

Buổi tối ở Everest Base Camp thật tĩnh mịch và lạnh vô cùng. Lúc này là ngày rằm nên có trăng sáng vằng vặc. Cả nhóm sau khi lên cột mốc 5.200m liền quay nhanh về trại vì không chịu nổi những ngọn gió lạnh tê tái.

Trời càng về đêm càng buốt giá, nhiệt độ từ âm 6 đến âm 10 độ C. Độ cao làm không khí thiếu oxy nên mọi người trong nhóm bắt đầu thấy mệt.

Một cây cầu đá

Tiếng hít thở phì phò với bình oxy trên mũi bắt đầu càng lúc càng nhiều. Càng về đêm ai nấy càng thấy đuối sức.

Bù lại, cảnh núi thiêng trong đêm rằm đẹp khôn tả. Ngọn Everest lấp lánh băng tuyết lộng lẫy giữa bầu trời khuya trong xanh, có trăng chiếu rọi và những vì sao lấp lánh bao quanh làm nên bức tranh tuyệt tác trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Núi đẹp hơn cả lúc ban trưa hay buổi chiều. Không gian tĩnh lặng, gió rít làm bay phần phật những dây cờ phướn ngũ sắc…

Đường đến Nepal

Rồi trời cũng sáng, những tia nắng ban mai bắt đầu rọi lên ngọn Everest đang được mây trắng bay lơ lửng bao quanh. Hừng đông của ngày mùa thu trời trong xanh, mặt trăng vẫn còn chưa khuất nhưng mặt trời đã kịp dát vàng cho cả dãy núi.

Xe bắt đầu thả đèo rồi leo dốc. Đường rất xấu, bụi bay mịt mù và có những khúc ôm cua làm mặt ai cũng xanh xám… Cứ vậy, mất mấy tiếng đồng hồ thử thách xe mới ra đến ngã ba đường huyết mạch.

Zangmu

Cung đường đi về phía biên giới với Nepal cũng đẹp ngây ngất. Những ngọn núi nhấp nhô dưới bầu trời vời vợi có mây trắng trôi bồng bềnh. Con đường êm ái lúc uốn lượn quanh núi, lúc ôm mình bên những hồ nhỏ hay băng qua những cánh đồng lúa mạch đẹp như tranh vẽ khiến ai nấy đều trầm trồ.

Càng về phía biên giới, đường đi càng hẹp dần và càng hiểm trở cheo leo hơn. Trời đã xế chiều, mây xám bắt đầu nhiều dần. Chiều xuống nên trời càng lạnh, cộng thêm mưa phùn tạo thành cái lạnh kiểu ẩm ướt chứ không như cái lạnh có nắng vàng hôm trước.

Bắt đầu từ đoạn này, xe từ từ thả dốc, hai bên đường có những con thác nhỏ và rất nhiều cây cối xanh mướt. Phong cảnh đẹp theo kiểu tranh thủy mặc đã bắt đầu xuất hiện: Giữa làn sương mỏng bên dòng suối trắng xóa đổ xuống từ những ngọn núi cao là biên giới với Nepal.

Cầu Hữu Nghị

Con đường hẹp dần, hai xe qua mặt nhau khó khăn hơn, đường sá ướt át, không gian cũng cảm giác âm u hơn. Mây trắng đã thôi bay chỉ còn mây mù giăng kín khiến xe chạy phải giảm tốc độ.

Và xe đã hứng những cơn mưa lớn đổ xuống. Những cơn mưa che bớt cảnh đẹp hai bên đường, phủ mờ những rừng cây đang ngả sang màu vàng rực ở phía xa xa…

Chạng vạng tối, xe chạy đến Zangmu, thị trấn nhỏ nằm gần biên giới với Nepal. Zangmu nhỏ nhưng xe cộ tấp nập. Xe tải, xe khách, xe bán tải… nằm la liệt trên đường khiến giao thông đi lại rất khó khăn.

Đường sá dốc lên dốc xuống, nhà cửa san sát, dân Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal gì cũng có. Hầu hết họ là dân lao động chuyên khuân vác, đi buôn hàng ở biên giới.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi băng qua cây cầu Hữu Nghị, phân giới giữa Tây Tạng – Nepal để hướng về phía lãnh thổ Nepal chỉ cách vài bước chân phía trước. Cây cầu nằm hiên ngang trên dòng sông nước cuồn cuộn chảy xiết có lẽ là cây cầu biên giới đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cung đường trên dãy Hy Mã Lạp Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO