Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà

QUỲNH MAI| 09/06/2009 04:55

Trước đây, việc cho phép người nước ngoài, Việt kiều sở hữu một căn hộ tại VN được hy vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ cho thị trường căn hộ. Tuy nhiên, sau hơn hai năm thực hiện, mới có trên 140 Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại VN. Điều đó cho thấy những chính sách hiện hành về nhà ở cho Việt kiều, người nước ngoài ở VN cần phải sửa đổi.

Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà

Trước đây, việc cho phép người nước ngoài, Việt kiều sở hữu một căn hộ tại VN được hy vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ cho thị trường căn hộ. Tuy nhiên, sau hơn hai năm thực hiện, mới có trên 140 Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại VN. Điều đó cho thấy những chính sách hiện hành về nhà ở cho Việt kiều, người nước ngoài ở VN cần phải sửa đổi.

Khu đô thị Nam Sài Gòn được nhiều người nước ngoài, Việt kiều chọn làm nơi cư trú.

HAI NĂM, 140 QUYỀN SỞ HỮU

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra của Quốc hội cho thấy, sau hơn hai năm thực hiện Luật Nhà ở, đến nay mới có trên 140 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại VN. Con số này còn rất ít so với nhu cầu thực tế.

Điều đó cho thấy chủ trương, chính sách về vấn đề nhà ở cho Việt kiều, người nước ngoài ở VN đã có nhưng chưa theo kịp tình hình thực tế. Đặc biệt, theo đánh giá chung, những quy định về đối tượng đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại VN là một trong những cản ngại đầu tiên mà không phải Việt kiều nào cũng đáp ứng được.

Chính vì vậy, trong lần sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở lần này, Ủy ban Kiểm tra của Quốc hội cho rằng cần phải bổ sung ba nhóm đối tượng được quyền sở hữu nhà so với quy định hiện hành, đó là: “Người có quốc tịch VN”, “Người gốc VN có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt” và “Người gốc VN có vợ hoặc chồng là công dân VN đang sinh sống ở trong nước”.

Ngoài ra, dự luật cũng đã nới rộng thời gian để người Việt ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà theo hướng giảm thời gian cư trú bắt buộc từ 6 tháng trở lên như luật cũ, xuống còn 3 tháng.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, dự luật cũng quy định cụ thể các đối tượng người VN định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại VN giống như Điều 126 Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, nội dung Điều 121 của Luật Đất đai được sửa đổi lại theo hướng bổ sung cho người sở hữu nhà thêm hai quyền, đó là quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở.

Những quy định hiện hành về Việt kiều được phép sở hữu nhà tại VN được xây dựng trên tinh thần mở nhưng vẫn có ý kiến lo ngại nếu mở rộng cửa sẽ làm nảy sinh tình trạng Việt kiều đầu cơ, buôn bán bất động sản tại VN.

Theo tờ trình của Chính phủ sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở, để tránh trường hợp người Việt ở nước ngoài đầu cơ nhà trong nước, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, nên dự luật quy định người VN định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại VN ở.

THỊ TRƯỜNG CHƯA HY VỌNG BIẾN CHUYỂN

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tỏ ra khá dè dặt khi nhận định về những chính sách mới cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà chung cư sẽ khiến thị trường bất động sản sôi động trở lại.

Theo ông Châu: “Chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà chỉ là một yếu tố kích thích thị trường nhà đất trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chứ chưa thể tạo sự sôi động cho thị trường nhà đất nói chung và thị trường căn hộ nói riêng. Bởi không phải người nước ngoài nào có đủ điều kiện được phép mua nhà ở VN cũng sẽ mua nhà.

Đối với một bộ phận không nhỏ người nước ngoài, ngay chính trên quê hương họ, họ cũng đi thuê nhà để ở, chứ không có tập quán mua nhà như người VN. Riêng đối tượng được kỳ vọng nhiều nhất là Việt kiều thì không phải ai cũng có điều kiện tài chính để sở hữu nhà tại VN”.

Còn ông Lâm Văn Chúc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà đất Phúc Đức thì cho rằng: “Việc mở rộng đối tượng Việt kiều được phép mua nhà tại VN sẽ không có tác động đáng kể nào đến thị trường bất động sản trong nước trong hoàn cảnh hiện nay. Nếu cho phép mua với những điều kiện ràng buộc quá chặt chẽ thì sẽ không hấp dẫn được Việt kiều”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo thuận lợi cho Việt kiều sở hữu nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO