Dự án bất động sản vào mùa chuyển nhượng

12/05/2014 00:44

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Intresco diễn ra vào cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Trương Minh Thuận cho biết Intresco đang rao bán 5 dự án.

Dự án bất động sản vào mùa chuyển nhượng

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Intresco diễn ra vào cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Trương Minh Thuận cho biết Intresco đang rao bán 5 dự án. Có dự án rao bán từng phần, có dự án rao bán toàn phần và cũng có dự án Công ty chọn phương án hợp tác đầu tư.

Cả nước hiện có 2.800 dự án bất động sản tạm dừng do chủ đầu tư không huy động được vốn để triển khai tiếp.

Trong 5 dự án này, chỉ có dự án Intresco Tower (quận Phú Nhuận) là đã được ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Intresco Tower được Intresco triển khai xây dựng từ đầu năm 2007, khi thị trường bất động sản đang sôi động. Tuy nhiên, do thị trường đóng băng, Công ty đã giãn tiến độ đầu tư dự án và sau đó là tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng.

Intresco không phải là trường hợp duy nhất công bố bán dự án. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phạm Đức Tấn cho biết năm 2014 PPI sẽ quay về với ngành cốt lõi là hạ tầng và rút khỏi nhiều dự án địa ốc bằng cách bán dự án, xả hàng tồn và thanh lý các tài sản hiện có.

PPI sẽ chuyển nhượng dự án PPI Tower (Thủ Đức) cho Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng bán toàn bộ dự án Water Garden (Thủ Đức) với giá 90 tỉ đồng cho Tập đoàn Đất Xanh.

Ngoài 2 dự án này, ban lãnh đạo PPI cho biết Công ty cũng đang tính đến việc thanh lý một phần dự án Bến Lức giai đoạn I và Long Hội City trị giá 80 tỉ đồng cùng với Khu Dân cư Vĩnh Phú II (Bình Dương) ước tính khoảng 40 tỉ đồng.

Một công ty khác là Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) cho biết đang đàm phán để chuyển nhượng dự án Quốc Lộ 13 tại phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức (quy mô 1,8 ha). Công ty Vạn Phát Hưng cũng lên kế hoạch chuyển nhượng một phần đất dự án Nhơn Đức (30 ha) ở huyện Nhà Bè cho 2 trường đại học.

Nguyên nhân chung của việc bán dự án tại các doanh nghiệp này là vì áp lực trả nợ quá lớn. Ở PPI, chẳng hạn, ông Phạm Đức Tấn cho biết tính đến cuối năm ngoái, nợ phải trả của PPI đã lên đến hơn 511 tỉ đồng. Để giảm 40-50% nợ trong năm nay, không có cách nào khác là bán dự án.

Dự án PPI Tower được chuyển nhượng cho Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Cao su Việt Nam trị giá 51 tỉ đồng, tương đương khoản nợ mà PPI nợ đơn vị này. Còn bán Water Garden là để trả nợ cho Ngân hàng Sacombank và giải quyết một phần các khoản nợ khác.

Còn ở Intresco, ông Trương Minh Thuận cho biết nếu thu được tiền từ việc bán dự án, Công ty sẽ dành để trả nợ. Tương tự, ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vạn Phát Hưng, cũng cho biết nếu chuyển nhượng thành công 30 ha đất dự án Nhơn Đức, Công ty sẽ dùng một phần nguồn tiền này để tái cơ cấu nguồn vốn, giảm bớt nợ vay.

Thế nhưng, dù hạ giá dự án thì việc bán vào lúc này cũng không dễ. “Công ty rất muốn bán, lỗ cũng được nhưng khổ nỗi thị trường bất động sản quá khó khăn, người bán thì nhiều mà người mua thì không có”, ông Thuận, Intresco, cho biết tại Đại hội cổ đông vừa qua.

Ngay cả đối với dự án Intresco Tower, dù được xem là dự án tốt của Intresco, nhưng Công ty cũng phải chấp nhận bán rẻ. Theo ông Thuận, để bán được, Công ty đã chấp nhận bán lỗ đến 241 tỉ đồng. Không chỉ vậy, bên mua chỉ chịu chia thành nhiều đợt thanh toán. Tính đến nay, Công ty mới chỉ thu được 40 tỉ đồng trong tổng giá trị chuyển nhượng 260 tỉ đồng.

“Trước đó, có đối tác khác chịu mua nhưng chỉ trả 10%; phần còn lại khi xây xong, họ mới trả. Một tổ chức nước ngoài chỉ trả 180 tỉ đồng so với giá vốn 500 tỉ đồng. Trong khi đó, một doanh nghiệp Nga đồng ý mua với giá 400 tỉ đồng nhưng việc chuyển tiền gặp khó khăn”, ông Thuận chia sẻ thêm.

Thực tế này là do thị trường đang dư thừa nguồn cung. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 2.800 dự án (với diện tích lên đến 68.000 ha) tạm dừng do chủ đầu tư không huy động được vốn để triển khai tiếp.

Theo Giám đốc Đầu tư của một công ty bất động sản nước ngoài (không muốn nêu tên), người mua hiện có quá nhiều sự lựa chọn trong khi chủ đầu tư rơi vào tình cảnh cấp bách buộc phải bán, nên các thương vụ thường bị vướng ở khâu đàm phán giá cả và phương thức thanh toán.

“Các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn khi đàm phán mua dự án chỉ chịu trả mức giá thấp hoặc trì hoãn việc thanh toán tiền một lần. Trong khi đó, do nhiều dự án đã được đầu tư vào thời điểm giá đất được đẩy lên quá cao, nên bên bán không chịu bán giá thấp hoặc bán lỗ. Điều này dẫn đến việc đàm phán bị bế tắc”, vị này nhận xét.

Tuy nhiên, khó khăn có vẻ chỉ đến với những dự án được kê giá quá cao hoặc có vị trí không tốt, vì thực tế cho thấy một số thương vụ vẫn thành công.

Dự án Water Garden, có vị trí nằm ngay bên sông Sài Gòn, là một ví dụ. Chỉ mới đánh tiếng bán vào cuối năm 2013 và được công bố bán vào hôm diễn ra Đại hội cổ đông, nhưng vài ngày sau PPI đã công bố tìm được người mua là Đất Xanh.

Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết vừa bán được dự án Đông Nam tại Thủ Đức với giá 1.050 tỉ đồng, dù chỉ mới đặt vấn đề tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản chưa đầy 6 tháng.

>“Săn” dự án bất động sản
>TP.HCM: Đất nền rục rịch giao dịch trở lại
>
Địa ốc 2014: Đón "làn gió mới"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự án bất động sản vào mùa chuyển nhượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO