Thông tin được ghi nhận tại hội thảo Năng lực quản trị trong khủng hoảngdo Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức. Bà Quân và các nhà quản lý trong hội thảo đều thừa nhận qua đại dịch, bất cứ DN nào cũng nhận thấy để xử lý khủng hoảng từ đại dịch phải chạm đến vấn đề gốc, là con người.
Trò chuyện với nhân viên để chia sẻ
Theo bà Nhan Húc Quân, hành trình chống dịch của doanh nghiệp là hành trình của cảm xúc con người, từ quản lý đến nhân viên. Họ đã đi qua hành trình bất đồng giữa người quản lý và người lao động, cùng chấp nhận và sau đó cùng trưởng thành.
"Ngày đầu tiên khi công nhân biết tin phải ở lại tại nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" để tiếp tục sản xuất, họ có tâm lý khó chịu với người điều hành vì phải xa nhà nên đã từ chối. Còn những người quản lý của công ty 100% vốn FDI này, họ bất ngờ và cảm thấy khó chấp nhận công văn cơ quan địa phương yêu cầu người điều hành công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nhà máy là điểm bùng dịch hay có công nhân bạo động" - bà Quân nhớ lại.
Theo bà Quân, để công ty tiếp tục giữ vững sản xuất trong tình hình Nhà nước thay đổi chính sách thường xuyên, người chủ doanh nghiệp cần thường xuyên trò chuyện với nhân viên. Qua những buổi trao đổi đó, người quản lý chia sẻ tầm nhìn, mục đích của DN bằng những câu chuyện mang lại cảm xúc cho nhân viên để họ chấp nhận được thực tế và kề vai sát cánh cùng DN.
Nhờ phương pháp này, sau thời gian chống chọi cùng Covid-19 và đảm bảo sản xuất, bất cứ thành viên nào ở New Toyo cũng nhận thấy mình đã trưởng thành hơn qua các trạng thái cảm xúc.
Cần trao quyền cho nhân viên
Qua thời gian chống chọi với đại dịch và khủng hoảng thiếu hụt nhân sư, nếu chủ doanh nghiệp muốn người lao động (NLĐ) đồng hành, cùng phát triển thì cần quan tâm đến việc nuôi dưỡng năng lượng tích cực cho họ. Đó là quan điểm của ông Alain Goudsmet - nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global.
Theo đó, DN cần hỗ trợ NLĐ cách đạt được hiệu quả công việc một cách nhanh nhất bằng cách giúp họ hiểu được mục tiêu sắp tới của công việc, ưu tiên của DN là gì. Bên cạnh đó, DN cần trao quyền cho NLĐ để họ có thể đổi mới sáng tạo. Điều này đồng nghĩa, NLĐ có quyền thử và được sai và sai không phải là điều tồi tệ nhất. Khi trí tò mò được thỏa mãn, NLĐ sẽ trưởng thành hơn qua chính các trải nghiệm của họ.
Theo ông Goudsmet, NLĐ cũng cần có quyền xử lý công việc theo trách nhiệm và quyền hạn. Điều này không chỉ giúp họ có trách nhiệm mà còn thấy tự tin hơn. Bên cạnh đó, NLĐ không chỉ cần quyền được thử, họ cũng cần quyền được phản biện để đóng góp hiểu biết, kiến thức. Tất nhiên, việc khen thưởng kèm theo cũng sẽ đóng góp vào tinh thần NLĐ rất nhiều.
Sau tất cả những điều đó, NLĐ cũng cần quyền nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ cần quyền ăn bữa trưa mà không phải trả lời điện thoại. Họ cũng cần được nghỉ ngơi 10 phút giữa giờ để tái tạo lại năng lượng lao động.
Nếu DN hỗ trợ được tinh thần được như vậy, họ sẽ là những nhân viên đắc lực cùng DN vượt qua khó khăn. Bà Nguyễn Thị Minh Giang Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa Doanh nghiệp Mekong Capital cũng công nhận điều này.
Một ví dụ được đưa ra là câu chuyện của công ty 4P. Công ty này từng điêu đứng trước lệnh giãn cách được thông báo tối hôm trước và áp dụng ngay hôm sau, nhiều xe chở nguyên liệu tôm từ tỉnh về thành phố bị tắc ở các chốt chặn. Những người quản lý nước ngoài bối rối trước tình huống bất ngờ và không biết xoay sở với số tôm đó như thế nào để không bị hư và đổ bỏ. Các nhân viên của 4P được trao quyền xử lý số hàng này và họ đã gửi đến các đại lý tiêu thụ trong thời gian ngắn, tránh thiệt hại cho công ty.
Doanh nghiệp nên xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau
Theo ông Phùng Đức Hoàng - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tác động của đợt dịch vừa qua ảnh hưởng trực tiếp rất nhiều đến NLĐ và gia đình của họ. Việc ảnh hưởng này từ thể chất đến tâm lý và tài chính. Vì vậy, DN nên xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động theo nhiều kịch bản khác nhau với sự đồng hành của nhân viên.
DN nên xác định trước những rủi ro có thể xảy ra trong nội bộ về nhân sự hay từ bên ngoài. Từ đó, xác định những cơ hội để phát huy nguồn nhân lực trong DN, theo ông Hoàng.
Thứ nhất, DN cần dự báo nhân lực đã và sẽ thay đổi như thế nào theo mục tiêu ưu tiên về con người.
Thứ hai, người chủ DN cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản đối phó với tình trạng nhân viên bị lây nhiễm, khả năng phong tỏa và đáp ứng yêu cầu y tế của địa phương. Khi nhân viên bị kẹt tại khu vực phong tỏa thì DN xử lý thế nào. Chỉ khi chuẩn bị sẵn hết các phương án, DN mới không rơi vào thế bị động.
Cuối cùng, tình trạng sức khỏe thể chất và tâm lý của nhân viên đang làm việc trong DN là phần quan trọng để DN tạo ra một đội ngũ khỏe mạnh và làm việc hiệu quả. Do vậy, các DN đang chuẩn bị hoạt động trở lại cũng nên có kế hoạch tương tự, chuẩn bị tâm lý và chăm lo cho NLĐ.