Trong nước

Những cột mốc và đóng góp của Việt Nam trong 25 năm gia nhập APEC

Bảo Quân 17/11/2023 11:30

Việt Nam nằm trong số ít thành viên hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà của APEC.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 đang diễn ra tại San Francisco với hàng loạt sự kiện quan trọng, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 30. Sau 30 năm, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng ngày càng trở thành cầu nối kinh tế quan trọng của thế giới. Năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt hàng loạt thách thức, Tuần lễ Cấp cao APEC càng có ý nghĩa quan trọng.

Với Việt Nam, APEC quy tụ 15/31 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đồng thời là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng bậc nhất. Hơn nữa, 13/17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký là với thành viên APEC. Nhân sự kiện này, hãy cùng nhìn lại các cột mốc và đóng góp đáng chú ý của Việt Nam trong hơn 20 năm gia nhập Diễn đàn.

Ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Việt Nam chính thức là thành viên APEC thông qua Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần 10. Sau gia nhập, vị thế đất nước có nhiều thay đổi, dần trở thành tiếng nói ngang hàng với nhiều nền kinh tế lớn thế giới trong hoạt động xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc kinh tế, thương mại khu vực.

Do đó, có thể xem sự gia nhập APEC là bước chuyển lớn trên đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và là tiền đề giúp nâng tầm hội nhập của đất nước lên với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Ngoài tạo động lực cho hợp tác đa phương, APEC cũng là cầu nối hữu ích để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, giúp xây dựng đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác vào chiều sâu, mở đường cho phát triển kinh tế.

anhfull20231116093927.3463580.jpg
Những hình ảnh tại APEC 1998 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đến nay, sau hơn 20 năm gia nhập, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn thông qua các đóng góp tích cực và hiệu quả vào tất cả lĩnh vực hợp tác. Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít thành viên 2 lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC, vào năm 2006 và 2017.

Trong lần đầu giữ vai trò chủ nhà, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ song phương với nhiều đối tác chủ chốt. Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 cũng là lần đầu các lãnh đạo diễn đàn xác định triển vọng hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Cùng thời điểm đó, Việt Nam ghi dấu với Chương trình hành động Hà Nội để thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, gói biện pháp tổng thể cải cách APEC, các cam kết hợp tác về an ninh con người, phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu v.v...

Đến năm 2017, Việt Nam đã tổ chức Năm APEC với gần 250 sự kiện, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC thứ 25 tại Đà Nẵng. Tại đây, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Cũng trong Tuần lễ Cấp cao, đất nước đã chủ động đề xuất, tổ chức Đối thoại lần đầu giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với lãnh đạo các nước ASEAN và thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

apec2017120231116093928.3351430.jpg
Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các trưởng đoàn chụp ảnh chung Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 11/11/2017. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Thứ hai, Việt Nam là một trong các thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất sáng kiến, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến được đánh giá thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Dấu ấn thứ ba phải kể đến sự đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC. Theo đó, Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng các cơ chế của Diễn đàn. Nổi bật phải kể đến Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (2005-2006), Chủ tịch, Phó chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng giai đoạn 2016-2018 đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC (Hội đồng tư vấn kinh doanh của APEC), được các thành viên đánh giá cao.

vvt120231116093929.0142170.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường tham dự APEC 2023 tại Mỹ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Dấu ấn cuối cùng là vai trò của doanh nghiệp Việt đối với hợp tác APEC. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đóng góp trí tuệ, đề xuất nhiều khuyến nghị lên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC cùng Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC cũng như trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động, qua đó khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập lẫn trách nhiệm đối với hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực.

Chuyến thăm Mỹ tham dự APEC năm nay của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương nói chung và tiến trình APEC nói riêng. Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các thành viên để thúc đẩy tiến trình này phát triển hơn, bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững và đem lại nhiều cơ hội mới, thuận lợi mới và nhất là những điều kiện để khắc phục khó khăn, bất ổn, do tình hình thế giới phức tạp hiện tại đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cột mốc và đóng góp của Việt Nam trong 25 năm gia nhập APEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO