Giá nhà cao hơn giá trị thực

Lữ Ý Nhi| 10/03/2020 09:12

Khan hiếm nguồn cung, cơ quan quản lý yêu cầu thủ tục pháp lý phải đầy đủ, chính xác, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng và dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản đầu năm 2020 gặp nhiều bất lợi...

Giá nhà cao hơn giá trị thực

Nhà đầu tư e ngại

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến hết tháng 2/2010, có nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) thua lỗ, thậm chí có không ít DN đứng trước nguy cơ phá sản. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2019 có 83.126 giao dịch BĐS thành công, giảm 26% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, 600 DN BĐS tạm ngừng hoạt động, 686 DN giải thể. Riêng tại TP.HCM, theo số liệu của HoREA, số dự án chủ trương đầu tư giảm 92%, chỉ có 47 chung cư được cấp giấy đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. 

Nguồn cung sụt giảm nhưng cầu tăng đã đẩy giá nhà tại TP.HCM tăng vọt. Cụ thể, trong quý IV/2019, giá căn hộ chung cư tăng từ 15-20%, cá biệt có chung cư tại quận 9 giá căn hộ tăng 39% trong một năm. Giá bán căn hộ cao cấp có sự chênh lệch rất lớn, có nơi lên tới 250 triệu đồng/m2. Cụ thể, đầu năm 2019, Công ty Himlam Land bàn giao căn hộ Him Lam Phú An (quận 9) với giá 35 triệu đồng/m2, so với thời điểm mở bán năm 2017, tăng gần 45 triệu đồng/m2. Hay chung cư Ascent Plaza tại quận Bình Thạnh, đầu năm 2019 giá 37 triệu đồng/m2, tới nay đã là 45 triệu đồng/m2. Theo giới phân tích BĐS, đà tăng giá khó có thể dừng lại do nguồn cung trong vài năm tới rất khó dự báo vì hiện TP.HCM khan hiếm những khu chung cư mới. 

Bà Trang Bùi - Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam nhận định, việc giá nhà tăng cao cộng với dịch bệnh Covid-19  đã gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư vì giá bán hiện tại cao hơn giá trị thực và chưa có dấu hiệu cải thiện. 

Trong báo cáo đầu tư năm 2020 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, quỹ đất nội thành dần cạn kiệt tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM, vì thế đã chuyển dịch “sức nóng” sang các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, do giá đất tăng vọt trong các năm gần đây cộng với cơ sở hạ tầng còn thiếu tại các khu đất dự kiến xây nhà làm gia tăng mức độ rủi ro nên các nhà đầu tư khá thận trọng.

Vẫn nhiều tiềm năng

Sự e dè của nhà đầu tư chỉ là ngắn hạn và nếu dịch bệnh Covid-19 được ngăn chặn sớm, thị trường BĐS sẽ sôi nổi trở lại vì nhu cầu nhà ở vẫn còn rất lớn. Theo HoREA, thị trường BĐS có thể phục hồi vào quý III năm nay, trong đó căn hộ có giá trên dưới 2 tỷ đồng vẫn được chú ý, nhưng nguồn cung này bị thiếu hụt trầm trọng nên nhà đầu tư phải đi xa hơn để tìm sản phẩm phù hợp, trong đó sản phẩm có khả năng cho thuê sẽ được ưa chuộng hơn dòng sản phẩm chỉ tăng giá trong dài hạn.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, những khu nhà “quá nóng” thì người có nhu cầu thực không dám mua, còn những khu nhà tiềm năng, nhất là có khả năng cho thuê vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, dẫn tới hằng năm Việt Nam phải xây khoảng 100 triệu m² nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu an cư của dân cư đô thị. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, sản phẩm ra thị trường theo xu hướng nhỏ giọt. Nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiếu nhà ở để bán trong các năm 2020-2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS khẳng định, khan hiếm nguồn cung trước mắt không phải do không còn dư địa phát triển mà do chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước, như yêu cầu thủ tục pháp lý phải đầy đủ, chính xác, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng vào BĐS để đề phòng “bong bóng” và gần đây là dịch bệnh Covid-19.

Theo đánh giá của VDSC, thị trường BĐS đang dần tiến vào vùng điều chỉnh trong ngắn hạn. Mới đây, các điều kiện pháp lý được nới lỏng và Chính phủ cũng như UBND TP.HCM đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể triển khai dự án, chỉ có các chủ đầu tư BĐS uy tín, sở hữu quỹ đất sạch mới hưởng lợi từ các chính sách này.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây, ông Bùi Xuân Huy - đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, trong quá trình phát triển dự án, DN gặp những vướng mắc về pháp lý. Song nhờ sự lắng nghe của lãnh đạo các sở, ngành, nhiều thủ tục về pháp lý của dự án đã được giải quyết, như chung cư Cô Giang, trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại Bến Vân Đồn, khu cao ốc căn hộ - thương mại tại quận 2 và cao ốc thương mại - căn hộ tại Bình Thạnh. Bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết, chính quyền Thành phố đã gỡ vướng cho 6/12 dự án của công ty.

Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố hướng dẫn về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Đây là một tín hiệu tốt đối với DN đầu tư xây dựng BĐS nghỉ dưỡng. “Nếu thông tư hướng dẫn này được triển khai sẽ là cú đỡ, là đòn bẩy cho BĐS nghỉ dưỡng trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh Covid-19”, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nói. 

Theo TS. Khương, đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, văn bản hướng dẫn về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở được xem là một động thái tích cực trong bối cảnh thị trường BĐS tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. DN BĐS cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình tài sản mới như second home, condotel hay officetel. 

Nhận xét về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc bộ phận tư vấn Savills cho biết: “Khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát được dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ là lợi thế đối với Việt Nam, và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá nhà cao hơn giá trị thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO