Nhà sản xuất và đạo diễn: Khi cơm không lành...

CUNG KỲ| 31/03/2009 00:57

Bà H.N, giám đốc một hãng phim nhà nước vừa tuyên bố sẽ “cạch đến già”, không hợp tác với một đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh. Phía sau dự án phim lớn với số vốn lên tới trên chục tỷ đồng của Nhà nước và bộ phim được kỳ vọng là mối quan hệ chẳng mấy thuận hòa giữa đạo diễn và nhà sản xuất.

Nhà sản xuất và đạo diễn: Khi cơm không lành...

Bà H.N, giám đốc một hãng phim nhà nước vừa tuyên bố sẽ “cạch đến già”, không hợp tác với một đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh. Phía sau dự án phim lớn với số vốn lên tới trên chục tỷ đồng của Nhà nước và bộ phim được kỳ vọng là mối quan hệ chẳng mấy thuận hòa giữa đạo diễn và nhà sản xuất (NSX).

Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, đã mời đạo diễn Phi Tiến Sơn làm đồng đạo diễn với Vũ Hồng Sơn trong dự án phim Ngôi nhà có nhiều cửa sổ

Muôn nẻo... bất hòa

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi bà giám đốc có mặt tại một bối cảnh quay, đạo diễn chẳng nể nang mà... chửi thẳng vào mặt bà.
Theo bà N., đạo diễn đã làm những điều “quá đáng” khiến “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”: Ông cho tên con gái vào vị trí biên tập mà chưa được sự đồng ý của Hãng; bà cất công nghiên cứu kịch bản và góp ý cả vài trang giấy nhưng đạo diễn có vẻ không hài lòng...

Để giữ hòa khí và vì dự án đang dang dở nên bà giám đốc “đành ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng từ đó, hai bên không nhìn mặt nhau và bà giám đốc quyết định sẽ vắng mặt trong buổi ra mắt bộ phim, dù rằng dự án này đã được chính bà mang hồ sơ đi xin chủ trương, rồi tiền làm phim... và là một trong những dự án lớn để khẳng định thương hiệu hãng phim sau nhiều năm “ngủ yên”.

Một tình huống khá phổ biến khiến khi phim đóng máy thì đạo diễn cũng “một đi không trở lại”, đó là họ phải chiều theo NSX trong việc phá nát kịch bản để lồng ghép những yếu tố quảng cáo vào phim, hay buộc phải chọn diễn viên và những thành phần khác theo quyết định của NSX.

Vụ việc um xùm xảy ra cách đây khá lâu khi đạo diễn Hồng Ngân kêu toáng lên là cô bị ép phải chọn Thanh Hằng vào phim Tôi là ngôi sao, dù trước đó cô đã “chấm” Hồng Diễm.

Còn bộ phim Ghen đang quay giữa chừng thì NSX quyết định ngừng quay vì thấy diễn viên không phù hợp. Sau đó, NSX chọn lại diễn viên, sửa lại kịch bản rồi mời đạo diễn khác.

Vì sao nên nỗi?

Môi trường “điện ảnh công chức” đã tạo cho nhiều đạo diễn tâm lý coi thường NSX. “Ông chủ” là Nhà nước bấy lâu trao quyền cho các hãng phim nhà nước nhưng giám đốc hãng phim quản lý theo kiểu của “ông chủ” lại không rõ ràng.

Mối quan hệ giữa “ông chủ” và “người làm thuê” - đạo diễn dễ gây lầm lẫn nên các đạo diễn vốn quen làm phim nhà nước khi làm phim cho tư nhân cứ ngộ nhận đó là phim của mình.

Thật ra, không ít giám đốc các hãng phim nhà nước không xuất phát từ nghề nghiệp điện ảnh hay không “trên tài” đạo diễn nên không dám hay không thể can thiệp vào quá trình sản xuất phim mà để đạo diễn tự xoay xở. Và cho đến nay, ngay cả khi tư nhân bung ra làm phim ồ ạt thì vẫn còn thiếu vắng những NSX thật sự có “tầm”.

Nhiều người trong số họ đơn thuần chỉ là nhà kinh doanh mới được trang bị những kiến thức về điện ảnh và giống như một số chủ nhiệm phim ở các hãng phim nhà nước, có người chỉ muốn làm sao để tiết kiệm chi phí nhưng phim phải nổi đình nổi đám và có khả năng thu lãi.

Chuyện “đụng độ” giữa đạo diễn Hồng Ngân và NSX HK Film khi làm phim Tôi là ngôi sao là một minh chứng rõ ràng cho việc hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về mối quan hệ này. Người thì cho rằng đạo diễn phải được quyền quyết định các yếu tố liên quan đến chất lượng nghệ thuật của bộ phim vì họ là chủ thể sáng tạo... Người khác lại cho rằng, đạo diễn phải tuân thủ mọi chỉ đạo của NSX một khi đã ký hợp đồng và đạo diễn chỉ là người làm thuê theo ý đồ của NSX mà thôi.

Cũng giống như rắc rối trong mối quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn những năm trước, xung đột giữa NSX và đạo diễn là “hậu quả” của việc thiếu chuyên nghiệp trong điện ảnh và vận hành làm phim theo nhiều cơ chế.

“Cần đặt mối quan hệ này trong cơ chế nào? NSX là ông chủ và đạo diễn là người làm thuê nên xét theo góc độ kinh tế thì “ông chủ” nắm vai trò quyết định. Xét theo phương diện sáng tạo nghệ thuật thì đạo diễn có vai trò không nhỏ”, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết.

Thật ra, mối quan hệ giữa đạo diễn và NSX sẽ không đến mức rắc rối nếu hai bên đã thỏa thuận rõ ràng và đầy đủ với nhau trong hợp đồng.

NSX có thể thuê đạo diễn làm phần việc nào trong quy trình sản xuất phim chứ không phải đạo diễn là người quán xuyến toàn bộ dự án và theo sát hành trình làm phim từ tiền kỳ đến hậu kỳ. Và một khi hai bên đã đạt được thỏa thuận trên giấy tờ thì phải tuân thủ trong thực tiễn sản xuất.

Nên thành lập hiệp hội nhà sản xuất phim

Đã qua rồi cái thời đạo diễn được quyền “làm mưa làm gió” trên trường quay. Để đảm bảo thương hiệu của hãng và nhất là chất lượng nghệ thuật của bộ phim (theo cách nhìn của hãng), cả giám đốc hãng phim nhà nước lẫn hãng phim tư nhân đều không thể để mặc đạo diễn muốn làm gì thì làm.

Giám đốc hãng phim nhà nước không chỉ là chủ tịch hội đồng nghệ thuật của hãng, quyết định sửa chữa, bổ sung kịch bản trước lúc đưa vào sản xuất hay góp ý cho bộ phim sau khi quay mà thậm chí còn can thiệp sâu vào quá trình tổ chức sản xuất, như nên chọn quay ở bối cảnh nào, tuyển diễn viên ra sao...

Đối với các hãng phim tư nhân thì vai trò của NSX càng được nâng lên vị trí cao nhất. Họ chọn lựa đề tài, đặt hàng người viết kịch bản, chọn đạo diễn và ê-kíp. Hầu hết các phim do tư nhân sản xuất hiện nay đều có ê-kíp riêng, đạo diễn chỉ là một thành phần trong ê-kíp đó.

NSX và đạo diễn đều hướng tới khán giả, nhưng NSX có cách nhìn của một người kinh doanh, trong khi đạo diễn lại nặng về khía cạnh nghệ thuật. Mà trong một bộ phim, ngay cả phim thương mại hay phim giải trí, yếu tố kinh doanh và nghệ thuật rất ít khi hòa hợp với nhau. Hai bên phải hợp tác trên cơ sở tôn trọng nhau và tôn trọng bộ phim làm ra để tìm được tiếng nói chung.

NSND - đạo diễn Khải Hưng cho rằng, đạo diễn phải biết dũng cảm nói lời từ chối với những đề nghị của NSX ảnh hưởng lớn đến chất lượng nghệ thuật của bộ phim và tên tuổi của đạo diễn để tránh bộ phim bị chê bai. Và không phải trong khi đạo diễn này phản ứng với cách làm phim của NSX thì đạo diễn khác lại đồng ý.

Điều đó bắt buộc các đạo diễn phải có cam kết với nhau, tiến tới nên thành lập hiệp hội nhà sản xuất phim. NSX cũng vậy, không nên chiều lòng bất kỳ yêu cầu nào của nhà tài trợ. Có như vậy thì phim ảnh nói chung và phim truyền hình nói riêng mới không đi vào ngõ cụt vì chịu sự chi phối nặng nề của nhà tài trợ và những yếu tố không chuyên nghiệp mới không kéo chất lượng phim xuống thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà sản xuất và đạo diễn: Khi cơm không lành...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO