Tăng diện tích chỗ ở tối thiểu có ngăn được dòng người nhập cư?

DUY KHÁNH| 20/11/2018 03:38

Sau 4 lần đưa ra phương án về quy định diện tích nhà ở bình quân của người nhập hộ khẩu vào TP.HCM, đến nay đại diện các sở, ngành liên quan đã thống nhất:

Tăng diện tích chỗ ở tối thiểu có ngăn được dòng người nhập cư?

Cá nhân có nhu cầu đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở thuê, mượn, ở nhờ tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đều được áp dụng tiêu chuẩn chỗ ở tối thiểu 20m2/người không phân biệt nội ngoại thành, khu vực. Trong tương lai, tiêu chuẩn này còn có thể tăng thêm cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TP.HCM theo từng thời kỳ.

Trước đó, tại tờ trình ngày 17/6/2014, Sở Xây dựng TP.HCM chia làm 2 khu vực. Cụ thể, khu vực 1 gồm quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức là 16m2 sàn/người. Khu vực 2 gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn là 8m2 sàn/người.

Link bài viết

Tại tờ trình lần 2 (18/11/2016), Sở Xây dựng đề xuất giữ nguyên việc phân chia như trên nhưng khu vực 1 giảm còn 15m2 sàn/người, khu vực 2 là 10m2 sàn/người.

Đến ngày 16/5/2017, Sở Xây dựng tiếp tục có tờ trình kiến nghị nâng khu vực 1 lên 19,8m2 sàn/người, khu vực 2 giữ nguyên 10m2 sàn/người.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tiêu chuẩn 20m2 sàn nhà ở/người cũng là chỉ tiêu về nhà ở trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020. Người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú vào TP.HCM phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chỗ ở trên. Quy định này cũng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người dân, cũng không áp dụng với người tạm trú có thời hạn hay ở trọ.

Cũng theo ông Tuấn, nếu tiêu chuẩn này được ban hành chỉ áp dụng cho trường hợp nhập hộ khẩu vào nhà ở nhờ, thuê, mượn, không áp dụng cho những trường hợp đăng ký hộ khẩu vào nhà thuộc sở hữu, nhập hộ khẩu theo thân nhân. Ông Tuấn cho biết, việc Sở Xây dựng chỉ trình một mức tiêu chuẩn về nhà ở để đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn Thành phố nhằm điều chỉnh cho phù hợp giữa số dân và hạ tầng kỹ thuật. Việc này giúp tránh trường hợp nhà 50m2 trong các quận trung tâm Thành phố đăng ký hộ khẩu ở nhờ từ 20 đến 50 người.

Tuy nhiên, một chuyên gia đô thị phân tích, trên thực tế, việc đăng ký thường trú và chỗ ở của người dân hoàn toàn khác nhau. Người dân nhập cư đến TP.HCM không phải vì muốn được đăng ký hộ khẩu thường trú mà đến và ở lại vì muốn tìm việc làm, tìm được cơ hội khởi nghiệp, cơ hội tiến thân. Họ chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú vì những mục đích khác như để con đi học thuận tiện hơn, để được vay tiền ngân hàng... Vì thế, việc tăng điều kiện được đăng ký hộ khẩu vào Thành phố không hẳn ngăn được dòng người nhập cư từ các tỉnh.

Vị chuyên gia này còn lo lắng việc đặt ra tiêu chuẩn quá cao để đăng ký hộ khẩu thường trú không những không ngăn được người nhập cư mà còn làm cho người nhập cư muốn có hộ khẩu tại TP.HCM phải lách luật. Đó là người ta có thể thuê nhà rộng để ở đủ thời gian đăng ký hộ khẩu rồi sau đó thuê nhà nhỏ hơn, hoặc sau khi đăng ký vào chỗ cho ở nhờ, người có hộ khẩu sẽ chuyển đi chỗ khác. Điều này sẽ khiến việc quản lý trật tự xã hội thêm khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng diện tích chỗ ở tối thiểu có ngăn được dòng người nhập cư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO