Tôi cũng đã nhiều lần dùng món ăn này tại các quán ăn chốn đô thành, nhưng đều không bắt gặp được sự thơm ngon đậm đà hương vị như cách mẹ tôi đã nấu ở quê. Vì sao vậy? Tôi tự hỏi và không sao lý giải được.
Mẹ tôi kể, không đâu có cá bống dừa ngon, săn chắc, thơm lừng, béo ngậy như ở Bến Tre. Điều rất lạ là người ta không thể nuôi trong ao mương nhà như những loại thủy sản khác, mà chỉ bắt chúng trên những mương rạch nước chảy xiết, nhiều bóng râm. Đặc biệt hơn là ở quê tôi, muốn bắt chúng thì dùng mồi là con bà chằn (có nơi gọi là con lư) và dụng cụ bắt gọi là sà di (có nơi gọi là lọp, lờ…). Tôi nhớ nhiều lần theo chân các chú tôi đi bắt cá bống dừa dưới những con rạch quê tôi rất thú vị.
Không biết hư thực ra sao, nhưng nhiều người chuyên bắt cá bống dừa cam đoan, đoạn kênh, rạch nào đã đặt sà di bắt chúng thì không bao giờ chúng quay lại. Vì thế người đánh bắt phải di chuyển sang địa bàn khác.
Mỗi lần đãi con cháu khi về quê đón Tết, bao giờ mẹ tôi cũng nấu cho bằng được món ăn “truyền thống” này. Và trên bàn thờ ông bà ngày Tết cũng không bao giờ vắng bóng món ăn này.
Cách chế biến cũng rất đơn giản với các nguyên liệu: cá bống dừa, nước màu, dừa xiêm, hành, tỏi, bột nêm… dụng cụ nấu phải là những chiếc ơ đất (tộ, nồi đất) mới có hương vị đặc biệt. Nhiên liệu nấu phải là củi than đước mới là đúng cách.
Mẹ tôi kể thêm, mấy cái ơ đất càng cũ kỹ thì nấu món này càng ngon mà không hiểu vì sao, có lẽ hồn vía quê hương cứ thấm dần vào chúng rồi chăng?
Mẹ tôi bắt đầu món này bằng cách làm sạch cá để ráo nước khoảng 10 phút, sau đó trộn cá với hành, tỏi, ớt, nước mắm… Sau khoảng 30 phút ướp cá, chúng được bỏ vào những ơ đất và bắt đầu đun lên.
Lúc này, mẹ tôi mới cho vào nồi một ít mỡ heo (không dùng dầu ăn) và trộn đều cá để chúng chín đều, thịt bắt đầu săn chắc rất đẹp mắt. Công đoạn tiếp là cho tiêu hạt vào ơ đất để tạo mùi vừa cay, vừa thơm. Khoảng 15 phút sau thì cho nước dừa xiêm vào để thấm vào thịt cá. Lúc này, lửa được giảm xuống tối đa để chỉ còn riu riu và 10 phút sau là bắt xuống.
Món cá bống dừa kho tộ càng thêm ngon khi mẹ tôi cho thêm cù nèo, bông súng, đậu rồng… để chấm với nước cá. Cánh đàn ông thì nhâm nhi đôi ly rượu đế để thưởng thức món đặc sản quê nhà.
Năm nay, mẹ lại dặn, không được uống rượu bia rồi lái xe đi thăm bà con dòng tộc đâu nghe. Công an họ phạt nặng lắm đó. Nếu có uống thì ở nhà chơi với mẹ cho vui và an toàn.
Ngon, chân chất, dân dã, đậm đà khó quên, luôn gợi nhớ về cội nguồn. Đó là cảm giác của tôi cùng gia đình mỗi lúc về quê đón Tết được thưởng thức món ngon đồng nội do chính tay mẹ làm, thật hạnh phúc biết bao!