Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đáp ứng được 3T

Ý Nhi| 17/07/2021 03:22

Mặc dù một số doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng thích nghi, tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”  hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm" theo công văn 2337/UBND-TH chính thức áp dụng từ ngày 15/7. Nhưng sau 3 ngày áp dụng, nhiều DN đang rơi vào nguy cơ phải ngừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đáp ứng được 3T

Doanh nghiệp sẵn sàng

Sáng 15/7, sau khi có Chỉ thị của TP về việc sản xuất "3 tại chỗ" (3T)- sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ, không khí sản xuất tại Công ty Đại Tam Long vẫn như những ngày bình thường. Tiếng máy sản xuất vẫn chạy đều, các dây chuyền sơn tĩnh điện vẫn ra sản phẩm.

Để nhà máy tiếp tục được sản xuất, ngay sau khi TP chỉ đạo DN phải thực hiện 3T, Công ty Đại Tam Long đã tổ chức chỗ ăn, ở, làm việc và sinh hoạt cho hơn 90% cán bộ công nhân viên. 

Theo bà Nguyễn Huỳnh Như-Trưởng phòng Kinh doanh Công ty: “Việc sản xuất 3T khiến mỗi ngày DN phải tăng thêm nhiều chi phí như ăn ở, thuốc men, vật tư y tế, thuốc sát trùng khử khuẩn hàng ngày, chi phí sinh hoạt khác... Tuy nhiên, Công ty  chọn giải pháp sản xuất để đáp ứng tiến độ các công trình đã ký kết hợp đồng. Đặc biệt là ưu tiên một số đơn hàng gia công như sơn giường và nhà lắp ghép cho bệnh viện giã chiến”.

Cũng theo bà Như, để việc thực hiện 3T có hiệu quả, nhất là đảm bảo không có ca F0 trong nhà máy, Công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.Toàn bộ công nhân viên ở lại phải được xét nghiệm Covid-19 và không được đi ngoài. Riêng tài xế, công nhân công trình thì được bố trí ở khu riêng, tài xế giao hàng phải ở yên trong xe không tiếp xúc và có giấy test Covid-19 âm tính. Ngoài ra, Công ty còn trang bị thiết bị phun khử khuẩn toàn thân và khử khuẩn nhà máy hàng ngày.

Mặc dù công tác tổ chức 3 tại chỗ khá cập rập nhưng ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, các công ty tại QTSC đã sẵn sàng phương án 3T cho khoảng 819 người làm việc thuộc 48 công ty tại QTSC. Riêng QTSC đã bố trí 24 nhân sự chuyên trách viễn thông, điện, nước, quản lý tòa nhà…để đảm bảo các hoạt động được thông suốt và các DN yên tâm sản xuất. Và cũng để đảm bảo 3T hiệu quả, tất cả các nhân viên ở lại trong các nhà máy đều phải đảm bảo có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 vào sáng 15/07/2021.

Tương tự tại Công ty CP Cơ khí XD-TM Đại Dũng, tất cả nhân viên làm ăn ở tại công ty đều được xét nghiệm âm tính. Phó Tổng giám đốc Đại Dũng cho biết: ‘Hiện, chúng tôi có rất nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Nhật, Mỹ và các đơn hàng trong nước. Vì thế mặc dù chi phí tổ chức sản xuất theo 3 tại chỗ sẽ tăng gấp ba lần so với bình thường như phải tăng lương cho công nhân đồng ý ở lại sản xuất, chi phí điện, nước và các vật dụng sinh hoạt khác cho công nhân, tổ chức ăn 4 bữa/ngày theo suất ăn của các công ty cung cấp cho máy bay…nhưng công ty vẫn thực hiện 3T để đảm bảo các đơn hàng không bị đứt gãy". 

Với nhiều đơn hàng xuất khẩu cho khách hàng lớn ở châu Âu và châu Mỹ còn tồn đọng, bà Nguyễn Thị Điệp- Giám đốc Nghiệp vụ Công ty TNHH DIGI-TEXX cho biết: “Khi có thông tin áp dụng 3 tại chỗ, chúng tôi đã tổ chức đầy đủ cơ sở vật chất từ lều cá nhân, nệm, mền, gối, các nhu yếu phẩm cần thiết đến việc đảm bảo dinh dưỡng của suất ăn, bổ sung đủ nước, trái cây, vitamin và khoáng chất, nhất là xét nghiệm cho hơn 100 nhân viên ở lại làm việc".

Đại diện Vissan cũng cho biết: “Việc tổ chức ăn ở cho 1.200 công nhân ăn ở tại công ty và hỗ trợ mọi chi phí cho công nhân tham gia sản xuất đã làm chi phí tăng lên rất cao. Song, đổi lại công ty đã tăng gấp đôi công suất và đáp ứng đủ lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Nhiều doanh nghiệp không theo được văn bản

Mặc dù một số DN tổ chức được mô hình 3T nhưng số lượng này không nhiều. Theo ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP.HCM (HBA): “Các điều kiện và tiêu chí đưa ra để DN thực hiện 3T quá nhiều khó khăn, nhất là các DN có nhiều lao động nhưng không có diện tích lớn cho nhân viên ăn ở tại chỗ. Nếu DN phải thuê KTX hoặc khách sạn thì phải thêm chi phí thuê chỗ lưu trú tập trung, xe đưa đón, rồi thêm nhân viên giám sát công nhân sau giờ làm việc để đảm bảo nhân viên không được ra khỏi nơi ở... ”.

Bo-tri-cho-nghi-ngoi-cho-nhan-4544-1123-

Lều ngủ cho nhân viên tại công ty khi áp dụng 3T

Ngay trưa 15/7, sau khi quy định ban hành, số liệu của HBA cho biết, đã có 70/85 DN tại KCN cao  đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới; số DN thông báo ngưng hoạt động tại KCX  Linh Trung  là 13/32 DN; KCX Linh Trung 2 là 10/30 DN; KCN Hiệp Phước là 25/159 DN...

Trong số các khó khăn thì theo các DN, việc tổ chức hậu cần, ăn uống do nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động là nan giải nhất. Việc xét nghiệm Covid-19 hàng tuần cũng không ổn và rất tốn kém tiền bạc và cả thời gian. 

Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, hiện Hòa Bình có 60 công trình trên cả nước đang thi công thì có đến 50 công trình xây dựng phải ngừng, số còn lại cũng chỉ bố trí được khoảng 20% ở lại do khó khăn khi áp dụng 3T. Còn quy định “1 cung đường - 2 địa điểm” không thực hiện được vì không có chỗ thuê cho công nhân ở. 

Ông Hải cho rằng, quy định 3T và 3 ngày công nhân phải test Covid-19 một lần của Sở Xây dựng cao hơn cả quy định của UBND TP.HCM là 7 ngày test một lần khiến chi phí đội lên, DN phải gánh quá nặng. 

Giám đốc một công ty xây dựng khác cũng chia sẻ: "Hôm qua, tôi phải cho 200 công nhân đang làm việc tại 90 công trình nghỉ việc chỉ vì các công trình đang xây dựng nhà ở thô, vừa làm móng, kể cả đang giai đoạn xây tô không đủ diện tích để bố trí cho công nhân ăn ngủ tại chỗ. Và hiện tại công ty vẫn phải phát lương thực cho họ. Nếu kéo thêm dài thời gian sẽ ảnh hưởng nhiều tiến độ giao nhà cho khách hàng, đến bài toán tài chính và chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu cho công trình".

Đặt câu hỏi: "Liệu việc sản xuất 3T có nguy cơ "ủ" virus và lây nhiễm dây chuyền nếu có công nhân vị nhiễm Covid-19 hoặc có DN không kiểm soát chặt chẽ nhân viên cũng như việc test Covid-19?", ông Long cho rằng: "Khi DN tham gia phương án 3T thì đều phải chấp hành nghiêm việc tổ chức xét nghiệm cho cho công nhân và chắc chắn sẽ không có DN nào lơ là hay "né tránh" cũng như làm lấy lệ. Bởi, các DN tham gia 3T đều ý thức rằng, nếu DN của họ có  nhân viên bị nhiễm thì trước hết, DN của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thậm chí phải ngưng sản xuất thì thiệt hại còn lớn hơn".   

Vướng mắc cần tháo gỡ nhanh 

Trước thực tế việc xét nghiệm nhanh cho người lao động cũng chưa nhất quán, có nơi yêu cầu 7 ngày/lần, có nơi yêu cầu 3/lần, với chi phí khác nhau cũng gây khó khăn, tốn kém cho DN. Các DN kiến nghị: "Với các DN đang sản xuất theo chu trình khép kín 3T không tiếp xúc bên ngoài thì chỉ cần xét nghiệm một lần duy nhất. Bộ phận nào làm việc ở ngoài thì phải tách biệt khỏi chu trình khép kín 3T và phải xét nghiệm hàng tuần". 

Sau một ngày áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 địa điểm", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, nhiều DN đã gặp khó khăn và HUBA đã kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc này đến UBND TP.HCM.

Theo Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng: “Nhiều DN chưa đủ điều kiện 3T đang phải tạm ngưng sản xuất. Còn các DN có thể bố trí ở, sản xuất tại chỗ thì khó khăn về ăn uống tại chỗ. Do đó, các DN kiến nghị UBND TP.HCM cho phép DN hợp tác với các nhà hàng, khách sạn ngành để cung ứng suất ăn thường xuyên cho công nhân.

Một khó khăn nữa là quy định chưa rõ một số nội dung khiến DN khó khăn khi áp dụng. Đơn cử, đối với điều kiện thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm ", các DN kiến nghị TP chỉ đạo khái niệm "1 cung đường - 2 địa điểm" theo nghĩa rộng hơn, Bởi thực tế, nhiều DN thuê nhiều khách sạn, phải đón công nhân ở nhiều vị trí khác nhau nên không thể đưa đón công nhân chỉ từ nhà máy đến các khu ở tập trung.

unnamed-7-1980-1626466933.jpg

Công nhân Công ty Đại Tam Long đang lắp ráp giường cho bệnh viện dã chiến

Đối với hoạt động kho bãi, vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều địa phương không cho phép các kho bãi hoạt động. Nhiều trạm kiểm soát nội thành không cho vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ vì đánh giá không phải hàng thiết yếu, một số tỉnh ban hành các quy định yêu cầu cách ly đối với người và phương tiện vận chuyển…

Theo HUBA, TP đưa ra phương án 3T nhưng các DN duy trì 3T lại không vận chuyển hàng và vật liệu được thì cũng phải ngừng sản xuất. Đối với các văn phòng điều hành ngoài nhà máy, các DN cũng kiến nghị được duy trì văn phòng với số lượng nhân viên tối thiểu (không vượt quá 30%) số nhân sự thường xuyên. 

Cũng theo kiến nghị của các DN, hiện nay trong một thời gian ngắn có qua nhiều các văn bản chỉ đạo điều hành của nhiều cơ quan quản lý: Chính phủ, các Bộ ngành, UBND thành phố, các Sở ngành, các quận huyện, các Ban quản lý KCN, KCX, KCNC…nhưng lại có những nội dung không nhất quán, chồng chéo lên nhau, đôi lúc mâu thuẫn về nội dung chỉ đạo làm cho DN rất khó khăn và bị rối loạn thông tin.

Cũng trong văn bản kiến nghị, HUBA cho biết, để DN hoạt động ổn định cần phải duy trì đồng bộ hệ sinh thái sản xuất kinh doanh gồm các đơn vị đối tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất như năng lượng, điện, nước, xăng dầu, gas, than, củi,internet, hạ tầng mạng; Sản phẩm công nghiệp hổ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Nguyện vật liệu, phụ liệu, vật tư, nhiên liệu khác cho sản phẩm thiết yếu; Bao bì, đóng gói sản phẩm; Vận tải, dịch vụ giao nhận , khai báo hải quan; Bộ phận dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa máy móc thiết bị phần cứng, phần mềm cho các DN sản xuất; Dịch vụ pháp lý hỗ trợ tài chính, hành chính như công chứng, ngân hàng…

Cũng theo HUBA, từ 18/7/2021 TP triển khai đợt tiêm Vaccine phòng dịch đợt 5. Tuy nhiên do công tác triển khai tiêm phòng đợt 5 thực hiện tại các phường xã, quận huyện, trong điều kiện thực hiện CT 16 nên các DN có công nhân thực hiện 3T sẽ khó có điều kiện để tham gia đợt tiêm phòng này.

Vì thế, TP cần dành một số lượng vaccine để điều phối ưu tiên tiêm cho người lao động tại các DN trong và ngoài KCN, KCX, KCNC, cụm công nghiệp có quy mô người lao động cư trú rộng trên nhiều quận huyện, địa phương. 

Việc điều phối này đề nghị TP tiếp tục giao cho Sở Công thương Thành phố là đầu mối phối hợp với Sở Y tế triển khai, trong đó có vai trò tham gia đề xuất và giám sát của HUBA. Đồng thời, triển khai dứt điểm cho từng DN để thuận tiện sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN tổ chức sản xuất theo điều kiện 3T.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đáp ứng được 3T
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO