Thị trường bất động sản: Phân khúc nào sẽ tăng giá?

NGUYÊN BẢO| 31/03/2017 03:31

Trong khi thị trường căn hộ được dự báo sẽ khó tăng giá thì dư địa tăng giá đất nền và nhà liền đất vẫn tiếp diễn.

Thị trường bất động sản: Phân khúc nào sẽ tăng giá?

Trong khi thị trường căn hộ được dự báo sẽ khó tăng giá thì dư địa tăng giá đất nền và nhà liền đất vẫn tiếp diễn. 

Đọc E-paper

Cùng với tốc độ đô thị hóa và hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, như xa lộ Hà Nội mở rộng, cầu vượt sông Sài Gòn, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây,... giá đất tại một số khu vực ở quận 2, TP.HCM đã tăng đáng kể.

Đất nền: nhiều khu vực tăng giá

Khảo sát thị trường bất động sản khu đông TP.HCM của Công ty CP Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA) cho thấy, ở phường An Phú - An Khánh, trong vòng 10 năm (2006 - 2016), giá đất đã tăng hơn 8 lần, từ 8 triệu đồng/m2 lên 65 triệu đồng/m2 (giá tối thiểu). Hay ở Thủ Thiêm, mức giá đã tăng từ 9 triệu đồng lên 100 triệu đồng/m2.

Trong cả 4 khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh ở quận 2 kể từ thời điểm thành lập quận năm 1997 gồm An Phú - An Khánh, Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái thì Cát Lái được đánh giá là nơi còn quỹ đất khá lớn lẫn dư địa tăng giá, dù giá mỗi mét vuông đất ở đây trong 10 năm đã tăng gần 4 lần, từ 4 triệu lên 15 triệu đồng (tối thiểu).

Cũng theo ghi nhận của DKRA, do nguồn cung hiếm, thị trường thứ cấp ở phân khúc đất nền tại TP.HCM khá sôi động. Chẳng hạn, cuối năm 2016, giá đất nền khu đông tăng 10 - 20% so với đầu năm. Nhìn chung, đất nền tại TP.HCM thường tập trung ở các quận vùng ven như quận 9, Bình Tân, Nhà Bè, huyện Bình Chánh.

Một số bất động sản thuộc các đô thị quanh TP.HCM cũng có thanh khoản khá tốt và nhà đầu tư đã có thể tìm được lợi tức chênh lệch từ giao dịch thứ cấp, như khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (Đồng Nai) do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCo.op) đầu tư.

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Công ty Bất động sản DonaLand chia sẻ, ghi nhận từ thực tế cho thấy, giá đất tại khu đô thị này hiện đã tăng bình quân 30% tính từ thời điểm mở bán đợt 1 vào tháng 8/2016. Cụ thể, đất nền tại Long Hưng được giao dịch với giá bình quân 7,5 triệu đồng/m2, đến nay đã tăng lên 9,5 triệu đồng/m2.

Giá giao dịch tại thị trường thứ cấp cũng tăng tương ứng, từ 9,5 - 10 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Được biết, khu đô thị này không chỉ sở hữu 28km đường sông và 22km kênh rạch nội khu mà còn kết nối trực tiếp vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông qua một trục đường đã được chính quyền địa phương phê duyệt triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Trong khi đó, ở Long An, quý I/2017, nhiều doanh nghiệp triển khai giai đoạn tiếp theo của các khu dân cư, như Phúc Khang Corporation với Làng Sen, Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường giới thiệu giai đoạn 2 khu đô thị thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh và sắp tới, theo kế hoạch, Danh Khôi Á Châu sẽ tiếp tục đưa khoảng 1.200 nền đất thuộc Sài Gòn Village (liền kề khu đô thị Cảng Hiệp Phước) ra thị trường.

Ông Trần Hiếu - Phó tổng giám đốc DKRA cho biết, nếu so với thời điểm mở bán đợt đầu vào trước Tết Nguyên đán 2017, giá giao dịch trên thị trường thứ cấp của Sài Gòn Village đã tăng bình quân 15 - 20%. Hiện tượng này cũng đồng thời diễn ra với đất nền tại Cát Tường Phú Sinh.

Cũng theo ông Hiếu, với mức giá mỗi đất nền trên dưới 500 triệu đồng và liền kề TP.HCM, dư địa tăng giá ở Long An vẫn còn khi các công trình hạ tầng kết nối với TP.HCM hoàn thiện.

Sức hút từ nhà liền đất

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ: "Năm 2017, trong khi khả năng tăng giá căn hộ tại TP.HCM là rất ít thì đất nền và nhà liền đất (nhà phố, biệt thự) vẫn là 2 phân khúc tiềm năng với tỷ lệ hấp thụ tốt. Báo cáo về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 của DKRA cho thấy, năm 2016 TP.HCM có thêm 4.618 nhà phố, biệt thự với 80% đã được bán.

Do phần lớn người Việt vẫn còn có tâm lý "ăn chắc mặc bền" với việc sở hữu đất, hoặc tài sản gắn liền với đất nên phân khúc này thường đảm bảo về thanh khoản.

Chẳng hạn, hồi tháng 1 vừa rồi, Công ty CP Đầu tư Nam Long đã gây bất ngờ khi trong ngày mở bán, 106/110 căn biệt thự Valora Kikyo (quận 9) đã được hấp thụ với giá từ 7,5 - 14 tỷ đồng/căn, dù trước đó chỉ có 3 tuần để quảng bá.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã mở bán thành công 131 sản phẩm (diện tích từ 142,71 - 362,5m2, giá từ 21,7 triệu đồng/m2) thuộc khu nhà liên kế vườn Merita (quận 9).

Với nhu cầu thị trường còn khá lớn, không ít chủ đầu tư bày tỏ ý định ưu tiên phát triển hạng mục này thay vì phân khúc căn hộ như trước. Điển hình như Khang Điền, theo ông Nguyễn Đình Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty, bên cạnh khu đông, năm nay sẽ xem xét việc triển khai hạng mục nhà liền đất ở khu nam, cụ thể là tại khu dân cư Phong Phú (Bình Chánh).

Trong khi đó, với Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, sau 3 khu căn hộ ở khu nam, sắp tới, đang có kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 100 căn nhà phố (bao gồm nhà ở cao tầng lẫn thấp tầng) mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng nối dài. Đây cũng là khu nhà được giới đầu tư bất động sản tại TP.HCM chờ đợi trong năm nay do tọa lạc ngay trục đường mới mở tại khu nam Sài Gòn (kết nối trực tiếp giữa đường Phạm Hữu Lầu, huyện Nhà Bè với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7) nên dư địa tăng giá là khá lớn.

Được biết, sau khi tuyến đường mới này đưa vào vận hành, giá đất ở khu vực này đã xấp xỉ trên dưới 40 triệu đồng/m2, tăng 30 - 40% so với trước. Thông tin Nhà Bè "lên quận" đang trở thành động lực để giới đầu tư bất động sản kỳ vọng về khả năng giá đất nơi đây tiếp tục tăng.

>Biệt thự ven sông – chuẩn mực mới trong phân khúc BĐS cao cấp

>Đất nền, nhà liền đất dẫn dắt thị trường cuối năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bất động sản: Phân khúc nào sẽ tăng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO