Livestream bán bất động sản: Một xu hướng mới

Ngọc Anh| 16/08/2021 07:30

Phương thức bán bất động sản (BĐS) truyền thống đang dần bị mạng xã hội thay thế, nhất là livestream (phát video trực tiếp).

“Online hóa" việc bán bất động sản

tr14-livestream-bds-copy-9891-1628592241

Một livestream giới thiệu shophouse TP.HCM - Ảnh chụp màn hình

Không chỉ làm việc, họp hành online mà mô hình kết nối sản phẩm - nhà đầu tư hay người bán - người mua đều “rục rịch" thay đổi theo hướng này. Mạng xã hội trở thành một công cụ nhanh gọn, tiện lợi, dễ sử dụng để tiếp cận khách hàng và chào bán sản phẩm. Vào khung giờ vàng buổi tối, các trang fanpage, tài khoản YouTube, các trang đăng tin nhà đất của nhân viên môi giới BĐS rầm rộ phát trực tiếp. 

Quan tâm tới căn hộ chung cư trong một livestream, ông Nam (quận 12) đã để lại bình luận. Từ đó, tin nhắn đến ông như “dội bom" vì mỗi ngày có vài chục người rao bán căn hộ ở nhiều tòa chung cư khác nhau, hoặc hỏi số điện thoại để gọi tư vấn. Dẫu biết đó là công việc của họ để phù hợp với việc phải giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, nhưng ông Nam không tránh khỏi khó chịu vì chỉ bình luận một lần mà mình trở thành “con mồi" trong thời buổi “một người mua vạn người bán”.

Theo ông Hà Tuấn Anh - Giám đốc Dự án Công ty Green House TP.HCM (phân phối sản phẩm cho chủ đầu tư, cho thuê mua), livestream chỉ là một giải pháp chứ không thể là một hình thức giao dịch kinh doanh. Nhóm khách hàng mục tiêu có xu hướng tìm hiểu sản phẩm BĐS bằng hình thức thực tế hơn, thay vì xem livestream khá tốn thời gian.

Sàn giao dịch BĐS Property X Hà Nội thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh đặt tại Thủ đô nhưng bán đất nền, căn hộ, biệt thự ở Đông Nam Bộ và miền Trung, nên việc trao đổi online với khách hàng không còn mới nữa. Khi phải giãn cách, hoạt động lại càng phải online. Ông Đỗ Văn Kiên - quyền Tổng giám đốc một sàn BĐS cho biết, nhân viên của ông đề xuất livestream giới thiệu sản phẩm đều được khuyến khích, nhưng yêu cầu phải chuẩn bị kỹ từ thiết bị, kịch bản, trang phục, thông tin sản phẩm, kiến thức ngành vì  phát trực tiếp phải hạn chế sơ suất tối đa.

“Tiếp cận khách hàng vãng lai qua livestream là khó, nhưng nếu có tệp khách hàng đích thực và tiềm năng rồi thì hoạt động này sẽ rất thú vị vì được giải đáp trực tiếp các câu hỏi của người cần mua BĐS. Có thể xem đây như cách mở bán online, khách hàng đã quan tâm cộng với hiệu ứng tốt thì có khả năng chốt giao dịch cao hơn”, ông Đỗ Văn Kiên cho biết. 

Bên cạnh nhân viên sales BĐS thực hiện livestream, các đơn vị lớn như An Gia, Rever, Khải Hoàn Land... tổ chức những buổi hội họp chuyên nghiệp, như hội thảo online, đưa lãnh đạo và quản lý “lên sóng" để cùng thảo luận và tư vấn hướng đầu tư sản phẩm phù hợp với thực tế. Những sự kiện trực tuyến này thường mời thêm người nổi tiếng, chuyên gia phong thủy, hoặc tổ chức minigame để thu hút người tham gia. Tập đoàn BĐS An Gia mỗi tuần có một vài sự kiện livestream giới thiệu BĐS và “treo" quà khủng là hoàn tiền 100 triệu đồng cho người chốt giao dịch trong một BĐS tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. 

Trên livestream, sức hút của người chia sẻ là rất quan trọng, người có ngoại hình bắt mắt, nói hay, hoạt ngôn, tương tác tốt với người xem sẽ có hàng chục nghìn lượt theo dõi và hàng trăm lượt chia sẻ. Tuy nhiên trong số đó, tỷ lệ người xem quan tâm thực sự đến sản phẩm BĐS thì rất thấp.

Đặc biệt, nhóm khách hàng mua nhà để an cư rất thận trọng hơn khi đưa ra quyết định. Bà Thu Hằng (thành phố Thủ Đức) đã xem 10 căn nhà trong ba tháng mới chọn được một căn ưng ý. Bà Hằng chia sẻ: “Mua để ở hay đầu tư thì cũng phải đến tận nơi, xem xét mọi yếu tố như giao thông, hàng xóm, trường học, siêu thị... thì mới cảm nhận được giá trị của căn nhà hay mảnh đất. Trên livestream, dù được cung cấp nhiều thông tin nhưng mình không thể tin tưởng hoàn toàn, chỉ để tham khảo”.

Chuyển đổi số là tất yếu

Sau 4 lần bùng phát Covid-19 ở nước ta, chuyển đổi số trong bán hàng, chăm sóc khách hàng, quảng cáo... không còn là trào lưu mà là một xu thế để tồn tại của doanh nghiệp BĐS. 

Các sàn giao dịch BĐS thuộc những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư đã từng bước bán hàng trực tuyến, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo qua chuyển đổi số, còn khoảng 80% sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới vốn đã giảm doanh thu thì khó số hóa. 

Như chia sẻ ở trên, ông Đỗ Văn Kiên cho biết, Sàn Property X Hà Nội thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh nên có sẵn không gian online giới thiệu sản phẩm, từng BĐS mở bán đều có site ứng dụng công nghệ VR 360 để gửi cho khách “tham quan". Trải nghiệm thử vào một site khu đô thị, người viết thấy được tổng thể các block, số lầu, số căn hộ, hệ thống đường sá... có thể xoay 360 độ, chọn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để có góc nhìn đa dạng. Để có được điều đó, nhân viên trong tập đoàn được đào tạo để ứng dụng chuyển đổi số vào công việc, nếu không sẽ khó thích ứng với môi trường chung.

tr14-site-tour-copy-1513-1628592241.jpg

Trải nghiệm hình thức “site tour 360 độ" của một doanh nghiệp ở Thuận An, Bình Dương - Ảnh chụp màn hình

Sàn giao dịch Richland Việt Nam ở quận 7 (TP.HCM) với 60 nhân viên, chấp nhận dùng thời gian “ít việc" do cách ly để “giải bài toán” chuyển đổi số. Ông Hồ Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Richland Việt Nam xác định, bán hàng theo cách cũ không còn hiệu quả trong đại dịch. “Những người quản lý chúng tôi đầu tư công nghệ vào hệ thống công ty, dần dần truyền tải cho nhân viên. Nhân viên nào không học hỏi, không đổi mới sẽ bị thị trường thanh lọc”. Theo ông Thiện, nếu trước kia nhân viên sales chỉ cần nắm rõ sản phẩm và đưa ra giải pháp đầu tư phù hợp nhu cầu và tài chính của khách hàng là khả năng chốt giao dịch cao, thì bây giờ không còn nữa. Nhân viên sales phải đọc báo cáo số liệu ngành BĐS, dùng công cụ để phân tích tình hình, nắm bắt biểu đồ đầu tư, tất cả chuyển thành kiến thức riêng rồi gửi email chăm sóc khách hàng. Đó là sự khác biệt của người môi giới BĐS biết ứng dụng công nghệ trong thời điểm có khách đã khó, chăm sóc khách hàng còn khó hơn. 

Trong một talkshow trực tuyến về chủ đề livestream bán BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng  - Tổng giám đốc Nova E&M, hay còn gọi là chuyên gia truyền thông Tùng LEO chia sẻ, livestream sẽ biến thể thành nhiều hình thức khác nhau. Livestream chỉ là một nền tảng, còn biến thể của nội dung sẽ càng ngày càng phát triển. Khi đưa BĐS lên livestream, lên online thì phải tạo được niềm tin cho khách hàng trong từng chi tiết nhỏ nhất. Số lượng người xem dù có hàng triệu cũng chưa chắc đã nói lên được điều gì. Để có được người xem là khách hàng mục tiêu, đúng đối tượng thì quá trình chuẩn bị livestream phải rất kỹ lưỡng, liên quan đến các khâu quảng cáo, thu hút người có nhu cầu chứ không chỉ bấm nút lên sóng và có nhiều người xem là hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Livestream bán bất động sản: Một xu hướng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO