TP.HCM: 140.000 mét vuông đất bị bỏ hoang

15/07/2009 01:38

5 đơn vị “nắm giữ” khối lượng nhà đất, kho bãi thuộc hàng lớn nhất tại TP.HCM là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam...

TP.HCM: 140.000 mét vuông đất bị bỏ hoang

5 đơn vị “nắm giữ” khối lượng nhà đất, kho bãi thuộc hàng lớn nhất tại TP.HCM là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Dệt may Gia Định và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chính là nơi… ôm đất công nhiều nhất, sử dụng lãng phí nhất.

Mặt bằng 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 thuộc quản lý của Tổng Công ty Dệt may Gia Định TP.HCM sử dụng làm bãi giữ xe nhiều năm nay. Ảnh: Đoàn Quý

Không rõ “còn hay mất” đất

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VinaFood2) có 9 đơn vị thành viên trên địa bàn TP.HCM và đang quản lí 310 cơ sở với gần 480.000m2 đất. Tuy nhiên, nhiều diện tích nhà đất, kho bãi chỉ được tổng công ty này quản lí về mặt “hành chính”, tức là chỉ có ý nghĩa trên sổ sách, còn thực tế đã do các đơn vị khác sử dụng nhưng tổng công ty không biết!

Như 26 cơ sở nhà đất, kho bãi của đơn vị “còn hay mất”, lãnh đạo đơn vị này cũng không rõ. Trong đó có 8 cơ sở nhà đất cấp cho cán bộ đơn vị, khi đơn vị kiểm tra lại mới biết "công" đã biến thành "tư". Cụ thể, kho Tân Quy (tại Tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), với tổng diện tích 11.000m2 đã vào tay một đơn vị khác từ năm 1993, nhưng trên giấy tờ sổ sách thì kho này vẫn do VinaFood2 quản lý!

Hay như cơ sở nhà đất số 286 Điện Biên Phủ (P.17, Q.Bình Thạnh), cơ sở nhà đất số 169 Calmette (Q.1), 134 Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.Tân Bình)...

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn hiện nắm giữ 158 địa chỉ kho bãi với tổng diện tích hơn 270.871m2. Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 203.000m2 kho bãi đã được “biến hóa” thành nhiều dạng sở hữu khác nhau”.

Không chỉ việc đất công sản bị “bốc hơi”, từ công chuyển thành tư mà còn có rơi vào tình trạng khó đòi vì “ham” cho thuê như trường hợp của Tổng Công ty Dệt may Gia Định TP.

Hiện tổng công ty này đang sở hữu 72 mặt bằng, với tổng diện tích 368.501m2 đất. Theo đơn vị này, mặt bằng số 32/2 (nay là số 72) đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận (do Công ty Cổ phần May da Sài Gòn quản lý (công ty thành viên của Tổng Công ty Dệt may gia Định), sử dụng và cho Trường THPT Dân lập Hồng Hà thuê làm trường học từ năm 2004).

Tuy nhiên, khi yêu cầu Trường THPT Dân lập Hồng Hà giao trả mặt bằng thì đơn vị này đã không những không giao trả mặt bằng mà còn xin sở hữu luôn diện tích được thuê. Đưa vụ việc ra tòa giải quyết từ 3 năm nay nhưng vẫn mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền (phải): "Sử dụng không đúng mục đích thì phải thu hồi". Ảnh: Đoàn Quý

"Sử dụng không đúng mục đích thì phải thu hồi"

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát UB Kinh tế của Quốc hội và Đoàn ĐBQH TP.HCM ngày 14/7, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt cho rằng: “Giá đất cho thuê còn nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc “công sản”, giá thuê thấp so với giá trị trường, vô hình trung kích thích động cơ cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch giá”.

“Tình trạng đất cho thuê lại là do pháp luật không minh bạch, rõ ràng giữa cho thuê lại đất với cho thuê lại tài sản trên đất, nên trong thực tiễn xử lý còn không thống nhất”, ông Kiệt nói.

Ông Kiệt cũng cho biết thêm, hiện trên địa bàn TP, đất do tập đoàn, tổng công ty đang trực tiếp quản lý, sử dụng là 410 khu đất với khoảng hơn 6,3 triệu m2.

Trong đó diện tích đất sử dụng đúng mục đích chỉ vỏn vẹn hơn 2,5 triệu m2, diện tích cho thuê trái pháp luật là gần 25 ngàn m2. Đặc biệt diện tích đất chưa sử dụng lên tới gần 4 triệu m2 (trong đó có gần 140 ngàn m2 đất đang bị bỏ hoang, lãng phí).

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan, tính từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg đến nay, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã thu hồi được 165 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích đất là 605.969m2. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, TP đã xử lý thu hồi được 36 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích đất là 30.371m2.

Mặt khác, cũng theo 2 đơn vị này, ngày 19/1/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, nhưng sau 2 năm quyết định này ra đời thì Bộ Tài chính vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện, cũng một phần gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, thu hồi đất, kho bãi bỏ hoang và sử dụng không đúng mục đích.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, cũng cho rằng: “Đúng là ngay trong chính sách cũng còn chồng chéo. Nhưng nếu con số này tương đối chính xác thì sau đây chúng ta phải xem xét lại. Tại sao lại có chuyện như vậy, đâu là do chính sách, lỗi về quản lý, quá trình tổ chức thực hiện và người sử dụng đất”.

Ông Hiền nhấn mạnh: “Cái này rất quan trọng, nắm được tình hình và tháo gỡ như thế nào? Xử lý như thế nào? Sử dụng không đúng mục đích thì phải thu hồi”.

Về phần mình, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám chia sẻ: “Nếu chưa có thông tư hướng dẫn thì vướng cái gì thuộc về trung ương và quản lý hành chính tại địa phương, Sở Tài chính và Sở TNMT phải có đề xuất để chúng tôi kiến nghị xem xét trình Quốc hội và Quốc hội sẽ có những quyết định cụ thể”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: 140.000 mét vuông đất bị bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO