Nhiều nguồn nguyên liệu mới cho ngành gỗ Việt Nam

LẠC LÂM| 11/11/2017 06:52

Thời gian qua, nhiều nước đã đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang Việt Nam.

Nhiều nguồn nguyên liệu mới cho ngành gỗ Việt Nam

Mỗi năm ngành gỗ Việt Nam cần 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 23 triệu m3 nên phải nhập phần còn lại.

Đọc E-paper

Tăng trưởng đơn hàng ngày càng cao, sức ép từ nguyên liệu càng lớn. Với lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, từ đầu năm nay, giá các loại nguyên liệu vốn là thế mạnh như tràm, cao su đã tăng giá đột biến. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 1,6 tỷ USD gỗ nguyên liệu, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á.

Ông Võ Quang Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) - đơn vị cung cấp gỗ nguyên liệu cho biết: "Lượng gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Myanmar trong năm 2016 đã giảm 400 triệu USD do chính phủ các nước này siết chặt quản lý xuất khẩu gỗ. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thế".

Theo VCCI, để có nguồn thay thế, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang châu Phi, nhất là các nước Trung Phi để mua gỗ. Một số công ty đã mở văn phòng đại diện tại Cameroon, Gabon để nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Giá gỗ tại châu Phi thường rẻ hơn so với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhưng giá vận chuyển cao hơn hẳn.

Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ từ 24 nước châu Phi với kim ngạch 384,6 triệu USD, tăng 41,5% so với năm 2015. Trong đó nhập khẩu từ Cameroon đạt 159,8 triệu USD, Nigeria 45,2 triệu USD, Gabon 37,7 triệu USD, Congo 37,6 triệu USD, Ghana 37 triệu USD, Guinea 20,4 triệu USD, Cộng hòa Trung Phi 19,5 triệu USD, Ghi-Nê Xích đạo 6,7 triệu USD, Angola 6,6 triệu USD.

Nhưng theo ông Nguyễn Chánh Phương - Giám đốc Công ty Danh Mộc, nguyên liệu gỗ hiện nay không thiếu. Những nước có nguồn nguyên liệu dồi dào như Mỹ, Úc, New Zealand, một số nước châu Âu đủ sức cung cấp gỗ cho thế giới, chỉ một vài thời điểm bị nghẽn cục bộ. Ví dụ tại Mỹ, việc quản lý rừng bền vững là nếu chặt một cây thì phải trồng 2,5 cây, có nơi đến 4 cây, đời này qua đời khác.

Thời gian qua, nhiều nước đã đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang Việt Nam. Hiệp hội Chế biến lâm sản tỉnh Ehime (Nhật Bản) vừa tổ chức giới thiệu gỗ Hinoki và Sugi (liễu sam) đến Việt Nam, hứa hẹn một nguồn cung phong phú. Ông Takayama Yasuhito - Chủ tịch hội này cho biết, Ehime bắt đầu xuất gỗ sang Việt Nam từ năm 2013. Ehime là tỉnh có lượng gỗ khai thác lớn thứ hai Nhật Bản, bình quân mỗi tháng xuất sang Việt Nam khoảng 10 container.

Tổ chức Gỗ Thụy Điển (Swedish Wood) cùng hàng chục tên tuổi ngành gỗ như Holmen Timber, Moelven, Martinsons, Norra Timber... cũng vừa giới thiệu gỗ nguyên liệu đến doanh nghiệp Việt Nam. Theo bà Charlotte Dedye Apelgren - Giám đốc Nội thất và Thiết kế Swedish Wood, Thụy Điển là nước xuất khẩu gỗ xẻ lớn thứ ba trên thế giới với 2 loại chủ yếu là vân sam và thông với sản lượng hằng năm 18 triệu m3 gỗ xẻ và gỗ bào, trong đó 13 triệu m3 dùng xuất khẩu. Thụy Điển đã xuất sang Việt Nam 44.000m3 gỗ xẻ và đặt mục tiêu tăng số lượng nhiều hơn trong vài năm tới.

Hiệp hội Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) cũng vừa giới thiệu gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo AHEC, 6 tháng đầu năm 2017, trung bình có 2 triệu m3 gỗ cứng xẻ nhập vào Việt Nam. Việt Nam dẫn đầu về lượng gỗ cứng xẻ xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á của Mỹ (74%).

>>Tín hiệu lạc quan cho ngành gỗ Việt Nam

>>Ngành gỗ Việt Nam: Áp lực nhân công và công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều nguồn nguyên liệu mới cho ngành gỗ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO